Cuộc chiến không khoan nhượng với nạn phân biệt chủng tộc

Để xây dựng một xã hội ngày càng bình đẳng cho tất cả mọi người, mới đây, Pháp đã công bố kế hoạch quốc gia nhằm đối phó nạn phân biệt chủng tộc. Cùng với Pháp, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đang nỗ lực hết sức trong cuộc chiến không khoan nhượng này.

Thủ tướng Pháp công bố kế hoạch chống phân biệt chủng tộc. (Ảnh NEWS 360)

Theo kế hoạch hành động kéo dài 4 năm mà Pháp mới ban hành, nước này sẽ triển khai thực hiện 80 biện pháp, nhằm chống phân biệt chủng tộc, bài Do thái, cũng như mọi hình thức phân biệt đối xử. Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne (E.Boóc-nơ) tuyên bố, kế hoạch nêu trên cho phép các nạn nhân của tình trạng phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử nộp đơn khiếu nại ẩn danh. Kế hoạch mới cũng bao gồm các biện pháp nâng cao nhận thức của giáo viên và công chức về tình trạng phân biệt đối xử, cũng như gia tăng trừng phạt đối với những cá nhân bị cáo buộc phân biệt đối xử.

Cùng với Pháp, nhiều quốc gia trên thế giới đang quyết liệt đảo ngược nạn phân biệt chủng tộc. Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) thành lập nhóm liên ngành để phối hợp các nỗ lực chống chủ nghĩa bài Do thái và Hồi giáo, cũng như các hình thức phân biệt đối xử khác. Trước đó, năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ đã ban hành luật quy định hành động tư hình - trừng phạt không qua xét xử đúng pháp luật - do phân biệt chủng tộc là tội ác thù hận, có thể bị phạt tù lên đến 30 năm.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (C.Ha-rít) nhấn mạnh, các hành động bạo lực do phân biệt chủng tộc vẫn xảy ra tại Mỹ; nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là buộc các tội phạm phải chịu trách nhiệm và ngăn hành động này tái diễn. Tại Đức, chính phủ nước này cũng thành lập Cơ quan chống phân biệt chủng tộc để thúc đẩy sự đa dạng chủng tộc trong các lĩnh vực nhà nước.

Bất chấp nỗ lực không ngừng nghỉ của chính phủ các nước, phân biệt chủng tộc tiếp tục là nỗi nhức nhối trong xã hội nhiều quốc gia. Theo Liên hợp quốc, phân biệt chủng tộc có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới trong những năm gần đây và trở nên nghiêm trọng hơn sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Chính phủ Pháp đã triển khai một loạt kế hoạch trong 50 năm qua, với kế hoạch gần đây nhất là vào năm 2018, để đẩy lùi nạn phân biệt chủng tộc.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư vấn quốc gia Pháp về vấn đề quyền con người, ước tính mỗi năm, khoảng 1,2 triệu người vẫn phải hứng chịu ít nhất một lần bị phân biệt chủng tộc, bài Do thái hoặc bài ngoại. Trong khi đó, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) mới công bố số liệu cho thấy, trong năm 2021, có hơn 7.200 vụ phạm tội tại nước này liên quan thù ghét, trong đó hơn 60% số vụ bắt nguồn từ phân biệt chủng tộc, gốc gác hoặc sắc tộc.

Tình trạng phân biệt chủng tộc đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ đối với nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển của các nước, mà cả các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) nhấn mạnh, tình trạng này đang tiếp tục đầu độc các thiết chế và cấu trúc xã hội, là nguyên nhân gây bất bình đẳng và tước bỏ các quyền cơ bản của con người. Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng nêu rõ, nạn phân biệt chủng tộc là hòn đá tảng cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, cũng như quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng nhấn mạnh, thúc đẩy hòa bình là nhiệm vụ hàng đầu của Liên hợp quốc nhưng kiến tạo hòa bình là nghĩa vụ của mỗi người. Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, các xã hội ngày càng trở nên đa sắc tộc, tôn giáo và văn hóa. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng, chính phủ cũng như người dân các nước cần tập trung khai thác lợi ích từ sự đa dạng này, thay vì coi đó là một mối đe dọa.

https://nhandan.vn/cuoc-chien-khong-khoan-nhuong-voi-nan-phan-biet-chung-toc-post737231.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...