Xây dựng tiêu chí thực hiện kinh tế tuần hoàn

Phát triển kinh tế tuần hoàn, xây dựng nền kinh tế xanh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, để xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ưu đãi thì các bộ, ngành liên quan cần sớm xây dựng và ban hành các tiêu chí đánh giá kinh tế tuần hoàn cụ thể.

Kỹ sư Nhà máy Nestlé Bông Sen (tỉnh Hưng Yên) kiểm tra, giám sát thông số thiết bị trong quá trình sản xuất.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế đòi hỏi các quốc gia cần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm đến mức thấp nhất lượng chất thải ra môi trường do chính các hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nền kinh tế tạo ra.

Nếu như kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng dẫn đến tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo các vòng khép kín nhằm hạn chế thấp nhất tạo ra phế thải.

Theo đó, kinh tế tuần hoàn hiện nay không đơn giản chỉ là về quản lý chất thải và tận dụng chất thải, mà nó bao gồm một hệ thống với đầy đủ năm khâu sau: Thiết kế; sản xuất; tiêu dùng; quản lý chất thải; từ chất thải trở lại thành nguyên liệu.

Cụ thể: Thiết kế, với mục tiêu tạo ra các sản phẩm xanh, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng; đồng thời còn tính tới cả việc thiết kế chất thải của nó. Sản xuất, gồm có sản xuất sạch hơn, giảm phát thải và thực hiện cả tuần hoàn các nguyên liệu ngay trong khâu sản xuất.

Tiêu dùng, gồm có việc cung cấp dịch vụ tốt hơn, tăng cường trách nhiệm của người tiêu dùng đối với môi trường sinh thái. Quản lý chất thải, gồm có phân loại, thu gom tại cuối vòng đời, tái chế tạo chất thải. Từ chất thải trở lại thành nguyên liệu, gồm có tái chế chất thải, tái sử dụng tài nguyên.

Đặc biệt, khi xem xét các lợi ích này, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều nhận định: Kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Nói cách khác, áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn thì vừa có thể phát triển kinh tế và vừa bảo vệ môi trường.

Dựa trên kết quả đánh giá thực tiễn bao gồm: chủ trương, chính sách, quy định pháp luật hiện hành, các định hướng trong các chiến lược, kế hoạch hành động có liên quan đến kinh tế tuần hoàn... cũng như đối chiếu với các biện pháp, chính sách của thế giới cho thấy Việt Nam đã chuẩn bị điều kiện khá toàn diện để khởi động cho tiến trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Thực tiễn cho thấy, kinh tế tuần hoàn cũng đã xuất hiện ở nhiều ngành kinh tế và bước đầu thu được những kết quả khả quan.

Tuy nhiên, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế cũng như định nghĩa về kinh tế tuần hoàn được nêu tại khoản 1, Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Việc xây dựng tiêu chí đánh giá kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần bao gồm các nội dung như: Mức độ giảm khai thác, sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tài nguyên nước; hiệu quả sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tài nguyên nước, nguyên liệu thô, vật liệu thô. Mức độ kéo dài vòng đời sản phẩm bao gồm: tái sử dụng sản phẩm, cấu kiện, linh kiện và nguyên liệu trước khi thải bỏ; sử dụng vật liệu bền vững, thân thiện môi trường; mức độ sửa chữa, thay thế.

Mức độ giảm chất thải phát sinh bao gồm: khí thải, nước thải, chất thải rắn; gia tăng tái sử dụng, tái chế chất thải; giảm sản phẩm sử dụng một lần. Mức độ giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: giảm sử dụng hóa chất độc hại; tiết kiệm năng lượng; giảm phát thải khí nhà kính; mua sắm xanh.

Về cấp độ tiêu chí đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần cụ thể đối với Tiêu chí đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn cấp quốc gia, cấp tỉnh; tiêu chí đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với khu sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung; tiêu chí đánh giá mô hình kinh tế tuần hoàn đối với dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sản phẩm…

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế tuần hoàn cho rằng: Kinh tế tuần hoàn là nội dung lớn bao trùm tất cả các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và chính sách.

Do vậy, trên các cơ sở chức năng nhiệm vụ, các bộ, ngành cần sớm ban hành quy định tiêu chí cụ thể để áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; cụm công nghiệp; khu dân cư tập trung; dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của mình phù hợp với tiêu chí kinh tế tuần hoàn.

Hai Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành quy định tiêu chí cụ thể ở cấp độ quốc gia, tỉnh để lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển cấp quốc gia, cấp tỉnh; lồng ghép chỉ tiêu của tiêu chí về kinh tế tuần hoàn vào trong chế độ báo cáo thống kê quốc gia, điều tra thống kê…

Mặt khác, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ tài chính, bù đắp một số chi phí, hoặc ưu đãi trong vấn đề thủ tục hành chính; khuyến khích và hỗ trợ công nghệ, thiết bị và sản phẩm có lợi cho việc bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng; loại bỏ dần các công nghệ lạc hậu tiêu tốn tài nguyên, năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.

Có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện hình thành thị trường để phát triển kinh tế tuần hoàn bao gồm thúc đẩy nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm tái chế và các sản phẩm có chứa thành phần tái chế. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi hành vi tiêu dùng, thực hiện tiêu dùng bền vững, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, các-bon thấp…

https://nhandan.vn/xay-dung-tieu-chi-thuc-hien-kinh-te-tuan-hoan-post721255.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Mở rộng miễn thị thực để tạo thuận lợi cho du lịch phát triển

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngành du lịch nước ta đang nỗ lực thực hiện mục tiêu trong năm 2024 đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này,...

Quốc hội Việt Nam nói tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân

Cùng với việc nâng cao chất lượng các kỳ họp của Quốc hội, đổi mới, tăng cường hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội cần phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ

Đảng, Nhà nước ta không ngừng nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó thực hiện quyền chính trị được coi là thước đo quan trọng nhất của bình đẳng giới. Thời gian qua, việc thực hiện quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, tuy...

Tỉnh Đắk Nông Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập và Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh

Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004-1/1/2024) có ý nghĩa chính trị sâu sắc, là sự kiện quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Nông. Đây là chương trình trọng tâm chào mừng 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông.

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang

Ngày 24/3/2024, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”

Khi đề cập đến những nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới, trong phần thứ ba của bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Ðảng và...