Hình tượng con mèo trong đời sống văn hóa của người Dao, người La Chí ở Lào Cai

Người Dao đỏ thêu dấu chân mèo trên khăn che đầu

Mèo (lò miu) là con vật nuôi gần gũi, thân thiết với người Dao đỏ. Con mèo là khắc tinh của con chuột, người Dao quan niệm nuôi mèo trông giữ bồ thóc, giữ lương thực. Bởi vậy, vào ngày Thìn tháng 8 âm lịch hằng năm, người Dao đỏ tổ chức ăn tết cơm mới. Sau khi nấu chín các thức ăn, bà chủ hoặc ông chủ lấy một đôi đũa và một bát cơm mới trộn lẫn với cá hoặc thịt cho con mèo ăn trước. Khi cho ăn, bà chủ nói nôm vài câu với ý nghĩa như sau: Cho mèo ăn cơm mới trước để mèo có trách nhiệm trông coi bồ thóc (kho thóc) của gia đình, không cho con chuột đến phá, gia đình luôn có đủ thóc lúa, lương thực ăn trong năm.

 

Ông Tẩn Vần Siệu, Nghệ nhân Nhân dân cho biết, trong sách cổ người Dao ghi rõ về các đại hạn, các kiêng kỵ, như trong cuốn sách Dao thân (Kiu Siên); sách Đám cưới và sách Cúng cấp sắc của người Dao đỏ đều kể về lịch sử năm Dần, năm Mão đại hạn hán. Họ đã tích lũy và đúc kết nông lịch trong các năm, thường vào năm Mão (năm con mèo) sẽ xảy ra hạn hán, không có nước, không đủ lương thực ăn nên người Dao mới di cư đi tìm vùng đất mới để định cư.

Hình tượng con mèo trong đời sống văn hóa người Dao đỏ đặc biệt quan trọng nên được các bà, các chị người Dao sáng tạo thêu hình dấu chân con mèo trên chiếc “phả” - chiếc khăn dùng che đầu khi đón con dâu vào nhà chồng. Người Dao đỏ quan niệm con mèo là con vật cùng loài với con hổ - biểu trưng của sức mạnh, của chúa sơn lâm. Bởi vậy, các khăn che đầu của cô dâu được bà chủ gia đình thêu hoa văn hình móng chân mèo với ý nghĩa làm chủ bảo vệ cô dâu trong ngày đón dâu về nhà chồng, đón được con dâu hiền về làm dâu trong gia đình.

Người Dao họ kiêng ngày Mão

Trong cuốn sách xem ngày tốt, xấu để làm các việc trọng của người Dao họ, họ thường chọn ngày mùng 2 tháng 2, mùng 4 tháng 4, mùng 6 tháng 6, mùng 10 tháng 10 và ngày 12 tháng 12 tổ chức thực hành lễ cầu làng (áy lay) cầu cho bản làng bình yên, cầu cho dân làng có nhiều sức khỏe, làm ăn may mắn, nhà nhà và người người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Triệu Văn Thêu, Nghệ nhân Ưu tú cho biết: Người Dao họ tuân thủ rất nghiêm các kiêng kỵ từng ngày, từng tháng, cụ thể như sau: Tháng Giêng có ngày tử (ngày rất xấu) là ngày Tuất và ngày sinh (ngày tốt) là ngày Dậu; tháng 2 ngày tử là ngày Thìn, ngày sinh là ngày Mão; tháng 4 ngày tử là ngày Tỵ, ngày sinh là ngày Thìn; tháng 6 ngày tử là ngày Ngọ, ngày sinh là ngày Tỵ; tháng 11 ngày tử là ngày Mão, ngày sinh là ngày Dần; tháng 12 ngày tử là ngày Dậu, ngày sinh là ngày Thân. Với những ngày tốt, xấu được ghi rõ như vậy nên người Dao họ có lịch kiêng trồng trọt được chủ nhà ghi nhớ, nếu không tuân thủ, gia đình làm ăn thất bát, trồng cây không sống, hoặc có sống cũng không lớn, gieo thóc thóc không mọc, cây không ra quả. Tháng 1 kiêng ngày Tỵ, tháng 2 kiêng ngày Hợi, tháng 3 kiêng ngày Ngọ, tháng 4 kiêng ngày Tý, tháng 5 kiêng ngày Mùi, tháng 6 kiêng ngày Sửu, tháng 7 kiêng ngày Thân, tháng 8 kiêng ngày Dần, tháng 9 kiêng ngày Dậu, tháng 10 kiêng ngày Mão, tháng 11 kiêng ngày Tuất, tháng 12 kiêng ngày Thìn.

Ngoài ra, hình tượng con mèo được ghi chép trong Long Hổ Ca và Đại hiến ca (thuộc Bàn Cổ Ca) do cố nghệ nhân Hoàng Sĩ Lực ở Làng My, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) sưu tầm và dịch nghĩa lời ca như sau: “Tháng giêng rắn con hóa làm rồng; tháng hai lợn con vào buồng trong; tháng bảy khỉ con kêu trên cây; tháng tám hổ lang tìm núi đi; tháng chín gà vàng gáy trong lồng; tháng mười mèo con ngủ bên bếp; tháng mười một chó con chạy khắp thôn; tháng mười hai rồng vàng rút về đầm”. Đại hiến ca có câu: “Mặt trời mọc đem phơi ngoài nhà; mặt trời lặn thu về thềm nhà; Tý, Ngọ, Mão, Dậu ngày chợ thị; trang thành gánh nặng đi khỏi nhà”...

Người La Chí quan niệm mùng 3 Tết là ngày con mèo

Đối với người La Chí, họ có nhiều cách để chọn ngày tốt, ngày đẹp, nhưng phổ biến nhất vẫn là cách tính theo 12 con giáp. Tùy vào từng công việc cụ thể như cấy lúa, làm nhà, chăn nuôi, buôn bán, vào nhà mới... họ có cách chọn riêng. Họ quan niệm tháng Giêng là tháng con Hổ, ngày mùng 2 đầu năm mới là ngày con hổ nên người La Chí kiêng không đi xa vì sợ xảy ra tai nạn cho gia chủ.

Đồng bào La Chí ở Nậm Khánh (Bắc Hà) vẫn duy trì việc trồng bông, dệt vải. Ảnh: Đức Trung (Đài PT - TH tỉnh).

Ngày mùng 3 Tết là ngày con mèo cũng không nên đi đâu vì đây là ngày xấu. Tháng 2 là tháng con mèo, người La Chí kiêng làm các việc lớn vào ngày Sửu, ngày Dần, còn ngày tốt là ngày Rắn. Tháng 3 là tháng con Rồng, họ kiêng tổ chức làm các việc lớn vào ngày Sửu và ngày Dần, ngày đẹp nhất là ngày Rồng. Tháng 4 kiêng ngày Tý, ngày Sửu, ngày tốt nhất là ngày Mão. Trong việc chăn nuôi, người La Chí có cách tính tìm chọn ngày tốt như sau: Tháng 11 gia chủ phải tuyệt đối kiêng ngày con mèo để chọn giống vật nuôi.

Xem tuổi kết hôn cho trai, gái, người La Chí xem tuổi như sau: Người tuổi Mão xung với người tuổi Dậu. Đối với việc trọng làm nhà, người La Chí kiêng tổ chức vào ngày Tý tháng 2, tháng 6, tháng 8 và tháng 11…

https://baolaocai.vn/bai-viet/364122-hinh-tuong-con-meo-trong-doi-song-van-hoa-cua-nguoi-dao-nguoi-la-chi-o-lao-cai

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.