Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững du lịch cộng đồng tại Sa Pa: Hiện trạng và triển vọng”

Sáng 28/7, tại thị xã Sa Pa, Tỉnh uỷ Lào Cai phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ “Phát triển bền vững du lịch cộng đồng tại Sa Pa: Hiện trạng và triển vọng”.
Quang cảnh hội thảo.

Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Mạnh Hùng, Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Trung tâm Chia sẻ tri thức quốc tế; lãnh đạo các vụ/viện thuộc Học viện; các chuyên gia của tổ chức Aus4Skills.

Về phía tỉnh Lào Cai, dự hội nghị có đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh uỷ; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; Trường Chính trị tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Phân hiệu Đại học Thái nguyên tại Lào Cai; Thường trực Thị uỷ, UBND thị xã Sa Pa, Huyện uỷ Bắc Hà; một số doanh nghiệp làm về du lịch cộng đồng trên địa bàn.

Dự hội thảo còn có lãnh đạo trường chính trị các tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình, Yên Bái, Lai Châu.

Các đại biểu dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch khai thác nguồn tài nguyên sẵn có với sự tham gia của cộng đồng dân cư. Phát triển du lịch với sự tham gia của cộng đồng là quan điểm phát triển đúng đắn, ngày càng được xã hội quan tâm và khuyến khích. Loại hình du lịch này cũng đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế - xã hội cho cộng đồng dân cư tại địa phương, vì thế, việc hiểu về du lịch cộng đồng và có giải pháp phát triển du lịch cộng đồng đúng đắn là điều hết sức quan trọng.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Giang phát biểu tại hội thảo.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, trong mục tiêu chung về phát triển du lịch thì du lịch cộng đồng đã được tỉnh Lào Cai quan tâm, chỉ đạo triển khai quyết liệt, nhằm phát huy tiềm năng, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch, duy trì và khẳng định thương hiệu du lịch Lào Cai luôn là “điểm đến thiên nhiên, an toàn, hấp dẫn và khác biệt”. Trong đó, thị xã Sa Pa với gần 120 năm lịch sử hình thành và phát triển, có cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, khí hậu đặc trưng và bản sắc văn hóa độc đáo - là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh Lào Cai và của cả nước.

Trong những năm qua, du lịch Sa Pa đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đầu năm đến giữa tháng 7/2022, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt gần 2,2 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt trên 13.000 lượt, riêng lượng khách đến Sa Pa đạt gần 1,2 triệu lượt, chiếm trên 50% tổng lượng khách đến với Lào Cai.

Từ thực tiễn của Lào Cai, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ trao đổi một số nội dung về việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên ngành du lịch, nhất là cộng đồng dân cư về du lịch cộng đồng; huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương cùng phát triển du lịch cộng đồng; công tác quy hoạch, xác định các khu vực có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng; chính sách phát triển du lịch cộng đồng cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, liên kết vùng, phát triển cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…

Đồng chí Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề dẫn hội thảo.

Đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu, phát triển du lịch cộng đồng không chỉ hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, mà còn tạo điều kiện cho người dân tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ, gìn giữ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái. Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xoá đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích và làm sâu sắc những vấn đề tổng quan về du lịch cộng đồng; làm rõ các chủ trương, chính sách của Trung ương, chính quyền địa phương và công tác quản lý nhà nước về du lịch cộng đồng tại thị xã Sa Pa; tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và tác động của du lịch cộng đồng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã Sa Pa; kết quả, hạn chế hoạt động du lịch cộng đồng tại thị xã Sa Pa; kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc để có sự tham chiếu với hoạt động du lịch cộng đồng tại Lào Cai nói chung và thị xã Sa Pa nói riêng...

Hội thảo chia làm 2 phiên. Trong phiên thứ nhất, các đại biểu tập trung tham luận tổng quan về du lịch và du lịch cộng đồng ở Lào Cai; tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng Sa Pa; thảo luận về phát triển du lịch cộng đồng của Việt Nam – Lào Cai – Sa Pa. Phiên thứ hai dành thời gian để các đại biểu tham luận phát triển du lịch cộng đồng tại Sa Pa; kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Hoà Bình; thảo luận về kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng.

Những tổng quan chung lý luận về du lịch và du lịch cộng đồng ở Sa Pa được các tham luận phân tích trên phương diện những điều kiện, yếu tố ảnh hưởng tác động, những thuận lợi, khó khăn của du lịch cộng đồng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Sa Pa; định hướng của Lào Cai trong phát triển du lịch cộng đồng; thực tiễn du lịch cộng đồng trên thế giới, trong nước và ở một số địa phương để rút ra kinh nghiệm phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng của Lào Cai trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Trợ lý Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Trung tâm Chia sẻ tri thức quốc tế phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Trung tâm Chia sẻ tri thức quốc tế cho rằng, các bài viết, tham luận tại hội thảo đã phân tích, đánh giá các vấn đề từ góc độ lý luận và thực tiễn về du lịch, du lịch cộng đồng; khai thác để nắm những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh Lào Cai đối với phát triển du lịch cộng đồng; công tác quản lý nhà nước về du lịch cộng đồng… Đây là những thông tin cần thiết, là kinh nghiệm quý để Lào Cai nói chung, thị xã Sa Pa nói riêng tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn trong thời gian tới.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Khám phá điểm săn mây đẹp nhất Si Ma Cai

Si Ma Cai là huyện vùng cao nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, chợ Cán Cấu đậm đà sắc màu văn hóa, Sín Chéng với những thửa ruộng bắc thang lên trời, dòng sông Chảy quanh năm nước xanh ngọc bích và nhiều điểm du lịch chưa được khai thác. Nhưng bất cứ ai đến với Si Ma Cai cũng muốn check-in tại...

Lào Cai xây dựng các sản phẩm du lịch xanh

Năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch xanh nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương.

Đại ngàn Y T‎ý bung nở ngàn hoa

Sau giấc ngủ đông dài, đại ngàn Y Tý (huyện Bát Xát) và các xã lân cận đang bung nở muôn nghìn sắc hoa. Những cây lê, sơn tra, mận trồng trong vườn nhà hay mọc hoang dại trong rừng thẳm, bên đường xa đang độ rực rỡ nhất năm, tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.

Xứ sở 5 mùa lễ hội

Năm 2023, du lịch tỉnh Lào Cai tạo đột phá khi đón lượng khách lớn nhất từ trước đến nay với hơn 7,2 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 22.000 tỷ đồng.

Sa Pa: Du khách mê mải đồi hoa cải vàng rực tại Fansipan

Tháng 3 về, đồi hoa cải Fansipan (Sa Pa) bung nở rực rỡ, tựa như tấm thảm vàng rực khổng lồ phủ trên triền núi. Và giới đam mê xê dịch lại có thêm một lý do, để đến với đỉnh thiêng nơi vùng cao Tây Bắc.

Báo chí Argentina xướng danh Sapa trong số các thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới

Theo tờ Infobae, điều thú vị nhất là Sa Pa được bao quanh bởi làng bản nhỏ nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc thiểu số và đến đây, du khách như được "thả mình lơ lửng giữa 9 tầng mây”.