Đội Hoàng Sa: Cách thức thực thi chủ quyền độc đáo của Việt Nam trên các vùng quần đảo giữa biển Đông trong các thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX- Phần 2

Đội Hoàng Sa qua ghi chép của Lê Quý Đôn và tất cả các nguồn tư liệu chính thức và xác thực là được thành lập trên cơ sở tuyển chọn 70 dân đinh xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi.
2. Quê hương của đội Hoàng Sa


An Vĩnh là một xã ở cửa biển Sa Kỳ (về phía nam), nay là địa bàn thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi(10). Xã An Vĩnh ở vào thời điểm chúa Nguyễn tuyển chọn dân đinh tổ chức ra đội Hoàng Sa bao gồm hai khu vực cách xa nhau là làng (thôn) An Vĩnh ở cửa biển Sa Kỳ trong đất liền và xóm (phường) An Vĩnh ở ngoài Cù Lao Ré (nay là xã Lý Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).


Căn cứ vào tờ đơn của phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré xin tách ra khỏi xã An Vĩnh thì được biết phường này do người xã An Vĩnh chiếm dụng được xứ Cù Lao Ré ngoài biển, “phía đông giáp địa phận xã An Hải, phía tây liền biển, phía nam liền biển, phía bắc gần một cù lao nhỏ..” lập ra đã lâu đời và từ năm Quý Tỵ (1773) phường đã làm đơn xin được biệt lập với xã An Vĩnh thành một đơn vị hành chính độc lập. Cũng ngay sau đó dân phường An Vĩnh không vào thờ cúng tại chùa, đình, miếu của làng An Vĩnh trong đất liền nữa mà đã lập ra đình, chùa, miếu ở Cù Lao Ré để thờ cúng riêng. Như thế, đến cuối thế kỷ XVIII, phường An Vĩnh trên Cù Lao Ré đã tách hẳn ra khỏi làng gốc thành một làng riêng và đang từng bước tiến tới một đơn vị hành chính cấp cơ sở của nhà nước, nhưng chưa được nhà nước chấp thuận. Vì chưa được chấp thuận là đơn vị hành chính riêng cho nên trong lá đơn đề năm 1804 dân phường An Vĩnh vẫn phải xin cấp trên miễn cho các việc đắp đê trong đất liền và không ít những nghĩa vụ khác giao chung cho xã An Vĩnh thực hiện. Ngày 17 tháng 2 năm Gia Long thứ 3 (1804) phường An Vĩnh mới chính thức được tách khỏi xã An Vĩnh trở thành một đơn vị hành chính cấp cơ sở trực thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi.



Thời gian thuận tiện nhất cho các đội Hoàng Sa đi biển là 6 tháng (từ tháng 3 tới tháng 8 hằng năm). Những năm tháng đó, do phương tiện còn khó khăn, thô sơ. Đội Hoàng Sa, Bắc Hải phải tự trang bị tàu thuyền, đặc tính như những ngư dân nhưng lại mang trọng trách thiêng liêng "bảo vệ chủ quyền" các vùng đảo giữa biển Đông của tổ quốc


Vào trước thời điểm phường An Vĩnh được tách ra khỏi xã An Vĩnh, những dân đinh xã An Vĩnh được tuyên vào đội Hoàng Sa mặc nhiên phải bao gồm cả dân đinh làng An Vĩnh trong đất liền và phường An Vĩnh ngoài hải đảo. Công việc tổ chức nhân lực, chuẩn bị hậu cần và mọi mặt cho các chuyến đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đều do Xã trưởng và bộ máy chức dịch phân cho thôn An Vĩnh trong đất liền và phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré cùng thực hiện. Vì đội Hoàng Sa là một tổ chức thống nhất, hoạt động trong một môi trường cực kỳ khó khăn, nguy hiểm cho nên sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa hai bộ phận trong đất liền và ngoài hải đảo trở thành nguyên tắc sống còn. Vì thế, thời kỳ đầu thành lập đội Hoàng Sa gồm 5 thuyền, 70 suất thì dường như chưa có sự phân biệt giữa hai bộ phận này. Đến những thập kỷ cuối thế kỷ XVI, số lượng thuyền của đội Hoàng Sa đã tăng lên đến 18 chiếc thì chắc là đã có sự phân công, nhưng không có tư liệu để đoán định tỷ lệ.

Địa điểm cho đội Hoàng Sa xuất phát tiến ra biển khơi, có thể ở cả Cù Lao Ré và cửa biển Sa Kỳ, nhưng cửa biển Sa Kỳ là bến chính thức theo quy định của nhà nước. Phú Nhuận hầu vào đầu đời vua Gia Long vừa là Cai thủ cửa biển Sa Kỳ vừa kiêm chức Cai cơ Thủ ngự quản đội Hoàng Sa. Tại thôn An Vĩnh, ngay trên cửa biển Sa Kỳ nay vẫn còn di tích Vườn Đồn ở khu vực đóng quân của đồn biên phòng Sa Kỳ là địa điểm tập kết, huấn luyện, trang bị tàu thuyền, chuẩn bị hậu cần cho các chuyến đi ra Hoàng Sa, Trường Sa. Cách Vườn Đồn khoảng 200 mét là miếu Hoàng Sa(11) thờ bộ xương đầu của một con cá voi rất lớn, tương truyền do lính Hoàng Sa đưa về từ quần đảo Hoàng Sa. Miếu Hoàng Sa đã bị phá hủy từ gần nửa thế kỷ nay, nhưng bộ xương cá voi xưa, thần linh của miếu vẫn được nhân dân địa phương giữ lại và chuyển sang thờ tại Lăng Chánh ngay cạnh Miếu. Miếu Hoàng Sa chính là nơi những người trong đội Hoàng Sa làm lễ tế thần linh, cầu mong Ông Nam Hải phù giúp cho họ vượt qua được khó khăn, hoạn nạn trong những tháng ngày lênh đênh giữa biển khơi.




Ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ đời thứ 5 của Chánh suất đội trưởng Phạm Hữu Nhật cho hay, các Đội Hoàng Sa, Bắc Hải phải cuẩn bị rất nhiều lương thực, thực phẩm cho chuyến đi dài ngày. Bên cạnh đó, họ còn phải mang theo những tấm chiếu cói, dây mây để bó xác khi có người trong đoàn hi sinh khi có chiến chinh


 
Như vậy, không thể quan niệm một cách giản đơn như một số tác giả trước đây rằng 70 suất đinh cung cấp cho đội Hoàng Sa hoàn toàn chỉ là người phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré. Thậm chí có thể nghĩ rằng trong số 70 suất đinh của thời kỳ đầu thành lập đội Hoàng Sa, do dân số phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré chưa đông, nên dân làng An Vĩnh trong đất liền phải gánh vác số lượng nhiều hơn. Khi dân phường An Vĩnh đông lên, trách nhiệm dần dần được chia đều cho cả hai nơi. Theo sách Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh được hoàn thành trong khoảng thời gian ông làm quan ở vùng Thuận Quảng (1775-1785) thì trên Cù Lao Ré khi đó có đội Hoàng Sa Nhị “hàng năm đi 8 chiếc thuyền ra biển nhặt của quý về nộp tại Phú Xuân”(12). Tư liệu này cho phép đoán định là từ sau năm 1773, khi phường An Vĩnh trên Cù Lao Ré đã trở thành một làng riêng (có đình chùa, đền, miếu riêng), thì đội Hoàng Sa cũng được phép tách ra thành hai bộ phận tương đối độc lập là đội Hoàng Sa Nhất ở cửa biển Sa Kỳ gồm 10 thuyền và đội Hoàng Sa Nhị ở Cù Lao Ré gồm 8 thuyền. Đến năm 1804, khi phường An Vĩnh đã được nhà nước công nhận là một đơn vi hành chính cấp cơ sở và không còn phụ thuộc vào xã An Vĩnh trong cửa biển Sa Kỳ nữa thì phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré là nơi cung cấp chính nhân lực cho đội Hoàng Sa.


Tuy vậy vào đầu thế kỷ XIX, cửa biển Sa Kỳ vẫn còn là bến chính cho các thuyền bè ra Hoàng Sa, Trường Sa và làng An Vĩnh vẫn tiếp tục cử người tham gia đội Hoàng Sa. Qua văn khế bán đoạn một phần đất của xã An Vĩnh lập năm Gia Long thứ 15 (1816)(13) nói việc xã An Vĩnh được lệnh tập hợp đội Hoàng Sa đến Kinh đô (Huế) nhận tờ sai để thi hành công vụ thì có thể biết rằng dân xã An Vĩnh vẫn tham gia đội Hoàng Sa cho đến những ngày cuối cùng của đội này. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một thực tế là vai trò chính đã chuyển sang cho phường An Vĩnh từ những năm đầu thế kỷ XIX.







Tât cả tài liệu sử triều đều ghi chép về chủ quyền thuộc về Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng các đội Hoàng Sa và Bắc Hải...

 
Điều đáng quan tâm nữa là người tham gia đội Hoàng Sa có bao gồm dân đinh của xã An Hải (nay là xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, phía bờ bắc cửa biển Sa Kỳ) và phường An Hải ở Cù Lao Ré hay không?. Các bộ sử quan trọng nhất chép về đội Hoàng Sa không một lần nhắc đến việc dân đinh của các địa phương trên tham gia vào công việc này. Tuy nhiên vào cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Thông trong cuốn Việt sử cương giám khảo lược (quyển 4) cho biết là ở buổi “quốc sơ” nước ta “thường kén những người đinh tráng của hai hộ An Hải và An Vĩnh mà đặt đội Hoàng Sa để đi kiếm lượm những vật ngoài biển...”(14). Thực tế khảo sát ở huyện đảo Lý Sơn cũng như ở các làng An Vĩnh (Tịnh Kỳ, Sơn Tịnh), An Hải (Bình Châu, Bình Sơn) đã xác nhận ghi chép của Nguyễn Thông là có cơ sở. Hai làng An Vĩnh, An Hải ở hai bên bờ bắc, bờ nam cửa biển Sa Kỳ vốn có quan hệ mật thiết với nhau và từ thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XVII đã cùng nhau tiến ra “khai chiếm” đảo Lý Sơn(15). Lục tộc (6 họ: Phạm Văn, Phạm Quang, Võ Xuân, Võ Văn, Lê và Nguyễn) của làng An Vĩnh (huyện Sơn Tịnh) lập ra phường An Vĩnh là khu vực xã Lý Vĩnh, Lý Sơn hiện nay; còn Thất tộc (7 họ: Nguyễn, Trương, Dương, Nguyễn, Nguyễn, Trần, Võ) của làng An Hải (huyện Bình Sơn) lập ra phường An Hải là khu vực xã Lý Hải, Lý Sơn hiện nay.



Tuy đã là các phường riêng, nhưng cho đến trước năm 1804, các phường An Vĩnh, An Hải vẫn còn phụ thuộc vào đất liền và chịu chung nghĩa vụ với các làng quê gốc ở vùng cửa biển Sa Kỳ. Truyền thuyết cho hay, ngày xưa mỗi lần trong đất liền có việc, chỉ cần gióng trống là người ngoài đảo Lý Sơn kéo nhau về làng đầy đủ. Tuy trên đảo, ranh giới hai phường An Vĩnh, An Hải là khá rõ ràng, nhưng trong thực tế dân cư hai phường đều có mối quan hệ gắn bó với nhau. Họ Phạm Văn ở phường An Hải có cùng nguồn gốc với họ Phạm Văn ở phường An Vĩnh. Gia phả và tài liệu truyền miệng cho hay, cụ tổ dòng họ là Phạm Văn Nhiên vốn là người đi lính Hoàng Sa trở về và chuyển sang lập nghiệp ở An Hải. Con cháu cụ theo truyền thống của dòng họ vẫn tiếp tục đi ra Hoàng Sa. Họ Mai ở An Hải lại không phải từ vùng cửa biển Sa Kỳ ra mà từ vùng Gia Định đến phường An Hải vào cuối đời Lê Mạt. Khoảng thời vua Gia Long (1802-1820), trong họ có nhiều người tham gia đội Hoàng Sa như Mai Văn Chang, Mai Văn Lòn... Tuy thế, trong thực tế, người tham gia đội Hoàng Sa trước sau vẫn chủ yếu là người xã An Vĩnh trong đất liền và phường An Vĩnh ngoài hải đảo và ngay cả đến lúc đã chia tách thành các đơn vị hành chính độc lập thì họ vẫn gắn bó máu thịt với nhau trong sứ mệnh thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền biển đảo(16).

Nguyễn Quang Ngọc


Chú thích

<>10.Khu vực gia đình ông Nguyễn Văn Mênh đang ở (theo tư liệu điều tra của PGS.TS Vũ Văn Quân năm 1994). Tạp chí Khoa học (Khoa học xã hội), số 3 (1998), tr 12.
  • Quảng Thuận đạo sử tập là tập hợp những ghi chép về địa lý và bản đồ địa hình vùng Thuận Hóa và Quảng Nam của Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785). Bản chữ Hán lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.1375.
  • Tài liệu còn được lưu giữ tại nhà ông Nguyễn Quang Kế, trưởng họ Nguyễn Quang Đệ Nhất Lang, xóm Trung Yên, thôn Tây, xã Lý Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
  • Nguyễn Thông: Việt sử cương giám khảo lược, Bản chữ Hán, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu Vhv.1319.
  • Gia phả họ Phạm Văn ở xã Lý Vĩnh huyện Lý Sơn cho biết thời điểm cụ thể là năm Hoàng Định thứ 9 (1609).
  • Dòng họ Phạm Quang là một ví dụ tiêu biểu. Theo gia phả lập ngày 16 tháng 6 năm Gia Long thứ 5 (1806) thì thủy tổ là Phạm Quang Minh cùng hai con là Phạm Quang Nhật và Phạm Quang Nguyệt từ làng An Vĩnh trong cửa biển Sa Kỳ dời ra sinh sống ở phường An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. Đến đời Phạm Quang Ảnh, Cai đội Hoàng Sa rất nổi tiếng ở thập kỷ thứ hai thế kỷ XIX, dòng họ Phạm Quang đã là một họ lớn ở Cù Lao Ré. Thế nhưng không chỉ thời kỳ đó, mà còn mãi về sau dòng họ Phạm Quang vẫn tập trung về nhà thờ họ gốc ở làng An Vĩnh, trong khi đó nhà thờ Phạm Quang Ảnh ở Lý Sơn chỉ là nhà thờ nhỏ của một chi phái. Trên khám thờ ở nhà thờ chính dòng họ Phạm Quang trong đất liền vẫn thờ bài vị của Phạm Quang Ảnh. Tiếc là ngôi nhà thờ này hiện nay không còn nữa, nhưng nó vẫn còn được nhiều người trong dòng họ ghi nhớ, lưu truyền.
Gần đây ở một số địa phương khác thuộc Thừa Thiên Huế và Quảng Nam có phát hiện thêm được một số tư liệu về những Cai đội, Đội trưởng đội Hoàng Sa. Đó là trường hợp ông Nguyễn Hữu Niên người xã An Nông, tổng Sư Lỗ, huyện Phúc Vinh (nay là xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) là Cai đội trưởng đội Hoàng Sa; trường hợp ông Vũ Văn Tây ở phường Trung, xã Thanh Hòa, tổng An Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa (xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) vào khoảng cuối thập kỷ thứ ba thế kỷ XIX. Chúng tôi chưa rõ các dòng họ này có quan hệ như thế nào với các dòng họ ở quê gốc của đội Hoàng Sa. Tuy nhiên có thể nghĩ rằng đây là những Cai đội Hoàng Sa lớp cuối cùng, khi mà có một số người từ đội Thủy quân được cử sang cai quản đội Hoàng- Sa và trái lại có nhiều người từ đội Hoàng Sa được điều chuyển tham gia vào đội Thủy quân. Trường hợp ông Lê Văn Ước ở phường Thượng, xã Thanh Hòa, tổng An Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa (thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) được phong làm Đội trưởng Tả thủy vệ đội Thủy quân năm 1838, có thể do hoạt động lâu năm ở Hoàng Sa mà được gọi là Cai đội (hay “Soái đội”) Hoàng Sa, nhưng chắc chắn không phải đội Hoàng Sa mà chúng ta đang bàn ở đây.
(theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Thời kỳ từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến Chiến thắng Mùa xuân 1975

Bản đồ cổ Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Nhiều bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ đều cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Thêm tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Cuốn sách vừa được phát hiện mang tên "Khải đồng thuyết ước” được xác định là cuốn sách viết bằng chữ Hán và chữ Nôm từ thời vua Tự Đức, ghi chép về thiên văn, địa lý do soạn giả Kim Giang Phạm Phục Trai thi Ân khoa năm Thiệu Trị thứ...

Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên các bản đồ nước ngoài

Hiện tại các trung tâm lưu trữ trên thế giới còn lưu giữ nhiều bản đồ cổ, trong đó thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam.

Các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Phần XV

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Việc xác lập và thực thi chủ quyền của triểu đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể...

Các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Phần XIV

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Việc xác lập và thực thi chủ quyền của triểu đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể...