Thu hút đầu tư - động lực phát triển kinh tế

Với quan điểm xuyên suốt trong điều hành nền kinh tế, thời gian qua, tỉnh Lào Cai xác định thu hút đầu tư là động lực quan trọng để phát triển và duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, Lào Cai cam kết tạo mọi thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc và phát huy tối đa 4 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh.
Lào Cai - mảnh đất giàu tiềm năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển, tỉnh Lào Cai đã thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, huy động vốn cho đầu tư phát triển; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu môi trường kinh doanh, chính sách và tiềm năng, cơ hội đầu tư.

Ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, như vận hành hiệu quả cao tổ hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu đề xuất giải pháp cụ thể hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù phù hợp với điều kiện thực tế khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, đồng thời cam kết tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi với mức tối đa theo quy định hiện hành của Nhà nước, nhất là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất - nhập khẩu, tiền thuê đất, thuê mặt nước…

Công tác thu hút đầu tư của tỉnh mang lại hiệu quả với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn lớn có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, như Sun Group, Alphanam, T&T, Geleximco, Bitexco, TNG, CD, Giáo dục Khôi Nguyên, Central Retail Việt Nam, Công ty TNHH Chính xác và công nghiệp Daeji Hàn Quốc, Công ty Cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu Phú Hưng, Công ty Cổ phần KOSY...

Giá trị các dự án đăng ký đầu tư tại tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2030 đạt 125.000 tỷ đồng. Các dự án đăng ký đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như kinh tế cửa khẩu, phát triển đô thị, thương mại, giáo dục, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp đặc hữu...

Năm 2022, tỉnh Lào Cai cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 21 dự án trong nước với tổng vốn 5.927 tỷ đồng. Đến nay, có 27 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 686 triệu USD.

Khu nhà thương mại do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sa Pa Lào Cai xây dựng tại thành phố Lào Cai.

Ông Bùi Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Alphanam cho biết: Tập đoàn đầu tư 2 dự án phát triển đô thị, du lịch, thương mại tại thị xã Sa Pa, trong triển khai thực hiện luôn nhận được sự đồng hành, giúp đỡ của chính quyền tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Đặc biệt, những vướng mắc, khó khăn đều được giải quyết kịp thời trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhờ đó mà các thủ tục dự án và công tác giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh. Các điều kiện và môi trường đầu tư tại Lào Cai hấp dẫn, minh bạch là điểm cộng để các nhà đầu tư quyết định lựa chọn, trong đó có Alphanam vững tin tiếp tục mở rộng đầu tư vào Lào Cai.

Còn bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Giáo dục Khôi Nguyên, chủ đầu tư Dự án Tổ hợp Trường Quốc tế Canada - Lào Cai khẳng định: Trong quá trình từ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng đến nhận bàn giao mặt bằng và khởi công dự án, chúng tôi yên tâm, phấn khởi khi nhận được sự quan tâm, song hành của chính quyền tỉnh. Khó khăn ở đâu được tháo gỡ ở đó, nhờ đó, dự án đang đảm bảo tiến độ…

Theo ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Lào Cai lựa chọn hạ tầng là động lực thu hút đầu tư trong thời gian tới, trong đó tập trung vào các công trình trọng điểm như sân bay, cầu qua biên giới, cầu qua sông Hồng, hạ tầng kết nối... Cùng với đó, tỉnh ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh để thực hiện theo quy hoạch của tỉnh và các dự án quy mô lớn có tác động lan tỏa tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của cả vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Lễ động thổ Dự án Cảng Hàng không Sa Pa.

Theo Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ tập trung vào “1 trục động lực, 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột tăng trưởng, 5 nhiệm vụ trọng tâm”.

Trục động lực phát triển dọc sông Hồng kết nối với 9 tỉnh, thành phố ở hạ lưu; trùng với hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nội hàm là quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, chuỗi đô thị, các trung tâm sản xuất, dịch vụ có vai trò liên kết 3 vùng kinh tế của tỉnh, kết nối vùng, liên vùng.

2 cực phát triển gồm: Cực phía Bắc kết nối Việt Nam và ASEAN với Tây Nam Trung Quốc và cực phía Nam kết nối với các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và khu vực ASEAN.

3 vùng kinh tế gồm: Vùng thấp gồm các huyện Bảo Yên, Văn Bàn tập trung phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, du lịch; vùng cao gồm Sa Pa, khu vực phía Tây Bát Xát, các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, văn hóa tộc người…; vùng trung tâm gồm thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, phần hạ huyện Bát Xát theo dọc sông Hồng phát triển công nghiệp, dịch vụ - thương mại, với trọng tâm là kinh tế cửa khẩu.

4 trụ cột tăng trưởng bao gồm: Kinh tế cửa khẩu, du lịch, nông - lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp chế biến - chế tạo.

5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa con người Lào Cai.

Với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng hành với doanh nghiệp, Lào Cai có nhiều dư địa và tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển.

https://baolaocai.vn/bai-viet/363570-thu-hut-dau-tu--dong-luc-phat-trien-kinh-te

Theo Viết Vinh/LCĐT

Tin Liên Quan

Triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch năm 2024

Ngày 12/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND về triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai năm 2024.

Ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp

Chiều 9/3, tại thành phố Lào Cai, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế thành phố Hải Phòng về một số nội dung hợp tác thuộc phạm vi quản lý trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn hai địa phương.

Xuất - nhập khẩu: Chờ đợi sự khởi sắc

Năm 2024, Lào Cai phấn đấu giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 264% so với năm 2023. Không phải ngẫu nhiên đặt ra mục tiêu như vậy, bởi thực tế đang có nhiều cơ hội và sự khởi sắc đối với hoạt động xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Lào Cai: Tạo sức bật trong thu hút đầu tư

Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”, nắm chắc những lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế vùng biên, tỉnh Lào Cai đã và đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển hạ tầng, khơi thông điểm nghẽn về logictics, huy...

Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc)

Chiều 12/12, bên lề hội nghị triển khai triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường thông báo một tin vui khi Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc chính thức ký Nghị...

Trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Với vị trí “cửa ngõ” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung phát huy lợi thế riêng có để phấn đấu trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.