“Ươm mầm” tình yêu văn học - nghệ thuật cho lớp trẻ

Xã hội ngày càng phát triển, việc định hình cho lớp trẻ tiếp cận và cảm thụ tác phẩm văn học - nghệ thuật (VHNT) sẽ giúp các em hoàn thiện nhân cách, biết yêu, trân quý giá trị cuộc sống.
Nhà văn Đoàn Hữu Nam tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác văn học cho tác giả trẻ của Hội VHNT tỉnh tổ chức.

Khi tác phẩm VHNT tạo được sự đồng cảm giữa tác giả và công chúng là đạt được thành công. Ngoài năng khiếu, người sáng tác cần có tình yêu với VHNT, được phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng càng sớm càng tốt. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các thầy cô giáo là những người quan trọng góp phần bồi đắp tình yêu, khả năng cảm thụ VHNT cho lớp trẻ.

Hơn 15 năm làm nghề giáo, cô giáo Bùi Thị Phương Liên giảng dạy ở Trường THCS Lý Tự Trọng (thành phố Lào Cai) luôn nỗ lực truyền tình yêu văn học đến học sinh. Cô Liên tâm sự: muốn học sinh hứng thú với bài giảng, tôi luôn tìm phương pháp mới, sinh động, dễ hiểu để giảng dạy, giúp học trò thăng hoa cảm xúc trong quá trình học. Các em được thoải mái bày tỏ chính kiến, bộc lộ cảm xúc, tư duy khi cảm nhận tác phẩm. Cùng với đó, khi phát hiện học sinh có khả năng cảm thụ văn học, tôi sẽ khuyến khích, động viên các em tập sáng tác, viết nhiều hơn về những thứ xung quanh.

Được biết, cô giáo Liên còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thông của Trường THCS Lý Tự Trọng. Những học sinh yêu thích, có khả năng sáng tác văn, thơ, truyện được cô động viên tham gia câu lạc bộ. Bài viết của các em được đăng tải trên trang thông tin điện tử, fanpage của trường, của ngành, đặc biệt là được cô gửi đăng báo, tạp chí dành cho thiếu nhi, khiến các em rất phấn khởi.

Em Trần Lựu Nguyệt Ánh, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Lý Tự Trọng tâm sự: Em rất thích viết văn, muốn được viết những cảm xúc, suy nghĩ và mong muốn của bản thân. Tham gia Câu lạc bộ Truyền thông của trường, em được cô giáo hướng dẫn cách viết tin, bài về các sự kiện của trường, tuyên truyền những tấm gương học sinh và giáo viên tiêu biểu, lan tỏa những việc làm tốt, hành động đẹp. Được cô giáo động viên, em đã gửi bài viết của mình cộng tác với các báo, tạp chí dành cho thiếu nhi và đã được đăng một số bài. Em rất vui và coi đó là động lực để học và viết nhiều hơn nữa.

Nhiều trường phổ thông trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng các câu lạc bộ theo năng khiếu, sở trường của học sinh, trong đó có các câu lạc bộ VHNT. Những buổi ngoại khóa, những tiết học mở giúp các em rèn luyện, nâng cao khả năng cảm thụ VHNT.

Học sinh, sinh viên đam mê âm nhạc được nhạc sỹ Xuân Quỳnh chia sẻ kiến sáng tác.

Bản tin Tuổi hoa Lào Cai do Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh phụ trách xuất bản là diễn đàn, nơi “chắp cánh” cho ngòi bút của thiếu nhi yêu thích văn chương ở Lào Cai. Bản tin ra đời từ năm 2001, với tổng số hơn 50 nghìn cuốn đã xuất bản. Mỗi số bản tin có nhiều mục phù hợp với nhu cầu đọc và viết dành cho thiếu nhi, như “Ống kính phóng viên” (phóng viên nhỏ); “Gương sáng đội viên”; “Nét đẹp đội viên”; “Ngộ nghĩnh tuổi thơ”; “Cười”; “Góc sáng tạo” (khéo tay hay làm); “Thơ”; “Tin hoạt động”; “Kỹ năng sống”; “Sắc màu văn hóa”… Bản tin đã tạo “sân chơi” bổ ích, bồi dưỡng năng khiếu và giúp các em thêm yêu thích VHNT, phát triển khả năng viết văn, viết truyện, làm thơ.

Chị Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh cho hay: Bản tin Tuổi hoa Lào Cai đã có hơn 20 năm đồng hành với thiếu nhi Lào Cai. Mỗi số xuất bản, chúng tôi thường đăng khoảng 50 - 70 tác phẩm của thiếu nhi, gồm các thể loại như tranh, ảnh, thơ, văn, truyện ngắn, truyện cười… Ngoài việc phối hợp với các trường để phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng năng khiếu và tình yêu VHNT cho các em, chúng tôi còn thường xuyên trao đổi, gặp gỡ, góp ý, động viên các em tích cực viết bài, chụp ảnh, gửi thông tin cho bản tin. Nhờ đó, trung tâm luôn duy trì được lượng tác giả nhỏ tuổi đông và ổn định từ các trường ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Trong những năm qua, Hội VHNT tỉnh có nhiều hoạt động thu hút tác giả trẻ như tổ chức tặng báo, tạp chí cho học sinh các trường học trong tỉnh. Đặc biệt, các hội viên đã đến nhiều trường học để “thắp lửa” tình yêu nghệ thuật. Hằng năm, hội đều tổ chức các lớp bồi dưỡng sáng tác cho tác giả trẻ. Mỗi lớp học luôn thu hút hàng chục học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn tỉnh tham gia. Không chỉ viết văn, nhiều em có năng khiếu âm nhạc, mỹ thuật cũng được tạo cơ hội để thể hiện mình.

Em Chảo Mùi Pham, sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai bộc bạch: Em đam mê hội họa nên rất thích tham gia các lớp bồi dưỡng sáng tác dành cho tác giả trẻ do Hội VHNT tỉnh tổ chức. Ở đó, em được gặp gỡ những nghệ sỹ tài năng của tỉnh và được chia sẻ kinh nghiệm sáng tác. Nhờ đó, em học hỏi được nhiều điều và thêm yêu môn mà mình đang theo đuổi.

“Chúng tôi xác định phải luôn xây dựng lực lượng kế cận, nên việc phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho tác giả trẻ rất được hội quan tâm. Cùng với việc tổ chức trại sáng tác, lớp bồi dưỡng sáng tác thì hội luôn có sự liên hệ kịp thời tới các hội viên, cộng tác viên trẻ để động viên, khích lệ họ tích cực sáng tác”, ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nói.

https://baolaocai.vn/bai-viet/365844-uom-mam-tinh-yeu-van-hoc--nghe-thuat-cho-lop-tre

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.