Bát Xát giữ gìn và khai thác giá trị văn hóa phi vật thể

Đầu tháng 6 âm lịch, khi đến một số xã vùng cao của huyện Bát Xát như Y Tý, Nậm Pung, A Lù, Trịnh Tường, A Mú Sung, chúng tôi được hòa mình vào không khí lễ hội tưng bừng của người Hà Nhì. Dịp này, các thôn đều tổ chức Lễ hội Khu Già Già, trong đó nổi bật là nghi thức mổ trâu làm lễ hiến tế thần linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Sau phần lễ cúng, bà con trong thôn tổ chức các trò chơi truyền thống như đu dây, đu quay, nhảy que…

Nghệ nhân người Hà Nhì dạy nghề đan lát cho giới trẻ.

Theo Nghệ nhân ưu tú Ly Seo Chơ ở thôn Lao Chải (Y Tý), Khu Già Già là lễ hội cầu mùa lớn nhất trong năm của người Hà Nhì đen ở vùng cao Bát Xát, có từ hàng trăm năm nay, thể hiện tín ngưỡng thờ thần nông của người Hà Nhì, góp phần xây dựng khối đoàn kết bền chặt trong cộng đồng người Hà Nhì. Dù đi làm xa, cứ đến tháng 6 âm lịch, người Hà Nhì thường trở về thôn để dự nghi lễ thiêng liêng này.

Lễ hội Khu Già Già của người Hà Nhì đen được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ngoài Lễ hội Khu Già Già, người Hà Nhì còn có nhiều lễ hội giàu bản sắc văn hóa được tổ chức trong năm như Lễ cúng rừng đầu năm Gạ Ma Do; tết Thiếu nhi Gạ Ma O; tết cuối năm Ga Tho Tho… trong đó, Lễ hội Khu Già Già và Lễ cúng rừng Gạ Ma Do đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Không chỉ người Hà Nhì, các dân tộc khác trên địa bàn huyện Bát Xát cũng sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị quan trọng đối với cộng đồng. Theo thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát, tính đến nay, toàn huyện có 8 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đó là Lễ hội Khu Già Già và Lễ cúng rừng Gạ Ma Do của người Hà Nhì; Nghi lễ cấp sắc, Lễ hội Pút tồng và Lễ Khoi Kìm (Cúng rừng) của người Dao; Nghệ thuật múa khèn của người Mông; Nghi lễ Then và Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy.

Cùng với đó, còn nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc như nghệ thuật múa khèn của người Mông; múa hoa đăng của người Giáy, nghệ thuật thêu hoa văn thổ cẩm và nghề chạm khắc bạc của người Dao; nghề đan lát thủ công của người Hà Nhì đen; các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi truyền thống của nhiều dân tộc… Những di sản văn hóa đó thể hiện tinh hoa của đồng bào các dân tộc, được bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ, nay trở thành tài sản vô giá của cộng đồng.

Sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2014, Lễ hội Khu Già Già được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và được nhiều người biết tới. Năm 2022, Bát Xát tổ chức Lễ hội Khu Già Già với quy mô cấp huyện tại xã Y Tý đã thu hút đông du khách bốn phương đến với vùng đất này và tạo ấn tượng đậm nét với du khách. Đây là một điểm nhấn mở đầu cho chùm hoạt động hấp dẫn của Lễ hội mùa thu huyện Bát Xát năm nay.

Nghề chạm khắc bạc của người Dao đỏ xã Mường Hum.

Như vậy, từ một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng người Hà Nhì, Lễ hội Khu Già Già đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và tiếp tục được chính quyền, ngành văn hóa và đồng bào địa phương bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị, góp phần phát triển du lịch của địa phương.

Lễ cúng rừng Gạ Ma Do của người Hà Nhì đen được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát cho biết: Năm 2022, UBND huyện Bát Xát ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án số 03 ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy và Đề án số 05 ngày 1/12/2020 của Huyện ủy Bát Xát về phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020 - 2025.

Theo đó, huyện tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó có việc điều tra, thống kê, lập bản đồ di sản; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các đội văn nghệ quần chúng thôn, xã; phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Biểu diễn nghệ thuật (Trường Cao đẳng Lào Cai) xây dựng, triển khai hướng dẫn, tập luyện, nâng cao chất lượng hoạt động 8 đội văn nghệ cơ sở tại các xã Y Tý, Trịnh Tường, A Mú Sung, Dền Sáng, Mường Hum, Bản Xèo. Ngành văn hóa huyện cũng quản lý và duy trì tốt các lễ hội truyền thống, lễ hội đền Mẫu xã Trịnh Tường.

Đặc biệt, năm 2022, huyện Bát Xát dự kiến mở 3 lớp truyền dạy và bảo tồn tín ngưỡng Then dân tộc Giáy; truyền dạy tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ dân tộc Dao đỏ; truyền dạy nghề đan lát thủ công dân tộc Hà Nhì. Ngành văn hóa huyện cũng đã lập 2 hồ sơ đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận lĩnh vực bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; lập 2 hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước công nhận nghệ nhân ưu tú; xây dựng kế hoạch sưu tầm tư liệu, tổ chức biên soạn, xuất bản sách ảnh về văn hóa, du lịch huyện Bát Xát.

Thực tế cho thấy, trong công tác bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Bát Xát, bên cạnh những thuận lợi cũng còn không ít khó khăn. Những người nắm giữ các di sản văn hóa phi vật thể tuổi đã cao, việc truyền dạy cho thế hệ trẻ còn hạn chế, trong khi đó một số người trẻ tuổi không mặn mà với văn hóa truyền thống, dẫn đến di sản văn hóa có nguy cơ mai một, thất truyền. Kinh phí cho việc thực hiện các đề án, dự án nghiên cứu, bảo tồn bản sắc văn hóa còn hạn hẹp. Công tác tuyên truyền, quảng bá, khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể hiệu quả chưa cao…

Đây cũng là bài toán khó đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và ngành văn hóa huyện Bát Xát cần tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn, góp phần khai thác “tài nguyên” di sản văn hóa phi vật thể, đưa các giá trị này trở thành nền tảng quan trọng để phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.