Đại biểu Sùng A Lềnh: Sớm cụ thể hóa nội dung “dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

Trong phiên thảo luận sáng 14/6 về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã có tham luận về mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, các hình thức thông tin dân chủ.

Thảo luận về bảo đảm và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề xuất sự cần thiết trong bám sát và thể chế hóa đầy đủ phương châm đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đề ra về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tuy nhiên, Dự thảo Luật mới cụ thể hóa được nội dung “dân biết, dân bàn, dân quyết định”, nội dung “dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thì chưa được thể hiện rõ nét. Mặt khác, việc phân biệt giữa “dân kiểm tra” và “dân giám sát” còn chưa có nhiều căn cứ, vẫn là vấn đề chung, khó xác định.

 Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh phát biểu tại phiên họp sáng 14/6.

Để tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân đã được nêu trong Hiến pháp, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ hơn nữa các quy định về nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát, hiệu lực và các kiến nghị thực hiện sau kiểm tra, giám sát của người dân. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở, bởi đây là điểm đổi mới quan trọng nhất của dự án Luật này.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai dẫn chứng, Chị thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Kết luận số 120 KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) đều nhấn mạnh yêu cầu phát huy, mở rộng dân chủ phải đi đôi với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; quyền hạn gắn với trách nhiệm, lợi ích đi đôi với nghĩa vụ, chống quan liêu, mệnh lệnh và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời chống tình trạng vô chính phủ, lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; chế tài, hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chậm trễ hoặc không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như việc lợi dụng thực hiện dân chủ để kích động, gây rối,… Với các quy định chỉ mang tính dẫn chiếu như dự thảo Luật và không có hành vi đặc thù khi điều chỉnh quan hệ xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở thì rất khó có thể thực hiện trong thực tiễn và tính răn đe không cao.

Đại biểu Sùng A Lềnh cũng đề cập tới nội dung đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin của chính quyền địa phương cấp xã, được quy định từ Điều 10 đến Điều 12 của dự thảo Luật chưa thực sự đổi mới, chưa thấy sự chủ động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 Quang cảnh phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 14/6.

Thực tế cho thấy, không phải địa phương nào cũng có điều kiện xây dựng cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử và tổ chức thông cáo báo chí, bố trí người phát ngôn. Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện công khai thông tin của chính quyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... đòi hỏi nguồn lực và kinh phí không nhỏ, trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và phải tập trung cho nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác như phòng, chống thiên tai, bão lũ, dịch bệnh... Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các hình thức công khai thông tin để vừa có tính đa dạng, đổi mới, tiệm cận với tiến bộ kỹ thuật công nghệ vừa bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn áp dụng, tránh lãng phí nguồn lực; nghiên cứu, bổ sung công khai trên các mạng xã hội chính thống được pháp luật cho phép.

Đồng chí Sùng A Lềnh cũng nêu tình trạng một số nơi ra thông báo mang tính chất hình thức, vắn tắt những nội dung ‘nhạy cảm”, nhất là về lĩnh vực đất đai, việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án hoặc kết quả thanh tra, kiểm tra giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ thôn, công tác thi đua- khen thưởng… Hơn nữa, hiện nay pháp luật chỉ quy định về nội dung, hình thức công khai mà thiếu quy định về bảo đảm tính minh bạch trong việc công khai của chính quyền cấp xã. Vì vậy, nhiều địa phương thực hiện việc công khai thông tin mang tính chiếu lệ, đề nghị nghiên cứu, quy định một số hình thức công khai bắt buộc để có cơ sở tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai dẫn chứng ở các địa phương, nếu chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội được triển khai, lấy ý kiến của người dân đến tận thôn, bản, tổ dân phố sẽ phát huy rõ rệt được sự đóng góp của trí tuệ tập thể, tạo sự đồng thuận cao của Nhân dân.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh đề nghị sớm cụ thể hóa nội dung “dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đại biểu Sùng A Lềnh chỉ rõ, việc công khai thông tin giúp chính quyền cấp xã xác định được những đề án, dự án, kế hoạch nào là bức xúc cần triển khai trước, những nội dung nào chưa cấp bách trước khi triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa phương việc thực hiện nội dung này còn mang tính hình thức, mang tính thủ tục để hoàn thiện hồ sơ đầu tư là chính, nếu có việc lấy ý kiến thì còn thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Bởi vậy, vấn đề cần giải quyết là cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc lấy ý kiến Nhân dân về các lĩnh vực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, quy định về cơ chế đảm bảo việc lấy kiến Nhân dân được tiến hành thực chất, có hiệu quả.

https://baolaocai.vn/bai-viet/357440-dai-bieu-sung-a-lenh-som-cu-the-hoa-noi-dung-dan-kiem-tra-dan-giam-sat-dan-thu-huong

Theo Cao Cường - Lê Huy/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai: Đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông

3 tháng đầu năm 2024, Lào Cai đã triển khai đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) cho Nhân dân.

Văn Bàn chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên

Chiều 17/4, tại trụ sở Tỉnh ủy, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên về kết quả triển khai Nghị quyết đại hội Đảng...

Mường Hum tìm giải pháp tạo nguồn kết nạp đảng viên

Trong công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng. Đối với Đảng bộ xã Mường Hum, huyện Bát Xát, trước những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, nhiều giải pháp đang được thực hiện để đạt mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Lào Cai phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024

Cuộc thi được tổ chức nhằm góp phần hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách, khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ Lào Cai, đặc biệt là phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh

Thực hiện quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng giữa tỉnh Lào Cai với các tỉnh giáp ranh đã góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.