Phục hồi ấn tượng, du lịch toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều lực cản

Du lịch toàn cầu tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ khi ngày càng có nhiều điểm đến dỡ bỏ hạn chế. Song, vẫn nhiều nguy cơ tiềm ẩn với du lịch toàn cầu trong năm nay. Đây là những nhận định vừa được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đưa ra trong báo cáo mới nhất.

Du khách tại một cửa hàng lưu niệm tại Ronda, Tây Ban Nha hồi tháng 4 năm nay (Ảnh: REUTERS)

Phong vũ biểu du lịch toàn cầu, ấn bản cập nhật mới nhất của UNWTO vào ngày 6/6 cho thấy, xét trên toàn cầu, trong quý đầu năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế tại các điểm đến ước đạt 117 triệu khách, tăng 182% với cùng kỳ năm 2021 (41 triệu lượt khách). Trong số 76 triệu lượt khách tăng thêm so với cùng kỳ năm 2021, có 47 triệu lượt khách của tháng 3/2022. Con số này cho thấy du lịch toàn cầu đang lấy lại đà tăng trưởng đầy ấn tượng.

Phục hồi chưa đồng đều

Trên bình diện toàn cầu, du lịch thế giới đang cho thấy đà phục hồi nhanh chóng nhờ việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhiều điểm đến dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các biện pháp kiểm dịch. Tuy nhiên, đà phục hồi đang diễn ra không đồng đều.

Tính đến ngày 2/6, 45 điểm đến (trong đó 31 điểm đến ở châu Âu) không có hạn chế liên quan đến Covid-19. Ở châu Á, ngày càng nhiều điểm đến đã bắt đầu giảm bớt những hạn chế phòng dịch.

Dữ liệu của UNWTO cho thấy trong quý đầu tiên năm 2022, châu Âu và châu Mỹ dẫn đầu sự phục hồi lượng khách quốc tế.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2022, châu Âu đón lượng khách quốc tế cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức tăng lên tới 280%. Yếu tố chèo lái sự gia tăng ấn tượng này là nhu cầu du lịch nội khối mạnh mẽ.

Cùng với châu Âu, châu Mỹ đón lượng khách tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tăng 117%.

Mặc dù vậy, cả châu Âu và châu Mỹ vẫn ghi nhận lượng khách quốc tế thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch). So với mức cùng kỳ năm 2019, lượng khách quốc tế tới châu Âu và châu Mỹ thấp hơn lần lượt là 43% và 46%.

Trung Đông và châu Phi cũng có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1 năm 2022 so với năm 2021 lần lượt là 132% và 96%, nhưng lượng khách du lịch vẫn thấp hơn lần lượt 59% và 61% so với năm 2019. Châu Á và Thái Bình Dương ghi nhận mức tăng 64% so với năm 2021 nhưng một lần nữa, mức này thấp hơn 93% so với con số của năm 2019 do một số điểm đến vẫn đóng cửa với hoạt động đi lại không thiết yếu.

Xét theo tiểu vùng, Caribbean và nam Địa Trung Hải tiếp tục cho thấy tốc độ phục hồi nhanh nhất. Ở 2 tiểu vùng này, lượng khách đã phục hồi lên gần 75% mức của năm 2019, với một số điểm đến đạt hoặc vượt mức trước đại dịch.

Lực cản đà phục hồi

Báo cáo của UNWTO cũng chỉ ra những yếu tố trở thành lực cản với đà phục hồi của du lịch toàn cầu.

Theo UNWTO, cuộc xung đột Nga-Ukraina đang gây ra những tác động tới sự phục hồi của du lịch toàn cầu như: những tác động của cuộc xung đột tới kinh tế toàn cầu, làm trầm trọng thêm giá dầu vốn đã cao và lạm phát tổng thể, đồng thời làm gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế, dẫn đến chi phí vận tải và lưu trú cho ngành du lịch cao hơn.

Ấn bản mới nhất của UNWTO cho thấy, doanh thu từ du lịch quốc tế trong năm 2021 đã mất tới 1 nghìn tỷ USD. Tổng doanh thu từ du lịch quốc tế (bao gồm doanh thu vận tải hành khách, lượng chi tiêu của du khách tại điểm đến) ước tính đạt 713 tỷ USD vào năm 2021, tăng 4% so với năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn 61% so với năm 2019.

Doanh thu chi tiêu của du khách quốc tế tại điểm đến đạt 602 tỷ USD, theo giá trị thực cũng cao hơn 4% so với năm 2020. Châu Âu và Trung Đông ghi nhận kết quả tốt nhất, với thu nhập tăng lên khoảng 50% mức trước đại dịch ở cả hai khu vực.

Dữ liệu khảo sát của UNWTO cũng thể hiện, số tiền chi tiêu cho mỗi chuyến đi đang tăng lên, từ mức trung bình 1.000 USD vào năm 2019 lên 1.400 USD vào năm 2021.

Dự báo khả quan

Ấn bản mới nhất của UNWTO còn thể hiện mức độ tin cậy về sự phục hồi du lịch đang gia tăng rõ rệt. Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch, chỉ số này quay trở lại mức của năm 2019. Điều này phản ánh sự lạc quan ngày càng tăng của các chuyên gia du lịch trên toàn thế giới, dựa trên nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa châu Âu và du lịch Mỹ đến châu Âu.

Theo khảo sát mới nhất của Hội đồng chuyên gia UNWTO, phần lớn các chuyên gia du lịch (83%) nhìn thấy triển vọng tốt hơn cho năm 2022 so với năm 2021, miễn là Covid-19 được ngăn chặn và các điểm đến tiếp tục giảm bớt hoặc dỡ bỏ các hạn chế đi lại.

Mặc dù vậy, việc một số thị trường nước ngoài lớn, chủ yếu ở châu Á và Thái Bình Dương, cũng như sự bất ổn bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, có thể làm trì hoãn sự phục hồi hiệu quả của du lịch quốc tế.

Khoảng 48% chuyên gia du lịch hiện nhận định, đến năm 2023, lượng khách quốc tế có khả năng trở về mức của 2019 (tại thời điểm tháng 1, chỉ có 32% chuyên gia du lịch lựa chọn mốc 2023). 44% chuyên gia du lịch dự báo sự phục hồi hoàn toàn trong năm 2024 hoặc muộn hơn (giảm so với 64% lựa chọn mốc 2021 trong cuộc khảo sát tháng 1).

Trong khi đó tính đến cuối tháng 4, năng lực hàng không quốc tế trên khắp châu Mỹ, châu Phi, châu Âu, Bắc Đại Tây Dương và Trung Đông đã đạt hoặc gần bằng 80% mức trước đại dịch và nhu cầu đang tăng theo.

UNWTO đã điều chỉnh lại triển vọng cho năm 2022 do kết quả tốt hơn dự báo trước đó. Năm nay, lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ đạt từ 55% đến 70% mức của năm 2019. Biên độ gia tăng này dựa vào một số yếu tố bao gồm tỷ lệ các điểm đến tiếp tục dỡ bỏ các hạn chế đi lại, diễn biến của cuộc xung đột Nga-Ukraine, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới và các điều kiện kinh tế toàn cầu, đặc biệt là lạm phát và giá năng lượng.

https://nhandan.vn/dien-dan-dulich/phuc-hoi-an-tuong-du-lich-toan-cau-van-tiem-an-nhieu-luc-can--700608/

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Động lực thúc đẩy sự phát triển của EU

Liên minh châu Âu (EU) vừa nối lại các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Philippines, ký tuyên bố chung về quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện với Ai Cập và khởi động quá trình đàm phán nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ với Thụy Sĩ. Mở rộng mạng lưới thỏa thuận hợp tác với các nước góp...

Châu Phi tăng tốc số hóa

Tốc độ số hóa chậm chạp đang ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại một số nước châu Phi. Theo các chuyên gia, châu lục này cần nắm bắt những tiến bộ mới nhất trong công nghệ kỹ thuật số nhằm thúc đẩy phát triển. Tăng cường chuyển đổi số được coi như “chìa khóa” để khai thác...

Nga: Tổng thống tái đắc cử V. Putin nêu ưu tiên trong nhiệm kỳ mới

Theo hãng tin TASS, phát biểu tại trụ sở chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh đến những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới sau khi ông giành được số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu cử tổng thống nước này.

Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng rác thải

Sau một năm đàm phán, Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận hạn chế rác thải bao bì trên toàn khối. Cùng với EU, nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực ngăn chặn những tác hại nghiêm trọng về y tế, môi trường và kinh tế mà núi rác thải khổng lồ có thể gây ra.

Tiếng nói đoàn kết từ Mỹ Latin và Caribe

Thúc đẩy tinh thần đoàn kết, hợp tác để chống đói nghèo và biến đổi khí hậu là trọng tâm chính của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC) vừa diễn ra tại Saint Vincent và Grenadines. Hội nghị là không gian đối thoại quan trọng, giúp củng cố mối quan hệ giữa các...

Nguy cơ khủng hoảng lương thực lan rộng nhiều nơi trên thế giới

Các tổ chức quốc tế cảnh báo khoảng 58,1 triệu người đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng ở vùng Sừng Lớn của châu Phi. Tuy nhiên, nỗi lo mất an ninh lương thực không chỉ hiện hữu ở châu Phi, mà còn là “bóng ma” ám ảnh nhiều nơi trên thế giới.