Ngày đầu năm cùng người Tày ra đồng tìm hướng kiêng

Đúng ngày mùng 1 tết, trong tiết trời xuân mưa bay lất phất, đồng bào Tày xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn tổ chức ra cánh đồng lớn giữa làng thực hiện nghi lễ tìm hướng kiêng (theo tiếng Tày là Mo Tham Thát). Đây là tín ngưỡng dân gian độc đáo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2019.
Ông mo chính khấn cầu các cụ phù hộ cho con cháu xuất hành năm mới thuận lợi.
Bà con cầu mong năm mới nhiều may mắn. 

Trước khi ra đồng, từ sáng sớm, ông mo chính là Hoàng Văn Kể thắp hương ở bàn thờ tổ tiên khấn mời cụ ông, cụ bà, các sư phụ tổ tiên và các ông trưởng lão về chứng kiến nghi lễ. Bước sang năm mới, con cháu có chén nước, cơi trầu mời tổ tiên về uống nước, ăn trầu, làm chứng cho con cháu để đi chào ông Tham Thát chỉ hướng.

Khấn xong, ông vái lạy bàn thờ tổ tiên 3 lạy rồi lấy kiếm, đội nón, đeo túi đi về khu ruộng trung tâm của làng. 3 ông mo đã thống nhất giờ đi nên khi ra đường làng chính, cả 3 ông cùng gặp nhau ở một điểm. Chủ các gia đình cũng đi theo, mang theo nỏ và tên để thi bắn ngay sau khi 3 ông mo chọn được hướng mới cho làng.

Sau khi có hướng mới, 3 ông mo thông báo mở cuộc thi bắn nỏ. 

Sau khi đã cúng ở bàn thờ gia tiên, 3 ông mo của làng chuẩn bị lễ vật gồm tập giấy tiền vàng, bó hương, chén nước chè, rượu, rồi cùng với chủ các hộ đến khu ruộng trung tâm của làng để tìm chọn hướng. Theo tập quán của người Tày, hướng được chọn tính theo năm chẵn - năm lẻ. Nếu năm chẵn, thì chính hướng kiêng của làng là Nam - Bắc; năm lẻ, chính hướng kiêng của làng là Đông - Tây. Người Tày tìm chọn hướng theo chiều ngược kim đồng hồ.

Trẻ em dân tộc Tày vui chơi, diện trang phục truyền thống. 

Khi đến khu ruộng - nơi tổ chức lễ hội xuống đồng, 3 ông mo cùng nhìn 4 phương để xác định hướng kiêng. Các ông mo và người dân thắp hương cắm trên bờ ruộng. Ông mo chính khấn cầu các cụ phù hộ cho con cháu xuất hành năm mới thuận lợi; phù hộ cho con cháu mo, then sang năm mới có sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, mọi sự bình yên, các cụ trường thọ, các cháu ngoan ngoãn, lớn nhanh, thành đạt.

Ông mo Hoàng Văn Kể năm nay đã 92 tuổi cho biết: Khi đã chọn được hướng kiêng, cả làng năm đó không ai được làm nhà quay về hướng đó, kể cả chuồng gà hay chuồng lợn, khi đi rừng cũng kiêng không đi về hướng kiêng đã chọn. Năm nay, các ông mo đã thống nhất chọn hướng kiêng là hướng Tây.

Thanh niên tìm hiểu về còn và thi ném còn. 

Sau khi có hướng mới, 3 ông mo thông báo mở cuộc thi bắn nỏ, mục tiêu là tập giấy tiền vàng, cắm cách xa khoảng 30 - 40 m. Mục đích thi bắn là để cầu cho sự hanh thông, phát triển, có bắn trúng mục tiêu, làm nát giấy thì năm đó làm ăn mới may mắn.

Các cô, các chị nhảy múa.
Trẻ em tập múa theo các bà, các mẹ. 

Ngay sau khi tìm được hướng kiêng, bà con từ già tới trẻ sẽ cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian, ca hát, nhảy múa, đánh yến, chơi mắc lẹ...

Nghệ nhân Hoàng Thị Quanh, bản Nà Bay cho biết: Mo Tham Thát ngoài thực hành tín ngưỡng dân gian còn là cơ hội để con cháu gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc. Thông qua dịp này, tôi cũng truyền dạy cho con, cháu các điệu hát then, múa xòe để nét đẹp dân tộc luôn được lưu truyền đến thế hệ sau.

Năm nay, bà con phấn khởi, hào hứng ra đồng bởi không còn giới hạn các hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covd-19 như 2 năm trước. Anh Hoàng Văn Dũng cho biết: Dù đi đâu, làm gì thì ngày mùng 1 đầu năm, những người trẻ như chúng tôi vẫn dành thời gian để cùng các ông, bà ra đồng Tham Thát, cầu mong năm mới nhiều may mắn, thuận lợi.

Cùng nhau chơi mắc lẹ.

Mo Tham Thát là nghi lễ có ý nghĩa, giá trị về mặt địa lý, phong thủy và tín ngưỡng được đồng bào Tày Làng Giàng bảo tồn và tổ chức hằng năm.

https://baolaocai.vn/bai-viet/364105-ngay-dau-nam-cung-nguoi-tay-ra-dong-tim-huong-kieng

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.

Nét đẹp văn hóa của chợ tình Sa Pa

Không chỉ có tiềm năng từ thiên nhiên ban tặng, Sa Pa còn giàu về văn hóa, lối sống, phong tục và con người. Điển hình trong đó không thể không nhắc đến chợ tình Sa Pa.