Đội Hoàng Sa: Cách thức thực thi chủ quyền độc đáo của Việt Nam trên các vùng quần đảo giữa biển Đông trong các thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX- Phần 3

Pierre Poivre, một thương nhân người Pháp trong chuyến đi đến Đàng Trong năm 1749-1750 cũng cho biết là ông đã từng nghe chuyện nhà vua (Chúa Nguyễn) hàng năm đưa vài chiếc thuyền ra Hoàng Sa để tìm kiếm các sản vật thiên nhiên cho bộ sưu tập của mình.
3. Chức năng và hoạt động của đội Hoàng Sa



Trong sách Phủ Biên tạp lục (Quyển II), Lê Quý Đôn đã khảo tả khá cụ thể về hoạt động chính của đội Hoàng Sa: “... cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc văn rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ Ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về”(17). Đội Hoàng Sa mỗi năm có đến nửa năm (từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau) không chính thức hoạt động ngoài biển khơi cho nên họ còn được điều động đi làm nhiều các công việc khác. Sách Phủ Biên tạp lục, Quyển IV, khi chép về thuế vàng, Lê Quý Đôn còn cho hay là đội Hoàng Sa đã từng phải đi đào vàng ở xã Nam Phố Hạ, huyện Phú Vang: “Lệ cũ cho xã dân lĩnh tiền nhà nước để ăn mà đi lấy vàng, được miễn trừ tiền thuế. Mùa xuân năm Bính Thân (1776) kiêm đốc suất Đoan Quận công sai thuộc tướng là Cơ Trung hầu đào lấy, gọi đội Hoàng Sa đến và thuê phu 65 người đào lấy đãi nấu...”(18). Cũng có tài liệu còn cho hay, người đội Hoàng Sa đi bắt tổ yến ở Cù Lao Chàm ngay phía ngoài cửa Đại sông Thu Bồn...


Không bàn đến những công việc phụ được giao thêm trong khoảng thời gian không chính thức đi biển, nếu mới chỉ đọc qua tư liệu, ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy đội Hoàng Sa được Chúa Nguyễn tổ chức ra là để thu lượm các hóa vật và hải vật trên các vùng quần đảo xa xôi ở giữa biển Đông. Pierre Poivre, một thương nhân người Pháp trong chuyến đi đến Đàng Trong năm 1749-1750 cũng cho biết là ông đã từng nghe chuyện nhà vua (Chúa Nguyễn) hàng năm đưa vài chiếc thuyền ra Hoàng Sa để tìm kiếm các sản vật thiên nhiên cho bộ sưu tập của mình(19). Tuy nhiên, nếu phân tích một cách cụ thể các nguồn hóa vật, hải vật, kể cả các sản vật lạ mà đội Hoàng Sa tìm kiếm được giữa vùng biển khơi hoang sơ đem về cho Chúa Nguyễn thì xem ra chúng không chỉ ít ỏi về số lượng, mà chủng loại cũng đơn điệu. Lê Quý Đôn còn cung cấp những con số cụ thể mà đội Hoàng Sa trong cả 6 tháng trời ròng rã ngoài biển khơi “lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không”: “Tôi đã xem sổ của Cai đội cũ là Thuyên Đức hầu biên rằng: Năm Nhâm Ngọ (1762) lượm được 80 hốt bạc; năm Giáp Thân (1764) được 5.100 cân thiếc; năm ất Dậu (1765) được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu (1769) đến năm Quý Tỵ (1773), 5 năm ấy mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được khối thiếc, bát sứ và 2 khẩu súng đồng mà thôi”(20). Những con số đã xác nhận một thực tế là hiệu quả kinh tế của đội Hoàng Sa rất thấp và có thể khẳng định Chúa Nguyễn lập ra đội Hpàng Sa không phải chủ yếu vì mục đích kinh tế.





Những đội Hoàng Sa, Bắc Hải ra khơi với hành trang là những bó chiếu cói, dây mây để bó xác khi tử trận và những thẻ linh vị để ghi tên



Rất ít trai tráng ra khơi bảo vệ chủ quyền trở về đất liền. Để tưởng nhớ tới công lao của những người đã ra đi, thân nhân của họ đã lập những bài vị để thờ. Đồng thời, họ đắp những ngôi mộ gió để thờ cúng những người không trở về

 
Vậy thì mục đích chính của Chúa Nguyễn khi lập ra đội Hoàng Sa là gì?.


Tờ đơn xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa của phường An Vĩnh Cù Lao Ré đề ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775)(21) đã nói rất rõ: “Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm thêm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các cù lao ngoài biển tìm nhặt các hạng đồng, thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu dâng nạp. Nếu như có truyền báo xẩy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm, xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm nhặt bảo vật cùng thuế quan đem phụng nạp, xin dốc lòng làm theo sở nguyện chẳng dám kêu ca...”.



Những dân binh tham gia đội Hoàng Sa, theo quy định của nhà nước họ là các “quân nhân” thực hiện các nghĩa vụ nhà nước giao cho một cách chặt chẽ và chuẩn xác: Cứ tháng 2 nhận giấy sai đi (nghĩa là khi đi ra biển phải có quyết định của triều đình) và tháng 8 về đất liền phải đưa thuyền thẳng vào cửa Eo đến thành Phú Xuân trình báo, nộp sản phẩm và lĩnh bằng (tức là được triều đình xác nhận là đã hoàn thành nhiệm vụ của năm).


Đội Hoàng Sa được tổ chức như thế không thể nói là không mang tính chất của một đơn vị quân đội có kỷ luật chặt chẽ. Phạm vi hoạt động của đội Hoàng Sa lúc đầu theo nguyên tắc là vùng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sau một thời gian thực hiện, nhận thấy đội Hoàng Sa dù có cố gắng đến mấy thì cũng không thể nào bao quát hết được toàn bộ các vùng biển đảo giữa biển Đông, nên Chúa Nguyễn đã quyết định lập thêm đội Bắc Hải. Lê Quý Đôn cho biết: “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai Cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được”(22). Địa bàn hoạt động tương đương với khu vực quần đảo Trường Sa, tuy hoạt động độc lập nhưng về nguyên tắc đội Bắc Hải vẫn do đội Hoàng Sa kiêm quản.


Theo sách Đại Nam thực lục Chính biên thì ngay sau khi thành lập Vương triều Nguyễn được vài tháng, vào năm 1803 vua Gia Long “lấy Cai cơ Vỗ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập đội Hoàng Sa”(23). Cùng với đội Hoàng Sa, ông cũng cho lập lại đội Bắc Hải. Đến đây đội Hoàng Sa đã thực sự trở thành một đơn vị quân đội của nhà Nguyễn dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú là người xã An Vĩnh. Vào năm 1805 ông: “Hạ lệnh cho từ Quảng Bình vào đến Nam Bình Thuận đều ghi số thuyền, số người các đội Trường Đà để tâu lên. (Quân Trường Đà trước có các đội công sai là Kỵ Hải, Mã Hải, Hoàng Sa (sách chép nhầm là Sa Hoàng), Bắc Hải, Long Yên, Trường Thọ, Đại Lê lấy dân ở ven biển sung vào, Quảng Bình 10 xã thôn phường Cừ Hà, Lý Hòa, Thuận Cô, Cảnh Dương, Lộc Điền, Chi Giáp, An Náu Nam Biên và An Náu Bắc Biên, Nội Hà, Để Võng, có 183 chiếc thuyền, 1427 người; từ Quảng Trị vào Nam đến Bình Thuận có 327 chiếc thuyền, 1604 người). Đổi đội Trường Thọ làm đội Trường Thuận”(24). Như thế có thể biết các đội Hoàng Sa, Bắc Hải đời Gia Long thuộc quân Trường Đà và người của đội Hoàng Sa đều được các nguồn tài liệu ghi chép thống nhất là “quân nhân” (tức là lính của nhà nước)(25).


Liên tục trong các năm 1815, 1816, vua Gia Long sai đội Hoàng Sa “ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”(26). Như thế ta biết rõ hơn một chức năng nữa của đội Hoàng Sa (hay một nhiệm vụ chính của đội Hoàng Sa) trong những năm 1815-1816 là khảo sát, đo đạc, xác định hải trình ở khu vực giữa biển Đông. Việc vua Gia Long quan tâm sâu sắc đến vị trí và hải trình quần đảo Hoàng Sa trong những năm có tính chất bản lề này càng thể hiện rõ quyết tâm của Vương triều là kiểm soát và bảo vệ đến cùng vùng biển đảo đã trở thành máu thịt.


4. Quá trình đội Hoàng Sa được tích hợp vào đội Thủy quân và không gian văn hóa quê hương đội Hoàng Sa


Đội Hoàng Sa khi mới thành lập chỉ là lực lượng bán quân sự. Trong quá trình hoạt động, do yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo mà tổ chức, kỷ luật càng ngày càng chặt chẽ, chức năng quân sự càng ngày càng được tăng cường. Ngay từ đầu đời Tây Sơn, theo Chỉ thị của Thái phó Tổng lý quản binh chư vụ Thượng tướng công cho Cai đội Hoàng Sa Hội Đức Hầu ngày 14 tháng 2 năm 1786 thì đội Hoàng Sa phải cắm biển hiệu Thủy quân, nghĩa là nó cần phải hoạt động dưới danh nghĩa một tổ chức quân đội của nhà nước đương đại(27). Sang đầu thế kỷ XIX, một mặt chức năng quân sự của đội Hoàng Sa tiếp tục được nâng cao, mặt khác từng bước đã có sự thâm nhập của đội Thủy quân vào trong nội bộ của đội Hoàng Sa, hay ngược lại cũng đã có sự tham gia của người đội Hoàng Sa vào đội Thủy quân. Vào tháng 3 năm 1816, theo sách Đại Nam thực lục, vua Gia Long “sai Thủy quân và đội Hoàng Sa cưỡi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường biển”(28). Đây là lần đầu tiên sử chép về sự phối hợp giữa đội Hoàng Sa và đội Thủy quân trong một nhiệm vụ chung ở Hoàng Sa. Văn khế bán đoạn một phần đất ở phường An Vĩnh đề ngày 12 tháng 3 năm Gia Long thứ 15 (1816) còn lưu giữ được ở nhà ông Nguyễn Quang Kế thuộc thôn Tây, xã Lý Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mà chúng tôi đã đề cập đến ở trên, không chỉ minh chứng mà còn cung cấp thông tin cụ thể để hiểu rõ hơn về sự kiện này: “Nay bản xã thừa lệnh quy tập đội Hoàng Sa tới Kinh đô nhận tờ sai để thi hành công vụ, cần dùng đến lễ và xin cho Thủy quân quy vào đội Hoàng Sa cũng cần đến sự quyên góp cho binh lính trong xã...”.


Trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, năm 1816 là năm có ý nghĩa hết sức đặc biệt(29). Đây là thời điếm mà vua Gia Long đã thi hành các biện pháp rất quyết liệt để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Vương triều Nguyễn ở Hoàng Sa và Trường Sa, cho nên ông không thể không đưa lực lượng Thủy quân hùng mạnh của mình trực tiếp quản lý và bảo vệ chủ quyền ở các quần đảo giữa biển Đông. Đến đây chức năng bảo vệ biển đảo bắt đầu được chuyển dần từ đội Hoàng Sa sang đội Thủy quân.


Tiếp nối và phát huy trên một tầm cao mới truyền thống và kinh nghiệm khai thác và bảo vệ biển đảo từ thời các Chúa Nguyễn và nhất là từ thời vua cha Gia Long, Minh Mệnh lên ngôi Hoàng đế vào năm 1820 và suốt hai thập kỷ trị vì của mình, ông đã đẩy hoạt động chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa lên đỉnh cao nhất so với tất cả các triều đại quân chủ cả trước ông và sau ông.


Minh Mệnh đã cho triển khai hàng loạt các hình thức và biện pháp thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa như vãng thám, kiểm tra, kiểm soát, khai thác hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ để lưu dấu ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết... Lực lượng mà ông đưa ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa và Trường Sa bao gồm các đội Thủy quân, Vệ giám thành, Biền binh, binh đinh và dân phu. Mỗi chuyến đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đều phải có quyết định của triều đình dưới hình thức “tờ sai để thi hành công vụ” và nhiều khi chính nhà vua trực tiếp chỉ đạo việc quyết định cho thuyền ra khơi hay tạm dừng vì bão gió. Sau khi kết thúc công việc họ phải chạy thuyền thẳng về Huế để báo cáo tình hình, khai nộp hóa vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra đánh giá và tùy mức độ đóng góp hay vi phạm mà luận công hay định tội, thưởng phạt công minh. Cũng bắt đầu từ thời Minh Mệnh trên các nguồn tư liệu chính thức của Nhà nước không còn thấy chép đến đội Hoàng Sa nữa, mà vai trò và chức năng của đội Hoàng Sa đã được chuyển hẳn sang cho đội Thủy quân(30). Tuy nhiên khi đi sâu nghiên cứu các nguồn tư liệu cụ thể và nhất là nguồn tư liệu thực địa tại quê hương đội Hoàng Sa thì chúng ta vẫn có thể hình dung ra hình bóng của đội Hoàng Sa vẫn còn được giữ lại trong cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của các đội Thủy quân hoạt động ở Hoàng Sa, Trường Sa.


Đành rằng không còn danh nghĩa đội Hoàng Sa, hay là đội Hoàng Sa đã được tích hợp vào đội Thủy quân hoặc dưới một danh nghĩa nào khác, thì người được điều ra quản lý, khai thác thực thi bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa thời Minh Mệnh và nhiều thập kỷ tiếp theo vẫn chủ yếu là người ở quê hương đội Hoàng Sa.



Mỗi năm, các đội Hoàng Sa, Bắc Hải tuyển 70 mộ binh phu ra khơi vào tháng 3 (âm lịch hằng năm). Tuy nhiên, họ ra đi không hẹn ngày về. Những người thân của họ đã tổ chức lễ Khao lề thế lính Trường Sa những mong và cầu cho linh hồn của người đã khuất trong đội Hoàng Sa, Bắc Hải được siêu thoát, những người còn sống sẽ trở về
 
Phạm Quang Ảnh từ sau khi đội Hoàng Sa không còn hoạt động vẫn tiếp tục phục vụ ở Hoàng Sa và Trường Sa với tư cách là người chỉ huy đội Thủy quân. Suất đội Thủy quân Phạm Hữu Nhật, Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên, Suất đội thủy sư Phạm Văn Biện và những người dẫn đường nổi tiếng Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, Đặng Văn Siểm... thông thạo biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa như trong lòng bàn tay, đều là những người con ưu tú của An Vĩnh, An Hải. Đạo sắc ngày 15 tháng 4 năm 1834 của vua Minh Mệnh giao cho Võ Văn Hùng chuẩn bị 3 chiếc thuyền, 8 thủy thủ, 24 lính giỏi bơi lặn ra đi Hoàng Sa, Trường Sa(31) góp phần kiểm chứng các nguồn thông tin trong Đại Nam thực lục, Châu bản triều Nguyễn và khẳng định quê hương đội Hoàng Sa vẫn là nơi cung cấp chủ yếu nguồn nhân lực canh giữ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa. Không chỉ làm nghĩa vụ với nhà nước, Hoàng Sa - Trường Sa lâu dần đã trở thành ngư trường chính yếu, gắn bó máu thịt với mỗi gia đình, mỗi người dân Sa Kỳ, Lý Sơn. Vùng cửa biển Sa Kỳ và huyện đảo Lý Sơn vì thế đã trở thành không gian văn hóa quê hương đội Hoàng Sa, chắt chiu và gìn giữ cái hồn, cái cốt của Hoàng Sa -Trường Sa, với các giá trị đặc trưng và đích thực mà không có bất cứ một nơi nào khác ở xung quanh khu vực biển Đông có thể có được.


Đó là tinh thần quả cảm vô song: “Trung can huyền nhật nguyệt / Nghĩa khí quán càn khôn”(32) (Lòng trung sánh ngang mặt trăng, mặt trời / Nghĩa khí bao trùm cả trời đất). Đó là sự hy sinh tất cả cho chủ quyền quốc gia lãnh thổ thiêng liêng, biết đi ra Hoàng Sa - Trường Sa là dấn thân vào cõi chết, nhưng họ vẫn quyết lòng ra đi và coi đó là lẽ sống thiêng liêng của chính mình(33). Từ cả những đấng chủ thần tối linh, tối thiêng của vùng đất (Ông Nam Hải - Ông Cá Voi) cho đến một nhánh san hô hay một nắm cát vàng... của Sa Kỳ - Lý Sơn, cả vật chất và tinh thần, cả kinh tế và văn hóa, cả nghĩa đen và nghĩa bóng... tất, tất cả đều hiển hiện một Hoàng Sa - Trường Sa trong đó. Những người con ra đi từ Sa Kỳ - Lý Sơn đã thổi hồn vào Hoàng Sa -Trường Sa, đã đem đến sức sống cho một vùng biển đảo đầy hiểm nguy, phong ba, bão tố “hoang vu và cằn cỗi nhất của địa cầu” và đến lượt nó, Hoàng Sa - Trường Sa lại góp phần làm nên diện mạo và các nét tiêu biểu nhất của không gian văn hóa biển đảo Sa Kỳ - Lý Sơn./.

Nguyễn Quang Ngọc


Chú thích


  1. Lê Quý Đôn: Toàn tập (Phủ Biên tạp lục), TI, Sđd, tr 119-120. Quyển II chép về hình thế núi sông, thành lũy, trị sở, đường sá, bến đò, nhà trạm hai xứ Thuận Hóa Quảng Nam.

  1. Lê Quý Đôn: Toàn tập (Phủ Biên tạp lục), TI, Sđd, tr 224. Quyển IV chép về lệ thuế đầu nguồn, tuần ty, đầm hồ, chợ đò, thuế vàng bạc đồng sắt và lệ thuê vận tải ở hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.
  2. Southern Vietnam under the Nguyễn (Documents on the EconomicHistory of Cochinchina (Đàng Trong), 1602-1777 (Edited by Li Tana, Anthony Reid), ANU, Australia and ISEAS, Singapore, 1993, p 7.
  3. Lê Quý Đôn: Toàn tập (Phủ Biên tạp lục), TI, Sđd, tr 120.
  4. Tư liệu còn được lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, thôn Tây, xã Lý Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
  5. Lê Quý Đôn: Toàn tập (Phủ Biên tạp lục), TI, Sđd, tr 120.
  6. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T I, Sđd, tr 556.
  7. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T I, Sđd, tr 634.
  8. GS Trần Kinh Hòa trong Khảo cứu lại lịch sử quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Tây Sa (tiếng Nhật) cũng cho rằng trong văn bản sách Đại Nam thực lục đã chép nhầm “Hoàng Sa” thành “Sa Hoàng”. Đội Trường Đà theo Trần Kinh Hòa “cũng giống như các đội thuyền làm nhiệm vụ đặc biệt trên biển”.
  9. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T I, Sđd, tr 898.
  10. Bản Chỉ thị viết: “Sai Hộ Đức hầu Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu Thủy quân, cưỡi bốn chiếc thuyền câu vượt biển thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba, cá quý đều chở về kinh, tập trung nộp theo lệ. Nếu ngạo mạn càn bậy không đến, lại gian dối lấy bớt các vật quý hoặc sinh sự với dân làm muối, làm cá đều sẽ bị trị tội”. Tư liệu còn được lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, thôn Tây, xã Lý Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
  11. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T I, Sđd, tr 922.
  12. Nhiều tác giả phương Tây đã đánh giá rất cao hoạt động chủ quyền của vua Gia Long ở Hoàng Sa, Trường Sa trong năm 1816. Giám mục Jean Louis Taberd cho rằng: “Vào năm 1816, nhà vua [vua Gia Long] đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc là sẽ không có một ai sẽ tìm cách tranh giành với ông ta”. M. A Dubois de Jancigny năm 1850, viết sách nói rõ: “Chúng tôi chỉ muốn nhận xét rằng đã từ 34 năm nay, [tức là từ 1816 đến 1850], quần đảo Paracels (mà những người An Nam gọi là Cát Vàng), thật là một chốn mê cung chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát thật sự đã làm những người đi biển kinh hãi và chỉ có thể kể đến trong số những địa điểm hoang vu cằn cỗi nhất của địa cầu, quần đảo do đã bị các người xứ Đàng Trong chiếm giữ. Chúng tôi không rõ họ đã có đặt một cơ sở nào không (có thể với mục đích là bảo vệ công việc đánh cá), nhưng chắc chắn rằng nhà vua Gia Long đã chủ tâm đính thêm đóa hoa độc nhất vô nhị đó vào chiếc vương miện của ông, bởi vì ông đã xét thấy cần thiết phải đi tới việc đích thân chiếm giữ lấy quần đảo đó, và chính vì thế mà năm 1816 ông đã long trọng kéo lá cờ xứ Đàng Trong lên mảnh đất đó”.
  13. GS Trần Kinh Hòa trong Khảo cứu lại lịch sử quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (tiếng Nhật) cũng xác nhận điều này: “... Tiếp đến vào tháng 11 năm thứ 18 (1819) người ta đã mộ tập 50 người dân không có hộ khẩu vào đội Thái Sâm để thu nhân sâm mọc hoang trên các núi vùng Sa Kỳ (quyển 60). Những đội mà chúng tôi đưa ra ở đây chủ yếu là làm những việc như hái lượm, săn bắt các sản vật quý hay chế tạo, sản xuất dụng cụ, vũ khí và khác hẳn với các đội làm nhiệm vụ đặc thù là đi biển như đội Hoàng Sa hay đội Bắc Hải thuộc Trường Đà. Cơ quan trực thuộc của các đội này hầu như không rõ ràng và đội viên lại đa phần là dân ngụ cư có những nghề đặc biệt nên có thể đã vấp phải vấn đề gì đó. Vỉ thế nên vào đầu thời Minh Mệnh các đội này đã bị xóa bỏ và nhiệm vụ này chuyển sang tiến hành bởi Thủy quân và Giám thành quần”.
  14. Dòng họ Đặng ở thôn Đông Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn còn giữ được bản gốc của đạo sắc này.
  15. Đôi câu đối thờ ở nhà thờ Phạm Quang Ảnh, xã Lý Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn.
  16. Ca dao cổ ở địa phương:
“Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn.
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”
Bởi tính chất nguy hiểm của công việc mà trước khi ra Hoàng Sa, mỗi người lính Hoàng Sa phải chuẩn bị sẵn một đôi chiếu, 7 sợi dây mây và 7 cái đòn tre. Nếu gặp chuyện chẳng lành thì chiếu dùng để quấn xác, đòn tre dùng làm nẹp và dây mây bó chặt lại. Xác những người lính Hoàng Sa xấu số ấy được thả xuống biển với hy vọng mong manh là sẽ có người vớt lên chôn cất. Chiếc thẻ tre nhỏ ghi tên tuổi, phiên hiệu, đơn vị của người mất được cài kỹ trong bó xác sẽ là dấu hiệu để đồng đội và thân nhân nhận ra họ. Mặc dù biết rất rõ công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm, biết rõ “Hoàng Sa đi có về không”, nhưng người lính Hoàng Sa không một chút nề hà vì đấy là lệnh vua, là phép nước: “Lệnh Vua sai phái quyết lòng ra đi”...
Trước khi lên đường, hàng năm cứ vào dịp 20 tháng 2, dân làng tổ chức lễ tế thần, cầu mong cho người ra đi được bình an vô sự. Người ta nặn những hình nộm bằng đất sét hoặc tết hình nộm bằng cỏ đem tế ở đình. Tế xong các hình nộm ấy được thả xuống biển hoặc đốt đi gọi là khao lề thế lính Trường Sa. Việc thờ cúng như thế này là niềm an ủi cả người đi, kẻ ở. Những người ra đi mà vĩnh viễn không về thì hàng năm đã được dân làng cúng giỗ tại đình. Bài văn tế trong dịp cúng thiêng liêng này mang tên Cáo biệt lính Trường Sa văn. Ngoài ra người ta còn nặn đất sét thành hình người rồi làm lễ truy điệu sống người lính sắp đi ra Hoàng Sa. Truy điệu xong, cho vào áo quan và mai táng theo đúng phong tục chôn cất người chết của địa phương. Người lính đi ra Hoàng Sa, Trường Sa tin rằng ngôi mộ giả này là ngôi nhà vĩnh cửu của mình trong cõi vĩnh hằng.
Họ đã thanh thản ra đi và để lại ở Sa Kỳ, Lý Sơn muôn nỗi mòn mỏi và thấp thỏm chờ trông của những người vợ, người mẹ:
“Chiều chiều ra ngóng biển khơi,
Ngóng ai như ngóng đợi người Trường Sa.
Chiều chiều ra ngóng biển xa,
Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về”
(Điều đáng lưu ý là khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế tổ chức của đội Thủy quân thì tất cả những người Sa Kỳ, Lý Sơn đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đều là lính thuộc lực lượng quân đội chính quy của nhà Nguyễn và phạm vi hoạt động của họ bao gồm toàn bộ vùng biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa và dân gian quen gọi họ là lính Trường Sa).
(theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Thời kỳ từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến Chiến thắng Mùa xuân 1975

Bản đồ cổ Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Nhiều bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ đều cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Thêm tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Cuốn sách vừa được phát hiện mang tên "Khải đồng thuyết ước” được xác định là cuốn sách viết bằng chữ Hán và chữ Nôm từ thời vua Tự Đức, ghi chép về thiên văn, địa lý do soạn giả Kim Giang Phạm Phục Trai thi Ân khoa năm Thiệu Trị thứ...

Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên các bản đồ nước ngoài

Hiện tại các trung tâm lưu trữ trên thế giới còn lưu giữ nhiều bản đồ cổ, trong đó thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam.

Các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Phần XV

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Việc xác lập và thực thi chủ quyền của triểu đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể...

Các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Phần XIV

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Việc xác lập và thực thi chủ quyền của triểu đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể...