Mùa về trên quê hương

Con nhớ lắm con đường đất quê mình những ngày xưa ấy khi tháng 5, tháng 6 mùa gặt, những cọng rơm vàng tươi bồng bềnh khắp nẻo. Ngập tràn trong không gian, mênh mang khắp đất trời là mùi thơm mát của những thân lúa chín vàng. Tất cả gom góp cho một góc quê thật ngọt ngào, để đến bây giờ, những đứa con xa xứ không nguôi nhớ về đường quê ngập sắc rơm vàng.

Mùa lúa trĩu bông vàng óng. Khắp các cánh đồng, ríu rít, râm ran, người người tất bật với liềm, hái để thu gặt thành quả của những tháng ngày lao động vất vả, nhọc nhằn. Những đon lúa xếp tầng, được chất cao trên các thùng xe trâu. Nặng đấy, nhưng những chú trâu vẫn miệt mài dưới trời nắng gắt, chở lúa về cho kịp chuyến sau. Rồi rào rào, những hạt thóc vàng tươi phủ kín mặt sân. Mới đấy thôi, khi cầm lên, thân lúa còn uốn cong như chiếc lưỡi câu bởi những hạt vàng trĩu nặng, giờ trơ lại chỉ là xác xơ thân lúa, mà người ta vẫn gọi là rơm.

Mùa gặt.

Những đống rơm được đắp cao một góc sân, ngoại và mẹ nhanh tay trải đều trên con đường làng trước cổng nhà. Lúc này, con đường khoác trên mình một chiếc áo hoàn toàn mới, đầy hương sắc. Đó là sắc vàng tươi của những thân rơm 2 - 3 nắng, là vàng mơ của những đoạn đường rơm đã “ăn” nhiều nắng, sương. Đó là hương thơm ngọt ngào của những thân lúa mới hay mùi hăng nồng của rơm bị vào hơi, ẩm mốc. Để rơm được khô đều, không bị ẩm, mốc phía dưới, khoảng 2 tiếng đồng hồ 1 lần, người ta lại phải trở rơm. Ngoại vừa thoăn thoắt phơi rơm, vừa bảo: Trong mùa thu hoạch lúa, những công việc như gặt hái, gánh gồng hay tuốt lúa là của thanh niên, trai tráng. Còn nhẹ nhàng hơn như phơi rơm, đảo rơm là của người già.

Ngoại nói vậy thôi, bởi tôi biết, dẫu không quá khó và nặng nhọc, nhưng dưới cái nắng như đốt giữa trưa hè, giọt mồ hôi vẫn rơi đều gương mặt ngoại.

Mùa thu hoạch lúa, vui nhất vẫn là bọn “trẻ trâu”. Thời gian này cũng là thời gian tạm xa mái trường, bạn bè, nên từ tinh mơ đến khi trời tối mịt, những bước chân nhỏ vẫn rộn ràng trên những cánh đồng xa, đầu trần, chân đất, tấm lưng mỏng cũng trần. Rơm được phơi kín, đường làng như một tấm nệm khổng lồ, những thân hình đen trũi lăn lộn. Thôi thì đủ trò, nào là trồng cây chuối, đấu vật… nhưng sôi động và rộn ràng nhất vẫn là trò chơi trận giả. Cả lũ chọn ra 2 chủ tướng có uy tín về sức khỏe, độ nhanh nhạy. Sau đó 2 chủ tướng chọn quân về đội của mình. Lô cốt là những đống rơm to được đắp vội, hoặc của nhà ai đó đã thu rơm về. Theo hiệu lệnh, 2 đội nấp kín trong lô cốt, bằng các chiến thuật sẽ “bắn” đối phương, đội nào nhanh nhạy “bắn” được nhiều hơn thì sẽ giành phần thắng. Có những lúc trò chơi trận giả còn dùng “vũ khí” là những “viên đạn” rơm được ném qua, ném lại. Muốn chiến thắng phải có sức khỏe, độ chính xác cao để ném trúng và mạnh. Những “viên đạn” rơm ấy ném vào người không đau, mà chỉ có cảm giác ran rát. Tất cả chỉ có vậy thôi, nhưng những trò chơi tinh nghịch mà bình dị vang động cả góc làng.

Rơm phơi dọc con đường, người qua, người lại, những hạt thóc còn sót trên những thân rơm rụng xuống đường trộn đều với đất cát. Lũ trẻ lại nghĩ ra trò đi mót thóc, những chiếc rá ở nhà được huy động tối đa. Lật đều lớp rơm, đôi tay nhẹ nhàng gạt lớp thóc pha chút đất cát vào rá, rồi mang ra con mương. Khéo léo đưa tay, lắc đều, những hạt thóc như những hạt vàng xô dạt. Lúc này, chỉ cần lấy tay gom chúng lại là đã có những nắm thóc vàng tươi. Mỗi lần mót được thóc, tôi lại cuống cuồng về khoe ngoại như một chiến công. Và rồi các bạn gà lại được bữa tiệc linh đình. Có lẽ lúa mới còn thơm mùi sữa, nên những chị, chàng nhà gà cứ lục ta lục tục, ý chừng vui lắm…

Cứ thế, chúng tôi lớn lên bên những mùa rơm phơi, bên sắc, bên hương của lúa, để những mùa qua thật nhẹ nhàng!

Giờ lũ trẻ ấy đã lớn khôn, mỗi đứa một phương, kẻ Nam, người Bắc, người xa, kẻ gần, nhưng vẫn luôn khắc khoải, nhớ thương về khung trời quê với con đường tràn ngập sắc vàng rơm. Và rồi lại thêm ấm lòng mỗi dịp mùa sang.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.