Bắc Hà phát triển du lịch giàu bản sắc

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, huyện Bắc Hà luôn chú trọng giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa giàu bản sắc, tạo nên những sản phẩm du lịch hút khách.

Cuối tháng 5/2021, người dân huyện Bắc Hà vui mừng, tự hào khi nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông hoa và Lễ hội đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là những di sản mà chính quyền và Nhân dân trên địa bàn huyện mất nhiều công sức giữ gìn, bảo tồn, phục dựng để phục vụ phát triển du lịch.

Sinh ra và lớn lên tại xã Bản Phố, bà Vàng Thị Cở, thôn Bản Phố 2, từ lúc 12 tuổi đã được gia đình truyền dạy cách se lanh, dệt vải và may trang phục của dân tộc Mông hoa. Thế nhưng, phải đến khi hơn 20 tuổi, bà mới có thể thành thạo tất cả các công đoạn để làm nên một bộ trang phục hoàn chỉnh của dân tộc mình.

Bà Vàng Thị Cở (giữa ảnh) trình diễn thêu hoa văn trang phục người Mông hoa tại Lễ hội mùa Đông huyện Bắc Hà.

Bà Cở chia sẻ, trang phục truyền thống của người Mông hoa được người phụ nữ tự tay làm tất cả các công đoạn, từ trồng lanh, dệt vải, nhuộm màu, cắt vải, in sáp đến thêu hoa văn và may thành trang phục. Với người Mông hoa, chỉ có trang phục của phụ nữ là có nhiều hoa văn, chi tiết cầu kỳ. Mỗi bộ trang phục gồm nhiều chi tiết, như khăn, áo, váy, tấm vải che phía dưới trước váy, thắt lưng, xà cạp… được thêu những hoa văn, họa tiết tinh tế. Chính những hoa văn, họa tiết được kết hợp hài hòa trên trang phục của người Mông hoa đã tạo nên vẻ đẹp và giá trị riêng có.

Những người biết làm trang phục dân tộc Mông hoa ở Bản Phố như bà Cở đến nay không còn nhiều. Vậy nên cứ mỗi dịp huyện Bắc Hà tổ chức lễ hội, bà Cở thường được mời tới biểu diễn cách làm trang phục của người Mông hoa cho người dân và du khách tìm hiểu. “Tôi rất vui vì được giới thiệu cách làm trang phục của dân tộc mình đến du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá và phát triển du lịch” - bà Cở tâm sự.

Là người thuộc thế hệ trẻ, chị Lý Thị Vừ, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bản Phố rất tự hào khi nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông hoa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chị Vừ cho biết: Tôi rất mong bộ trang phục và cách làm trang phục của dân tộc Mông hoa được nhiều người biết đến. Hiện nay, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp đoàn viên, thanh niên biết và giữ gìn tinh hoa của dân tộc mình. Mặc dù chưa có khả năng làm một bộ trang phục hoàn chỉnh, nhưng tôi sẽ cố gắng học.

Nhờ nghệ thuật trang trí trên trang phục dân tộc Mông hoa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mà giá trị của trang phục người Mông Hoa được nâng lên tầm cao mới, là nền tảng để người dân huyện Bắc Hà có thể phát triển du lịch. Hiện nay, nhiều homestay trên địa bàn huyện Bắc Hà sử dụng hoa văn thổ cẩm trên trang phục người Mông hoa để trang trí. Điều này góp phần không nhỏ trong việc tạo ấn tượng và thu hút khách du lịch đến với Bắc Hà.

Một điều dễ nhận thấy, các sự kiện văn hóa do huyện Bắc Hà tổ chức đều được du khách trong và ngoài tỉnh đón nhận, ủng hộ. Ngay ở thời điểm du lịch trầm lắng, Lễ hội mùa đông Bắc Hà 2021 vẫn đón rất đông du khách. Đặc biệt, màn đua ngựa của những “kỵ sỹ nông dân”, chương trình văn nghệ, những mâm cơm đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Bắc Hà được du khách thích thú.

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc và đều giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Đó là nguồn tài nguyên vô tận đối với việc phát triển du lịch bền vững. Việc giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc những năm qua đã được ngành du lịch huyện chú trọng. Trong 33 sản phẩm du lịch huyện Bắc Hà đang khai thác, có 20 sản phẩm được phát triển dựa vào con người và các giá trị văn hóa truyền thống, tập trung vào nhóm: Lễ hội truyền thống, làng du lịch cộng đồng, chợ phiên…; chỉ có 13 sản phẩm được khai thác dựa trên tiềm năng thiên nhiên.

Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà khẳng định: Phát triển du lịch bền vững dựa vào bản sắc văn hóa các dân tộc là hướng đi được huyện Bắc Hà chú trọng trong giai đoạn tới. Với nền tảng sẵn có, chúng tôi tiếp tục bảo tồn, nâng tầm các giá trị văn hóa, tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Huyện đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch Bắc Hà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2050, với nhiều sản phẩm ấn tượng, như du lịch chợ phiên gắn với ẩm thực Bắc Hà; du lịch lễ hội và di sản; sinh thái, nông nghiệp; cộng đồng làng bản; du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch làng nghề…

Với chiến lược phát triển du lịch bền vững dựa trên nền tảng văn hóa đặc sắc, huyện Bắc Hà có thể đạt mục tiêu thu hút 1 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng vào năm 2025.

https://baolaocai.vn/bai-viet/355669-bac-ha-phat-trien-du-lich-giau-ban-sac

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Ngày hội văn hóa du lịch Sa Pa tại Hà Nội

Từ ngày 05/4/2024 đến ngày 07/4/2024, tại Khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội sẽ diễn ra Ngày hội văn hóa du lịch Sa Pa. Chuỗi hoạt động giới thiệu quảng bá du lịch Sa Pa tại Hà Nội hứa hẹn sẽ tạo ra một sự kiện mang sắc màu văn hóa đặc sắc của Sa Pa giữa lòng thủ đô Hà Nội,...

Khám phá điểm săn mây đẹp nhất Si Ma Cai

Si Ma Cai là huyện vùng cao nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, chợ Cán Cấu đậm đà sắc màu văn hóa, Sín Chéng với những thửa ruộng bắc thang lên trời, dòng sông Chảy quanh năm nước xanh ngọc bích và nhiều điểm du lịch chưa được khai thác. Nhưng bất cứ ai đến với Si Ma Cai cũng muốn check-in tại...

Lào Cai xây dựng các sản phẩm du lịch xanh

Năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch xanh nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương.

Đại ngàn Y T‎ý bung nở ngàn hoa

Sau giấc ngủ đông dài, đại ngàn Y Tý (huyện Bát Xát) và các xã lân cận đang bung nở muôn nghìn sắc hoa. Những cây lê, sơn tra, mận trồng trong vườn nhà hay mọc hoang dại trong rừng thẳm, bên đường xa đang độ rực rỡ nhất năm, tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.

Xứ sở 5 mùa lễ hội

Năm 2023, du lịch tỉnh Lào Cai tạo đột phá khi đón lượng khách lớn nhất từ trước đến nay với hơn 7,2 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 22.000 tỷ đồng.

Sa Pa: Du khách mê mải đồi hoa cải vàng rực tại Fansipan

Tháng 3 về, đồi hoa cải Fansipan (Sa Pa) bung nở rực rỡ, tựa như tấm thảm vàng rực khổng lồ phủ trên triền núi. Và giới đam mê xê dịch lại có thêm một lý do, để đến với đỉnh thiêng nơi vùng cao Tây Bắc.