Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 45% và giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 60.000 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã và đang tích cực cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng từng bước phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị thông qua xuất khẩu.

Tốc độ tăng trưởng cao

Trước năm 2000, mặc dù công nghiệp được coi là “đòn bẩy” phát triển kinh tế Lào Cai, tuy nhiên quy mô chế biến sâu khoáng sản còn ở mức trung bình, tốc độ tăng trưởng thấp. Để phát huy tiềm năng, lợi thế đưa công nghiệp khẳng định là “đòn bẩy” kinh tế, giai đoạn 2001 - 2010, tỉnh đã đưa 2 khu công nghiệp (Đông Phố Mới và Tằng Loỏng) đi vào hoạt động, trong đó Khu Công nghiệp Tằng Loỏng tập trung các nhà máy chế biến sâu khoáng sản đầu tiên của cả nước. Tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng bố trí các cơ sở sản xuất tập trung về hóa chất, phân bón và luyện kim. Từ khi đi vào hoạt động, trong 10 năm (2001 - 2010), cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến sâu khoáng sản tăng 2,3 lần và giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7 lần. Công nghiệp chế biến sâu khoáng sản trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế và có đóng góp lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 gấp 5,2 lần năm 2000, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001 - 2005 đạt 15,5% và giai đoạn 2006 - 2010 đạt 23,9%.

Hoạt động sản xuất tại Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai.

Thực tế cho thấy, từ năm 2001 đến năm 2010, nhờ sự phát triển đột phá của ngành công nghiệp chế biến sâu khoáng sản đã đưa Lào Cai từ một trong những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam dần vươn lên thành tỉnh phát triển của vùng Tây Bắc. Đặc biệt, những năm qua, ngành công nghiệp Lào Cai từng bước khai thác các lợi thế của địa phương và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, bước đầu tạo ra một số sản phẩm có sản lượng lớn với thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Chuyển dịch cơ cấu đúng hướng

Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, các dự án chế biến sâu khoáng sản được ưu tiên đầu tư, nhiều nhà máy đi vào hoạt động phát huy hiệu quả, như Dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai, công suất 20 nghìn tấn/năm; Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ đồng Tả Phời; Nhà máy Tuyển đồng số 2 thuộc Dự án nâng công suất mỏ tuyển đồng Sin Quyền; Dự án Nhà máy sản xuất phốt pho đỏ công suất 3.000 tấn/năm. Đầu năm 2022 đã khởi công Nhà máy sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao tại xã Bản Qua, có tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng. Đây là dự án FDI của doanh nghiệp Hàn Quốc, có 100% công nghệ và thiết bị châu Âu, Mỹ sản xuất ra dây điện và cáp điện cao thế, siêu cao thế để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; công suất thiết kế của nhà máy là 60.000 tấn sản phẩm/năm.

Công nhân Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang Lào Cai vận hành dây chuyền sản xuất phốt pho.
Vận hành dây chuyền tuyển tại Nhà máy tuyển đồng số 2, thuộc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền.

Đặc biệt, các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, hệ thống quan trắc tự động, xử lý môi trường, hướng đến phát triển ngành công nghiệp hiện đại, tăng trưởng theo chiều sâu, giá trị tăng thêm tăng nhanh.

Cùng với đó, tiềm năng thủy điện được khai thác hợp lý, có 70 dự án đã hoàn thành phát điện với tổng công suất lắp máy gần 1111 MW. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 41.200 tỷ đồng, năm 2022 ước đạt 47.500 tỷ đồng (chế biến sâu khoáng sản chiếm 71,74%) và Lào Cai khẳng định là trung tâm luyện kim, hóa chất, phân bón của vùng và cả nước.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp có thế mạnh

Theo ông Hoàng Chí Hiền, tuy đã có sự chuyển dịch tích cực, nhưng việc phát triển công nghiệp chế biến sâu vẫn còn khó khăn, thách thức, đó là: Quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ; sản xuất chưa gắn với chuỗi giá trị, chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp còn thấp; chậm đổi mới khoa học - công nghệ; năng suất lao động chưa cao; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển… Tính liên kết trong vùng, khu vực đối với sản xuất chưa nhiều, nhất là liên kết hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ và tiêu thụ sản phẩm, qua đó chưa thể hiện được dấu ấn, thành tựu phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản của vùng và khu vực.

Do đó, Lào Cai xác định những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới: Phát triển công nghiệp chế biến sâu theo hướng tập trung, liên kết vùng và tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho chuỗi sản xuất công nghiệp; đưa trình độ công nghệ chế biến sâu Lào Cai tiệm cận với trình độ công nghệ thế giới; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics trở thành cầu nối quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam và các nước ASEAN với tỉnh Vân Nam và khu vực phía Tây Nam của Trung Quốc; xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm thu hút lao động công nghệ cao của vùng; đưa Lào Cai trở thành trụ cột đầu tư, là điểm đến của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế, góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.   

https://baolaocai.vn/bai-viet/362409-chuyen-dich-co-cau-noi-nganh-cong-nghiep

Theo Viết Vinh/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Sáng 19/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh quảng bá rộng rãi và tiêu thụ nông sản hiệu quả.

Vận tải hàng hóa xuyên biên giới Việt-Trung tiếp tục sôi động

Số lượng chuyến tàu liên vận cũng như hàng hóa được vận chuyển giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng cao so cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hoạt động vận tải hàng hóa xuyên biên giới giữa hai nước tiếp tục sôi động.

Hải quan Lào Cai thực hiện soi chiếu trên 5.500 container

Từ đầu năm đến nay, Hải quan Lào Cai đã thực hiện soi chiếu 5.517 container (trung bình trên 450 container/tháng), trong đó trên 5.000 lượt container hàng hoá nhập khẩu, còn lại container hàng hoá xuất khẩu.

Doanh nghiệp nhỏ ở Lào Cai kết nối vượt khó

Khoảng 95% doanh nghiệp Lào Cai là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau 3 năm dịch bệnh, trước những tác động tiêu cực từ thị trường, không ít doanh nghiệp của địa phương buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Trong bối cảnh đó, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp Lào Cai đã kết nối...

Nhiều đặc sản của Lào Cai tham gia Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023

Gạo Séng cù và nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản Lào Cai tham gia Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.