Những nghệ nhân trong lòng dân

Điểm chung giữa Nghệ nhân Dân gian, Nghệ nhân Ưu tú là niềm đam mê và sự tâm huyết với văn hóa dân tộc. Họ chính là những “di sản sống” được người dân tin yêu, kính trọng.
Những nghệ nhân đam mê lưu giữ văn hóa dân tộc luôn nhận được sự yêu mến, kính trọng của người dân.

Ngày cuối năm, những thôn người Dao họ ở xã Tân An (huyện Văn Bàn) chìm trong sương giá với cái rét ngọt cuối đông. Nhưng đối với gia đình ông Bàn Văn Bang ở thôn Mai Hồng 1, căn nhà cấp 4 vừa xây xong đã sưởi ấm cả gia đình trong niềm vui và hạnh phúc. Theo phong tục truyền thống, ông mời thầy cúng uy tín trong vùng - Nghệ nhân Ưu tú Triệu Văn Thêu (ở thôn Khe Quạt, xã Tân An) tới làm lễ vào nhà mới.

Ông Bang phấn khởi: Gom góp, vất vả mấy chục năm vợ chồng tôi mới xây được căn nhà nên tôi mời thầy Thêu tới làm lễ về nhà mới. Lễ này là tạ ơn tổ tiên và các vị thần linh, thổ địa đã che chở, bảo vệ để mọi việc diễn ra hanh thông, đồng thời mong các vị chứng giám và phù hộ cho các thành viên trong gia đình tài lộc, bình an. Thầy Thêu là người rất uy tín, thông hiểu và thuần thục nhiều nghi lễ truyền thống nên gia đình tôi rất yên tâm. Hầu như nhà nào trong thôn, trong xã có việc hệ trọng cũng nhờ thầy Thêu làm lễ.

Nghệ nhân Ưu tú Triệu Văn Thêu là 1 trong 10 thầy cúng trong xã có cấp bậc cao nhất trong nghề - cấp tiên sinh. Ông có thể đọc, hiểu và truyền dạy hầu hết các cuốn sách cổ cũng như ghi nhớ và thực hành thuần thục các nghi lễ cúng truyền thống của dân tộc và có kiến thức sâu rộng về lịch sử văn hóa, các tri thức dân gian của dân tộc mình.

Nói về nghề làm thầy cúng, Nghệ nhân Ưu tú Triệu Văn Thêu trải lòng: Theo truyền thống người Dao, mục đích của việc thực hiện các lễ cúng là để cầu mong những điều tốt đẹp đến với mọi người, mọi nhà, tưởng nhớ tổ tiên… Thầy cúng đi làm lễ cho các gia đình không vì mục đích kinh tế mà chỉ đơn giản là cầu phúc, xóa điều xấu, mong điều lành đến với gia chủ, với cộng đồng, thôn, bản.

Trong đời sống của người Dao, thầy cúng được người dân rất tôn kính, nể trọng. Phàm những việc hệ trọng trong gia đình, dòng họ như cưới hỏi, tang ma, làm nhà, giải hạn, cầu an… họ đều tìm đến thầy cúng để được kêu cầu thay, làm lễ giúp.

Nghệ nhân Ưu tú Triệu Văn Thêu là thầy cúng uy tín trong vùng, được người dân tin tưởng, nể trọng.

Đồng bào Tày cũng có nhiều nghi lễ cần thầy cúng. Lấy nhau đã gần 3 năm, vợ chồng anh Phạm Quốc Huy (ở thôn Nhuần 2, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng) vẫn đau đáu nỗi niềm “khát con”. Trước khi đi thăm khám tại bệnh viện, gia đình anh quyết định nhờ thầy làm lễ cầu an, cầu may. Anh Huy bộc bạch: Theo phong tục của người Tày, khi sức khỏe không tốt, mọi việc không suôn sẻ thì có thể mời thầy  then về làm lễ để mong bình an, may mắn. Vì vậy, tôi đã mời Nghệ nhân Dân gian Lương Văn Nguyệt ở thôn Nhuần 3 về làm lễ giúp gia đình. Tôi mong những câu hát then cầu an của cụ sẽ giúp gia đình gặp nhiều may mắn.

Nghệ thuật hát then, đàn tính là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày. Trong đời sống, người Tày còn sử dụng các bài then cổ để hát trong các lễ cúng giải hạn, gọi vía, cầu may, cầu an, cầu phúc, cầu thọ (làm Khoăn)… Nghệ nhân Dân gian Lương Văn Nguyệt là người đã gắn bó cả cuộc đời với những làn điệu then Tày. Mặc dù đã ở “tuổi xưa nay hiếm”, nhưng cụ Nguyệt vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn. Cụ Nguyệt sinh ra và lớn lên ở thôn người Tày, ngay từ nhỏ, ngọn lửa đam mê hát then, đàn tính đã ngấm vào máu thịt qua lời hát ru của mẹ, tiếng đàn tính của cha. Hơn nửa thế kỷ dành trọn đam mê, tâm huyết học hỏi, sưu tầm và truyền dạy, cụ Nguyệt trở thành “di sản sống” lưu giữ, bảo tồn và truyền dạy làn điệu then, tiếng đàn tính của người Tày. Nghệ nhân Dân gian Lương Văn Nguyệt còn là thành viên chủ chốt của các đội văn nghệ thôn, xã, vừa tham gia biểu diễn, vừa truyền dạy nghệ thuật then Tày cổ.

Theo Nghệ nhân Dân gian Lương Văn Nguyệt, múa hát then xuất phát từ nghi lễ then - một loại hình văn hóa phi vật thể được lưu truyền qua bao đời và tồn tại đến ngày nay. Nghệ thuật then mang màu sắc tín ngưỡng mà người Tày gửi gắm trong đó những mong muốn tốt lành, cầu mong gia đình, cộng đồng luôn mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Điều này được thể hiện rõ qua những bài then cổ như then giải hạn, then gọi vía, then cầu an... Vừa tâm sự, cụ Nguyệt vừa nâng cây đàn tính lên gảy và cất lên bài then cổ “Mừng năm mới”. Những giai điệu trầm bổng, mộc mạc, bình dị mà gần gũi, thân thương như tiếng lòng của người Tày nơi đây gửi gắm qua từng lời ca, nốt nhạc.

“Múa, hát then đã đi cùng tôi suốt cuộc đời, đón bao mùa xuân tới rồi đi. Không biết còn sống được bao lâu nữa nhưng còn sức khỏe thì tôi còn tiếp tục chơi đàn tính, hát then và truyền lửa để điệu then sống mãi với đời”, Nghệ nhân Dân gian Lương Văn Nguyệt trải lòng.

Các nghệ nhân là những “di sản sống” chứa đựng tri thức dân gian, văn hóa dân tộc.

Những “di sản sống”, “hạt nhân” văn hóa dân gian khác mà tên tuổi của họ gắn liền với những nét đẹp văn hóa, các làn điệu dân ca, dân vũ đặc trưng ở từng địa phương như Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Sín Hòa ở xã Nấm Lư (Mường Khương) với nghệ thuật trình diễn dân gian dân ca Nùng Dín; Nghệ nhân Ưu tú Ma Thanh Sợi ở thôn Bản Rịa, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên), lưu giữ và bảo tồn thơ ca dân gian, phong tục, tập quán, tri thức dân gian của người Tày; Nghệ nhân Ưu tú Ly Hờ Suy ở thôn Choản Thèn, xã Y Tý (Bát Xát) thực hành và truyền dạy tri thức dân gian trong đan lát và phong tục, tập quán dân tộc Hà Nhì; Nghệ nhân Dân gian Chảo Láo Chiếu, ở thôn Ky Công Hồ, xã Tòng Sành (Bát Xát), thực hành và truyền dạy phong tục, tập quán chữ Nôm Dao và hát Páo dung của người Dao đỏ...

Họ là những người ví như con tằm nhả tơ để dệt nên những gam màu sáng trong bức tranh văn hóa dân gian. Vì tình yêu với văn hóa dân tộc, với quê hương, đất nước, nhiều người trong số họ còn đảm nhận những cương vị người đứng đầu thôn, bản như trưởng thôn, trưởng bản, bí thư chi bộ hoặc làm các công tác mặt trận, đoàn thể, hội… Họ là những người đi đầu trong tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Họ là những “cây đại thụ” về văn hóa, là những nghệ nhân trong lòng dân, được người dân tin yêu, kính trọng và là tấm gương để con cháu noi theo.

https://baolaocai.vn/bai-viet/363565-nhung-nghe-nhan-trong-long-dan

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.