Đặc sắc nghi lễ mừng nhà mới của người Hà Nhì

Người Hà Nhì ở Y Tý (Bát Xát) thường tổ chức nghi lễ mừng nhà mới vào dịp cuối năm. Đây là nét đẹp trong văn hóa truyền thống được đồng bào Hà Nhì duy trì, bảo tồn cho đến ngày nay…
Chuẩn bị lễ vật dâng cúng tổ tiên trong ngày vào nhà mới.

Người Hà Nhì thường chọn ngày Thìn để làm lễ vào nhà mới. Buổi sáng, anh trai giúp làm đôi thớt thờ mới. Gỗ dùng để làm thớt thờ phải là cây gỗ có quả (cây sơn tra, cây hồng), như thế gia đình mới đề huề, con cháu phát triển, có lộc. Em gái giúp đi lấy một nắm bông hoa cải về đặt trên bàn thờ mới, dùng để nhúng nước sạch tẩy uế bàn thờ và đôi thớt thờ, bát đũa thờ. Chủ nhà chuẩn bị một ống đựng rượu nếp. Bà chủ nhà đồ xôi nếp để thắp hương. Ông chủ nhà đi ngắt một cành cây chè nhỏ để làm nước chè gừng, chọn cây chè cổ thụ ở khu vực rừng thiêng. Bà chủ nhà chọn ngắt 3 lá chè, thái mấy lát gừng cùng đun sôi với nước, đổ ra bát. Đó là những lễ vật bắt buộc không thể thiếu trong nghi lễ vào nhà mới của người Hà Nhì.

Anh em hàng xóm giúp mổ lợn, chế biến món ăn dâng cúng tổ tiên. Lợn, gà trước khi mổ được thực hiện tẩy uế bằng cách lấy bát nước sạch đổ vào đầu, bụng và chân của con vật trước khi cắt tiết. Các miếng thịt lợn, tim gan lợn dùng dâng cúng tổ tiên được để riêng và nấu riêng. Bàn thờ mới đặt sẵn trong nhà, nền nhà được quét dọn sạch sẽ. Đôi thớt thờ được chủ nhà rửa lại thật sạch bằng nước nóng. Một chiếc thớt dùng để thái thịt chín. Một chiếc thớt dùng để đặt các bát đựng đồ lễ cúng. Chủ nhà đi chân trần, lấy nước nóng rửa sạch bát, đũa thờ đặt lên chiếc thớt thờ, sau đó thái thịt cúng. Nghi thức tẩy uế khu vực thiêng, đồ thờ được thực hiện trang nghiêm, thành kính: Người vợ đưa cho chồng bát nước sạch, người chồng lấy nắm bông hoa cải nhúng vào bát nước sạch lần lượt quét bàn thờ, thớt thờ, bát, đũa thờ, lần lượt nhúng nước sạch thực hiện động tác tẩy uế, làm sạch, chay tịnh đồ cúng trước khi lễ.

Chủ nhà gùi củi vào nhà mới.

Trên thớt thờ, chủ nhà đặt một bát thịt, một bát rượu cái, một bát nước chè gừng, một bát xôi nếp, theo lý của người Hà Nhì cúng vào nhà mới dùng xôi nếp. Ông chủ nhà trịnh trọng bưng thớt thờ đặt lên bàn thờ tổ tiên, vái lạy. Các thành viên khác trong gia đình, anh em trong dòng họ, con cháu có mặt ngay lúc đó hoặc về sau đều đến trước bàn thờ, hướng về bàn thờ quỳ lạy, thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên.

Chủ nhà hạ lễ, bát nước gừng đưa cho vợ, người vợ đổ lên trên hòn đá thiêng và đổ vào hai bên cạnh bếp lò. Bát rượu cũng làm động tác tương tự, đó là việc dâng cho thần chủ bếp, thần bếp lò thụ hưởng. Số nước gừng còn lại được chủ nhà mang đến mời người bà trong gia đình. Bát thịt được chia cho người già trong gia đình ăn trước, sau đó đến các thành viên khác. Số thịt còn lại cũng được bà chủ nhà mang đi chia, phát lộc cho tất cả mọi người tới dự, mỗi người một chút lộc. Kể cả người thân của gia đình đi vắng vẫn có thịt lộc để phần.

Chia lộc cho người tham dự nghi lễ mừng nhà mới.

Anh em bạn bè về dự ai cũng mang đến cho gia đình một chút quà: Gạo, rượu, bánh kẹo, hay các vật dụng cần thiết cho gia đình như hình thức chia sẻ, động viên, tiếp thêm lộc tài cho gia chủ khi vào nhà mới. Trước bữa cơm, người già, cao tuổi được bố trí ngồi mâm trên, ai biết hát sẽ hát, đọc thơ nói về nguồn gốc sự tích của các đồ vật như chiếc chén, bát, mâm… Đại ý câu hát nói về sự phát triển của gia đình, làm ăn phát tài, con cháu đề huề, ý nghĩa tốt đẹp với gia chủ.

Bên ngôi nhà mới, chủ nhà thường trồng hàng cây đào bao quanh khuôn viên, để Tết về hoa nở. Mừng nhà mới là nghi lễ trọng đại của gia đình và làng bản, là ngày vui, ý nghĩa. Ai đến dự cũng được tiếp lộc, tiếp thêm sức khỏe để may mắn, hân hoan.

https://baolaocai.vn/bai-viet/362204-dac-sac-nghi-le-mung-nha-moi-cua-nguoi-ha-nhi

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.