Hành động vì tương lai tốt đẹp hơn

Liên hợp quốc vừa phát động chiến dịch hành động gồm một loạt sáng kiến nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Liên hợp quốc nhấn mạnh: Cam kết về các mục tiêu phát triển bền vững sẽ không thể thực hiện được nếu nạn bạo lực không chấm dứt và phụ nữ và trẻ em gái có được tương lai tươi sáng hơn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cùng Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) vừa phát động chiến dịch nhằm ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, kêu gọi hành động ở phạm vi toàn cầu giúp nâng cao nhận thức, thúc đẩy các chính sách và giải pháp cho các vấn đề nhức nhối liên quan bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái. Với chủ đề "Đoàn kết! Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái", loạt hoạt động của Liên hợp quốc sẽ diễn ra trong 16 ngày và kết thúc vào Ngày Nhân quyền quốc tế (10/12).

Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ do Đại hội đồng Liên hợp quốc ban hành năm 1993 định nghĩa: Bạo lực đối với phụ nữ là bất kỳ hành vi bạo lực hoặc đe dọa sử dụng bạo lực, cưỡng bức, đoạt quyền tự do một cách tùy tiện, dẫn đến hoặc có thể dẫn đến tổn thương về thể xác hoặc tổn hại về tâm lý đối với phụ nữ, ở nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến, dai dẳng và tàn khốc nhất trên thế giới hiện nay, mà phần lớn trong số đó vẫn chưa được báo cáo do nạn nhân lo sợ bị trừng phạt, bị kỳ thị hay tự cảm thấy xấu hổ.

Theo báo cáo do UN Women công bố nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), có tới 56% trong số 81.000 trường hợp phụ nữ và trẻ em gái bị cố ý sát hại trong năm 2021 là các nạn nhân thiệt mạng dưới tay của bạn trai, chồng, hoặc các thành viên trong gia đình. Giám đốc điều hành UN Women Sima Bahous (X.Ba-hút) nêu rõ, các số liệu cho thấy tổng số vụ phụ nữ bị sát hại hầu như không thay đổi trong những năm qua. Những con số đáng buồn này là lời cảnh báo về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một trong những hành vi vi phạm quyền con người phổ biến trên toàn thế giới.

Các cuộc khủng hoảng toàn cầu và xung đột tại các khu vực làm trầm trọng thêm nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có tới 45% số phụ nữ được hỏi cho biết họ hoặc một phụ nữ mà họ biết đã phải hứng chịu ít nhất một trong những hình thức của bạo lực. Thống kê cũng chỉ ra rằng, trong các thảm họa thiên nhiên khốc liệt mà thế giới từng chứng kiến, như cơn bão Katrina năm 2005, trận động đất ở Haiti năm 2010, lốc xoáy ở Vanuatu năm 2011, hay các vụ cháy rừng gần đây tại Australia, đều có những yếu tố rủi ro có thể làm tăng tình trạng bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái. Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 thậm chí đánh giá rằng, thế giới chỉ có thể đạt mục tiêu bình đẳng giới sau 132 năm nữa.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres (A.Gu-tê-rét) nhấn mạnh, bạo lực hạn chế sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong mọi tầng lớp xã hội, phủ nhận các quyền và tự do cơ bản của họ, đồng thời cản trở tiến trình phục hồi kinh tế bình đẳng và tăng trưởng bền vững mà thế giới đang theo đuổi. Khẳng định đã đến lúc có hành động mang tính bước ngoặt nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nhà lãnh đạo Liên hợp quốc vạch ra hàng loạt nhiệm vụ, trong đó nhấn mạnh vai trò của các chính phủ trong thiết kế, tài trợ và thực hiện các kế hoạch hành động quốc gia để giải quyết vấn đề nhức nhối này.

https://nhandan.vn/hanh-dong-vi-tuong-lai-tot-dep-hon-post727474.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Giải bài toán già hóa dân số

Già hóa dân số đang là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược và tác động mạnh đến các lĩnh vực của xã hội. Chìa khóa để giải bài toán dân số hóc búa này là các chính sách thích ứng linh hoạt, tận dụng tốt cơ hội để tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

Hòa bình và an ninh cho châu Phi

Diễn đàn quốc tế Dakar về hòa bình và an ninh ở châu Phi lần thứ 9 đã khai mạc tại thị trấn Diamniadio, gần thủ đô Dakar của Senegal. Trong bối cảnh các cuộc xung đột làm suy yếu những nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội của châu Phi, diễn đàn là sự kiện quan trọng để các nhà lãnh đạo châu Phi tìm kiếm giải...

COP28 thảo luận nỗ lực hành động vì khí hậu

Các đại biểu gồm lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế cùng giới khoa học, đại diện doanh nghiệp từ khắp nơi tới Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) bắt đầu từ hôm nay (ngày 30/11).

Tạo lá chắn chở che phụ nữ trước bạo lực

Bạo lực đối với phụ nữ dưới mọi hình thức là một vết nhơ đối với nhân loại, là trở ngại đối với hòa bình, an ninh và sự phát triển bền vững. Nhấn mạnh điều này nhân Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Giám đốc điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao...

Cùng vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển bền vững

Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.

Thách thức trên tiến trình loại bỏ rác thải nhựa

Các đại diện đến từ 175 quốc gia đang nhóm họp tại Kenya nhằm xây dựng hiệp ước quốc tế đầu tiên về giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán đối mặt nhiều khó khăn do những khác biệt về mục tiêu và tham vọng của các nước.