Về miền thơ của Nguyễn Lê Hằng

Tôi hẹn gặp tác giả thơ Nguyễn Lê Hằng, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh vào một sáng chớm hạ. Giữa góc nhỏ ngập màu xanh của lá cây đang vào độ biếc, chị say mê sẻ chia những câu chuyện về miền thơ mang tên mình.

Thơ của phố phường và những chiếc lá

“Đó là Sa Pa, Sa Pa/Nơi em đến/Có bốn mùa hoa nở/Có sương giăng bảng lảng/Tiếng khèn dắt vào chiều da diết nhớ thương”.

Tác giả Nguyễn Lê Hằng.

Trong số hàng trăm bài thơ Nguyễn Lê Hằng từng viết, có nhiều lời thơ chị dành cho Sa Pa, mảnh đất chị luôn đau đáu nhớ về. Sa Pa trong tâm trí của chị như một vùng trời bình yên với vô vàn ký ức, từng là nơi ấu thơ của chị đã đi qua, nơi nuôi dưỡng ước mơ, cho chị cảm xúc để bật những lời thơ và gửi vào đó bao nỗi niềm da diết.

Trong dòng hồi tưởng về tháng ngày thuộc miền ký ức, chị kể: Bố tôi từng làm ở đài huyện. Ngày còn nhỏ, tôi yêu vô cùng giọng đọc của bố trên loa phát thanh. Tôi từng nghĩ về giấc mơ của mình, đấy là trở thành người truyền thông tin, truyền cảm xúc tới người khác để lan tỏa những điều tích cực.

Như một cái duyên, chị bước vào và gắn bó cuộc đời với thơ ca.

Trong số các cuốn sách được phát hành, Nguyễn Lê Hằng có 5 cuốn về thơ, gồm: Nỗi nhớ chưa vơi (2015), Chúng ta xếp hàng mua ký ức (2016), Ta về nhặt nắng (2017), Dấu nối mùa (2019), Thanh xuân (2021). Thơ của Nguyễn Lê Hằng mang dấu ấn rất riêng. Những lời thơ gieo nhạc, ý thơ gợi hình được chị gửi gắm qua những hình ảnh về phố phường, về những chiếc lá với nguồn nhựa chảy trôi theo dòng đời mải miết.

“Sớm nay cũng tại mùa thu ngủ quên/Nên chiếc lá vàng cũng lim dim gọi nắng/Tiếng chim hót bình yên phố lặng/Một gợn hương đủ hạnh phúc cả ngày”.

Tác giả Nguyễn Lê Hằng tham gia giao lưu tại Ngày sách và văn hóa đọc thành phố Lào Cai năm 2022.

Chắc hẳn không ít độc giả ngạc nhiên khi chị sinh năm 1976 hiện là cán bộ Sở Tư pháp Lào Cai. Một nghề tưởng như khô khan nhưng trong những vần thơ của chị, người ta lại thấy bóng hình của người phụ nữ mỏng manh, nhạy cảm, dễ rung động trước những đổi thay. Chị bộc bạch: Nhiều độc giả nhận xét tôi là nhà thơ của những chiếc lá, của phố phường, bởi tôi thường đưa hình ảnh này vào trong những vần thơ. Những chiếc lá, con phố có hình hài riêng được tôi gửi vào đó những xúc cảm, trải nghiệm, lắng lo về tiếng thở của nhịp đời.

Những lời nhận xét khiến chị thêm mừng vui khi thơ của mình đến gần với bạn đọc. Giữa tác giả và độc giả có mối giao cảm trên những vần thơ, với chị còn gì vui hơn thế.

Công việc hiện tại ở Sở Tư pháp của chị luôn bận rộn, cần đi nhiều nơi để thực hiện nhiệm vụ. Tại những nơi đi qua đều mang lại cho chị những cảm nhận riêng, nhiều bài thơ ra đời ngay tại thời điểm đó như “Về mây rừng Y Tý”, “Mùa hạ ở Minh Lương”, “Nghe anh kể về Pha Long”… Dấn thân theo đuổi đam mê, nữ nhà thơ Nguyễn Lê Hằng đã gửi gắm bao tình yêu quê hương vào con chữ, sáng tác nhiều tác phẩm, góp phần quảng bá quê hương Lào Cai và kỳ vọng, phác thảo bức tranh tương lai tươi sáng của mảnh đất miền biên viễn.

Gom chữ xếp thành thơ

Chập chững bước vào thơ từ những ngày tháng còn là học sinh, chị từng viết và gửi cộng tác với một vài trang báo dành cho lứa tuổi học trò. Những vần thơ tinh khôi, trong sáng thuở ban đầu giờ càng được trau chuốt, lấp đầy bởi cách dùng từ, đặt câu tinh tế, nhưng vẫn giữ được phong cách riêng của Nguyễn Lê Hằng.

Nguyễn Lê Hằng trải lòng, ngày còn nhỏ thơ của chị giản dị, thuần khiết, đôi lúc gom chữ để viết thành thơ cũng khó khăn. Về sau, khi đã trưởng thành, chị chắt lọc từng câu từ, với lao động miệt mài và tâm huyết, chị đã nhận được hàng loạt giải thưởng về văn học - nghệ thuật của tỉnh. Một số bài thơ của chị đã được phổ nhạc, trở thành sản phẩm âm nhạc được nhiều người nghe và biết tới như ca khúc “Hoàng Liên bốn mùa” của nhạc sỹ Huy Hoàng, ca khúc “Thành phố vào xuân” của nhạc sỹ Ma Thanh Quân.

Những cuốn sách của tác giả Nguyễn Lê Hằng đã được xuất bản.

Quan niệm làm thơ cần biết làm mới, tránh nhàm chán cho bạn đọc, Nguyễn Lê Hằng luôn dành thời gian để đọc, để nghe và tìm những cách thể hiện khác lạ. Không chỉ là những vần thơ về tình yêu lứa đôi, yêu thiên nhiên, đất nước, thơ của Nguyễn Lê Hằng còn mang những trăn trở về thời cuộc. Như tập thơ “Thanh xuân” là sự chia sẻ của chị với những khó khăn, hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua. Với chị, thanh xuân là nguồn nội lực và cũng là lời nhắc nhở, động viên để mỗi người vượt qua khó khăn, sống sôi nổi, nhiệt huyết như những tháng ngày tuổi trẻ.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Nguyễn Lê Hằng luôn trân trọng những tình cảm của đồng nghiệp, của độc giả đã giúp chị có thêm động lực để gắn bó với thơ. “Văn chương, nghệ thuật là niềm đam mê tôi muốn theo đuổi suốt đời. Ngoài thơ, trong thời gian tới, tôi tiếp tục dành thời gian viết tản văn, truyện ngắn cho thiếu nhi. Tôi mong thông qua các tác phẩm của mình sẽ truyền tải những thông điệp tích cực, gửi đến độc giả nguồn năng lượng để cuộc sống thêm thi vị, ý nghĩa”, tác giả Nguyễn Lê Hằng chia sẻ.

https://baolaocai.vn/bai-viet/356181-ve-mien-tho-cua-nguyen-le-hang

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.