Trò chơi dân gian trong ngày xuân của người Tày ở Trung Đô

Mùa xuân là mùa của muôn hoa khoe sắc thắm, còn là mùa của tình yêu, khát vọng sống. Mùa xuân trời đất giao hòa, thiên nhiên tươi đẹp, người Tày ở Trung Đô, xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) lại trẩy hội, vui xuân với những trò chơi dân gian hấp dẫn, độc đáo, thu hút người dân, du khách xa gần.

Mở đầu trong ngày hội đầu xuân là trò chơi đu. Cột đu được người dân dựng trước cổng đền Trung Đô, trên ngọn, người ta treo một tờ giấy đỏ để người chơi thi, ai đu hái được lá cờ sẽ là người chiến thắng.
Trước khi trò chơi diễn ra, thầy cúng của thôn dâng một mâm lễ đặt tại chỗ cột đu bắt đầu khấn, đại ý là: “Mong rằng thần linh phù hộ cho dân trong làng chơi vui vẻ, người chơi đu được an toàn, mạnh giỏi”. Ban tổ chức lễ hội chọn 3 thanh niên trai tráng, khỏe mạnh lần lượt chơi. Người chơi đu phải biết lấy đà, đu sao cho thanh đu đủ đà và đủ tầm vươn tay lấy miếng giấy đỏ. Người đu lấy được miếng giấy đỏ là người chiến thắng, được chủ làng trao giải thưởng gồm chiếc khăn, 2 chén rượu hoặc vài chục nghìn đồng để lấy may.

Sau khi chơi đu là đến trò chơi ném còn, có người đem trống vừa đi vừa đánh trống và đem theo quả còn. Quả còn được khoác lên cổ một người con trai và một người con gái, gọi là bắt đôi ném còn. Đôi đầu tiên ném 3 lần, trai ở phía trên, gái ở phía dưới, ném đủ 3 lần không trúng phải dừng lại để đôi khác ném. Đôi thứ hai ném còn qua lại đủ 6 lần, cứ thế đến đôi thứ ba ném 9 lần. Khi ném quả còn trúng phông thì đôi trai gái đó vào trong đền lĩnh thưởng. Khi lĩnh thưởng, người con trai đội mũ, con gái đội khăn. Hai người quỳ trước mâm cơm của nhà đền. Thầy cúng lấy 1 khay có 2 chén rượu, 2 gói phong bao giấy đỏ. Hai người uống rượu xong, thầy cúng trao giải thưởng, xong thầy cúng lấy mũ của người con trai đội lên đầu người con gái, lấy khăn của người con gái đội lên đầu người con trai.

Trò chơi kéo co của người Tày Trung Đô trong lễ hội xuống đồng đầu xuân.

Ném còn xong là đến trò chơi kéo co. Đây là trò chơi đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản đại diện của nhân loại. Dây kéo co là một loại dây đặc biệt lấy ở trong rừng, được tìm chọn cẩn thận, không lấy dây có sâu thân, cụt ngọn; phải là loại cây có quả; cuộn dây được khoanh tròn cất trên cao để tránh người và vật nuôi bước qua, đến giờ tốt mới mang ra kéo. Bên con trai kéo ở đầu gốc dây đứng ở phía trong, bên con gái kéo ở đầu ngọn đứng phía ngoài sân. Khi thầy cúng hô (ra hiệu lệnh), hai bên cùng nhau kéo đi kéo lại, giằng co lên 3 lần xuống 3 lần, đến lần thứ 4, bên con trai cố gắng hết sức để kéo gốc vào trong đền thắng bên gái, cuộn dây kéo lại rồi đưa lên mái nhà cất đi.

Tiếp đến là trò diễn gieo hạt giống cầu cho mùa màng bội thu. Thầy cúng lấy hạt ngô rang chín thành bỏng ngô, rồi gọi mọi người dự trong lễ hội đến sân đền, thầy khấn nôm rằng: Năm nay trời đất cho lộc, thần linh cho hạt giống, mọi người hãy đem về gieo để cuối năm thu hoạch được mùa màng bội thu. Khấn xong, mọi người xô đẩy nhau, tranh nhau nhặt hạt ngô mà thầy cúng tung lên. Khi thầy tung hạt giống, người lấy mũ, người lấy nón, khăn, người lấy cả ô ra để hứng những hạt giống do thần linh ban tặng. Ai ai cũng muốn hứng đón được hạt giống, để nhà nhà đều hưởng lộc trời ban.

Đón xong hạt giống, tất cả những người có mặt tại khu vực tổ chức lễ hội xòe. “Xòe cho cây lúa tốt tươi, xòe cho cây lúa trổ bông”... Xòe đến khi mặt trời xuống núi, thầy cúng thắp hương lần cuối với ý nghĩa kết thúc lễ hội xuống đồng, cầu chúc cho dân làng sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt bội thu. Khấn xong, mọi người trở về nhà với niềm tin vào thắng lợi, những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người, mọi nhà trong mùa xuân năm mới.

https://baolaocai.vn/bai-viet/364137-tro-choi-dan-gian-trong-ngay-xuan-cua-nguoi-tay-o-trung-do

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.