Phở chua – món ăn thanh khiết

Là người sành ăn, nếm đủ dư vị phở gần, phở xa, nhiều thực khách cũng không khỏi ngỡ ngàng khi được thưởng thức bát phở chua của người dân tộc vùng cao Bắc Hà - Lào Cai. Món phở dân dã, nghe tên thấy lạ, ăn một lần còn lạ, ăn hai lần không thể nào quên.
 
Phở chua - món ngon dân dã, thanh khiết.
Chúng tôi dừng chân ở Bắc Hà vào trưa một ngày chủ nhật. Chợ phiên Bắc Hà ngày này đông nghịt người, đẹp rực rỡ trong những sắc màu thổ cẩm. Mấy người bạn được tôi dẫn đi thưởng thức phở chua tỏ ra háo hức lạ thường.

Quán phở chua của chị Ba Tề gần dinh thự cổ Hoàng A Tưởng bàn nào cũng chật khách. Chúng tôi chọn được một bàn ăn phù hợp phía trong, gọi phở và chờ đợi. Điều làm mọi người bất ngờ nhất là bát phở chua bưng ra không giống như phở chúng ta vẫn ăn. Để làm phở thường, chỉ cần có sợi phở, hành, thịt, nước dùng, và đầy đủ gia vị. Còn để chế biến phở chua, nguyên liệu không thể thiếu được là dưa chua; rau xanh (rau xà lách, rau húng) thái nhỏ; lạc vừng rang giòn, giã vừa nhỏ; một ít đậu xị cho thêm hương vị đặc trưng; sợi phở và nước dùng.

Điều làm nên nét đặc trưng của phở chua Bắc Hà chính là ở nước dùng. Nước dùng phở chua không phải là nước xương hầm nóng làm ngay được từ tối hôm trước, mà người làm phải chuẩn bị từ trước đó khá lâu. Công đoạn làm nước dùng cho phở tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, người làm nước dùng ngon cũng ít.

Chia sẻ với chúng tôi, chị chủ quán cho biết: Nước sạch đun sôi, cho vào chum sành (nếu cho vào chum nhựa thì sau công đoạn lên men nước sẽ có mùi không dùng được). Ngay khi nước còn nóng, để tạo màu cho nước dùng, nên cho vào chum một ít đường bánh đỏ chứ không phải đường kính trắng. Khi nước đã nguội, thả vào trong chum mấy quả chuối tiêu chín đã bóc sạch vỏ. Cuối cùng, dùng túi linon bọc kín miệng chum lại cho các nguyên liệu lên men. Khoảng mười ngày sau, khi nguyên liệu lên men đủ độ là có thể đem ra dùng. Lúc này, nước trong chum đã có đủ hương vị: Màu vàng của đường bánh, vị chua của chuối chín lên men, vị ngọt từ đường,… đó là thứ nước dùng chính hạng cho phở chua.

Nước dùng đã ngon, nhưng nếu sợi phở không ngon thì dù thứ phở nổi tiếng đến mấy cũng không để lại ấn tượng trong lòng thực khách. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều khách đến ăn phở chua Bắc Hà, lúc về còn nài chủ quán để lại cho mấy cân sợi phở đem về quê làm quà. Sợi phở Bắc Hà vừa dai vừa thơm ngon vì người ở đây tự tráng lấy bằng thứ gạo nương thơm, dẻo. Từ khâu tráng đến khâu làm thành sợi phở hoàn toàn là thủ công, do bàn tay khéo léo của con người làm ra.

Cách thưởng thức phở chua cũng có những nét riêng. Dùng phở chua, người ăn tự cho gia vị vừa theo khẩu vị của mình (mắm, muối, tiêu, ớt…). Gia cố đủ gia vị, dùng đũa đảo đều cho ngấm. Bát phở chua sở dĩ chua bởi có nước dùng lên men, dưa chua, dấm ớt. Phở chua thích hợp cho những ngày khí hậu nóng. Khi đó, bưng bát phở chua mát lạnh, ăn xong tưởng như cái nóng bức tan biến đi đâu hết, lại thấy cảm giác thú vị như đang ngồi dưới một thác nước, thoải mái vô cùng.

Phở chua cũng ăn được vào những ngày rét, cái thanh của nước dưa chua, của rau xanh, cái ngậy của lạc vừng rang, cái bùi thơm của đậu xị cộng với vị cay nóng của thứ ớt vùng cao mang đến cho thực khách cảm giác ngon miệng không gặp ở bất cứ món ăn nào khác. Cũng có người khi ăn phở chua cho thêm ít thịt lợn và phải là thịt lợn rán mới hợp với vị của phở chua (vì vị chua của dưa, nước dùng lẫn vào vị béo của thịt rán tạo độ ngậy, thơm cần thiết). Tuy nhiên, người quen ăn phở chua theo lối cũ thường không dùng phở với thịt bao giờ.

Đến với Bắc Hà - Lào Cai, thưởng thức một bát phở chua cho biết dư vị vùng cao cũng là một cái thú trong muôn vàn thú ẩm thực trên khắp mọi miền đất nước. Phở chua, ăn một lần còn lạ miệng, đến hai lần, ba lần, nhiều người “nghiện” cũng vì hương vị độc đáo của nó./.

(Theo dulich.chudu24.com)

Tin Liên Quan

Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa

Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Lào Cai.

Bánh chưng cốm của người Thái

Vùng đất Thẳm Dương (Văn Bàn) không chỉ nổi tiếng với giống nếp đệ nhất “nữ hoàng” Khảu Tan Đón, còn có món bánh chưng cốm đang được cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào dân tộc Thái nơi đây xây dựng trở thành thương hiệu riêng.

Làng làm bánh chưng Ún Tà vào tết

Đến làng Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) những ngày tháng Chạp. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng máy cắt ống cây nứa, tiếng lách cách chẻ ống lam, đặc biệt là mùi gạo nếp thơm nức của những mẻ bánh chưng vừa luộc sẵn sàng phục vụ khách hàng chuẩn bị đón tết.

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.