Đến Văn Bàn thưởng thức bánh chưng đen

Bánh chưng đen, từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc đối với đồng bào vùng cao Lào Cai, bởi lẽ những chiếc bánh được hội tụ nhiều tinh túy của ẩm thực địa phương. Với nguyên liệu riêng của Văn Bàn, bánh chưng đen của đồng bào dân tộc Tày nơi đây cũng đã mang đến hương vị đặc biệt cho thực khách.

Mùi thơm của gạo nếp kết hợp vị ngậy bùi của đậu xanh cùng thịt mỡ, tạo hương vị khó quên.

Để làm ra những chiếc bánh chưng đen thơm ngon, hấp dẫn, người làm bánh phải tỉ mỉ, khéo léo thực hiện nhiều công đoạn khác nhau.
Nguyên liệu làm bánh cũng gần giống với bánh chưng truyền thống của người Việt, nhưng gạo nếp để làm bánh chưng đen của Văn Bàn được chọn là nếp Thẳm Dương - Loại gạo đặc sản của huyện Văn Bàn với độ dẻo, trắng và thơm ngon đặc biệt. Màu đen đặc trưng của bánh được người Tày nơi đây sử dụng từ cây núc nác, đây là loại cây dễ sống, mọc ở nhiều nơi. Thân, cành cây được phân loại riêng, người Tày thường bỏ sẵn lên gác bếp hong cho khô, khi nào cần dùng thì đem xuống. Lá dong cũng được đồng bào thu hái trên rừng. Về phần thịt lợn để làm nhân bánh là thịt lợn đen nuôi tại bản, thơm thịt, nhiều mỡ, được tẩm ướp gia vị, tiêu, ớt bột cho ngấm. Ngoài ra, bánh còn có nhân đỗ xanh được đồ chín.
Công đoạn chế biến cây núc nác khá cầu kỳ bởi lẽ khâu đốt than cây núc nác và sàng bột than sẽ quyết định sự thành công của bánh. Thân, cành cây núc nác sau khi lấy về sẽ tước vỏ, đốt thành than, giã mịn như bột rồi sảy nhiều lần cho thật mịn. Gạo nếp Thẳm Dương được chọn phải là loại ngon nhất, hạt to tròn, đều, đem vo kỹ, xóc với một chút muối tinh. Khi trộn bột than núc nác với gạo, người làm bánh cần liên tục đảo đều tay cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen nhánh. Có thể kiểm tra thử xem gạo đã “tới màu” chưa bằng cách miết mạnh hạt gạo trên đầu ngón tay, thấy gạo đã quyện chặt với bột than thành màu đen nhánh là đã đạt.

 
Bánh chưng đen Văn Bàn đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Lá dong sau khi lấy trên rừng về lau, rửa sạch. Nếu lá to mỗi bánh chỉ cần gói bằng một chiếc lá dong là đủ. Với loại lá nhỏ thì người làm thường dùng hai lá. Khi trải lá dong ra, cần lưu ý, mặt xanh của lá sẽ là mặt ngoài để sau khi bánh chín, màu bánh đẹp hơn.
Tiếp theo lớp gạo đầu tiên sẽ là hai miếng thịt làm nhân, rồi lớp nhân đậu xanh vàng ươm. Cuối cùng, thêm một lớp gạo lên trên để phủ kín hết đậu xanh, không để đậu xanh bị hở. Đến giai đoạn cuộn bánh, người phụ trách phải nắm hai bên lá dong cuộn lại một cách khéo léo sao cho nhân bánh nằm ở chính giữa, dùng lạt buộc cố định lại theo chiều ngang và buộc cố định lại bằng lạt theo chiều dọc thân.
Trước khi luộc, bánh được mang ngâm qua nước lạnh một lần, xếp vào nồi, đổ nước cho ngập mặt lá. Thường bánh chưng đen sẽ được nấu trong khoảng từ 10-12 tiếng. Do tro của cây núc nác có tác dụng khử mùi chua và độ nóng của gạo nếp nên ưu điểm của bánh chưng đen là thời gian sử dụng lâu hơn so với bánh chưng khác, có thể để được từ 7 đến 10 ngày trong điều kiện trời mùa đông và 3 đến 5 ngày trong điều kiện mùa hè.
Khi thưởng thức, người ăn lấy chính sợi lạt quấn quanh thân bánh để cắt thành từng khoanh. Một chiếc bánh đạt “chuẩn” khi nhìn từ bên ngoài có lớp gạo đen bóng, nhân vàng ươm màu đỗ, hoà quyện với màu sắc hấp dẫn của thịt mỡ bên trong. Chỉ cần nhìn thôi, thực khách cũng đủ ngây ngất và có cảm giác như bị mê hoặc bởi thứ đặc sản vùng cao.

Triệu Văn Đường

Tin Liên Quan

Lên núi xem người Mông hái trà cổ thụ

Những ngày này, khi búp trà xuân đã đến độ, ngậm đủ sương, uống đủ nắng, bà con người Mông ở xã vùng cao Tả Thàng (huyện Mường Khương) bắt đầu bước vào vụ thu hái trà cổ thụ.

Lan tỏa văn hóa ẩm thực Hàn Quốc tại “xứ sở sương mù”

Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Lào Cai - Sa Pa năm 2023 vừa diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, đậm sắc màu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc, trong đó, lớp học tập thể làm kim chi là một trong những trải nghiệm ấn tượng.

Giữ nghề làm bánh tẻ gia truyền

Thời đại công nghiệp hoá phát triển, thị trường tràn ngập các loại bánh, trái, thực phẩm ngon, đẹp mắt được sản xuất theo dây chuyền hiện đại. Nhưng những loại bánh mang hương vị truyền thống được nhiều gia đình người Việt lưu giữ từ nhiều đời là điều đáng trân quý. Nghề làm bánh tẻ (hay còn...

Độc đáo ẩm thực chợ phiên

Ai có dịp lên Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương chắc hẳn đều đã từng thưởng thức những món ẩm thực truyền thống của đồng bào vùng cao như thắng cố ngựa, mèn mén của người Mông, phở chua, bánh đúc ngô của người Nùng, xôi ngũ sắc của người Tày… tạo nên nét văn hóa riêng ở các chợ phiên.

Bánh trong nghi lễ của người Tày ở Nghĩa Đô

Vào dịp tết Nguyên đán, tết tháng Bảy, người Tày Nghĩa Đô gói các loại bánh đặc sản dâng cúng tổ tiên, thần linh, tổ Then, cầu cho người yên, vật thịnh, vật nuôi, cây trồng phát triển, thể hiện ước muốn về cuộc sống hưng thịnh, đạo hiếu uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây.

“Nghiêng say” ẩm thực Bắc Hà

Đến với vùng đất được mệnh danh là "cao nguyên trắng", du khách được rong ruổi cùng những vòng đua ngựa gay cấn kỳ thú, được say mê cùng tiếng khèn, điệu múa nơi quanh năm mây mù bao phủ và ấn tượng bởi thế giới ẩm thực phong phú, những sản phẩm mang đậm văn hóa, con người vùng cao Bắc Hà.