Bước đột phá để bảo vệ hành tinh xanh

Hội nghị cấp cao lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vừa bế mạc tại Ai Cập đã đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về vấn đề gai góc nhất, theo đó lập một quỹ đền bù cho những nước nghèo chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Thỏa thuận đã làm tăng niềm tin về việc cộng đồng quốc tế có thể tìm được tiếng nói chung trong nỗ lực bảo vệ hành tinh xanh.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Trong khung khổ COP27, quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại chi trả cho những tổn thất mà các nước dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của biến đổi khí hậu, đã được nhất trí thông qua sau hai tuần đàm phán căng thẳng. Quỹ này đáp ứng yêu cầu của các nước đang phát triển, theo đó các nước giàu có lượng phát thải lớn phải bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các nước đang phát triển phải gánh chịu do các hình thái thời tiết cực đoan.

Quỹ sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và các hòn đảo do mực nước biển dâng cao. Đây được xem là "bước tiến lịch sử" tạo nên thành công của hội nghị.

Cùng với thỏa thuận quan trọng nêu trên, COP27 cũng đã ghi nhận một loạt cam kết và hành động mạnh mẽ của các quốc gia trong nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký hiệp ước Cam kết Methane toàn cầu nhằm giảm khí methane, tăng khoảng 50 quốc gia tham gia so với thời điểm sáng kiến này được công bố tại COP26 ở Scotland vào năm ngoái.

Cam kết cắt giảm 30% khí methane gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ này được xem là một tiêu chí quan trọng trong số các nỗ lực toàn cầu nhằm duy trì mức tăng nhiệt của Trái đất không vượt quá 1,5oC - ngưỡng nhiệt độ mà các nhà khoa học khuyến nghị cần phải duy trì để tránh những tác động tiêu cực nhất do biến đổi khí hậu.

Cam kết cắt giảm 30% khí methane gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ này được xem là một tiêu chí quan trọng trong số các nỗ lực toàn cầu nhằm duy trì mức tăng nhiệt của Trái đất không vượt quá 1,5oC - ngưỡng nhiệt độ mà các nhà khoa học khuyến nghị cần phải duy trì để tránh những tác động tiêu cực nhất do biến đổi khí hậu.

Trước đó, EU cam kết sẽ dành hơn 1 tỷ USD tài trợ khí hậu để giúp các quốc gia ở châu Phi tăng cường khả năng chống chịu trước tác động ngày càng tăng của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans cho biết EU sẽ kết hợp các chương trình hiện đang được triển khai và các chương trình mới để chuẩn bị đối phó các tác động trong tương lai của một thế giới nóng lên.

Sáng kiến sẽ bao gồm việc thu thập dữ liệu rủi ro về khí hậu, tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, cũng như giúp thu hút tài chính từ khu vực tư nhân. Một cam kết đáng chú ý khác là việc Tổng thống đắc cử Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khẳng định sẽ chấm dứt tình trạng tàn phá rừng Amazon và sẽ đưa quốc gia Nam Mỹ này trở lại trung tâm thảo luận về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Trong phát biểu tại COP27, ông Lula da Silva cho biết có những giai đoạn diện tích rừng Amazon bị tàn phá tăng tới 73% trong 3 năm, đồng thời khẳng định tình trạng này cần phải chấm dứt ngay lập tức và chính phủ sẽ đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm môi trường.

Cũng tại COP27, Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Ai Cập thông báo nước chủ nhà hội nghị đã huy động được các khoản hỗ trợ trị giá 10 tỷ USD trong các cuộc đàm phán về khí hậu, đồng thời mong muốn chia sẻ kinh nghiệm về mô hình tài chính này với các nước đang phát triển khác. Một điểm nhấn đáng chú ý nữa là việc Đặc phái viên Trung Quốc về biến đổi khí hậu Giải Chấn Hoa bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác trực tiếp với người đồng cấp Mỹ John Kerry sau khi kết thúc COP27.

Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là hai nước phát thải khí nhà kính lớn nhất toàn cầu. Sự hợp tác giữa hai "người khổng lồ" này được coi là yếu tố sống còn đối với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu.

Những cam kết quan trọng nêu trên tại COP27 lần này đã tạo ra bước đột phá cho nhân loại trên hành trình chống biến đổi khí hậu đầy cam go, thử thách. Thành quả này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh năm nay các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra (như lũ lụt tại Pakistan, hạn hán ở Somalia...) đã "thêm dầu vào lửa" cho gánh nặng nợ nần, lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, sau cam kết, cộng đồng thế giới đang mong đợi các quốc gia, nhất là những nước phát triển, bắt tay ngay vào hành động để bảo vệ hành tinh xanh trước khi quá muộn.

https://nhandan.vn/buoc-dot-pha-de-bao-ve-hanh-tinh-xanh-post725931.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...