Iran và nhóm P5+1 nối lại đàm phán

Ngày 26/2, tại cố đô Almaty của Kazakhstan đã khai mạc vòng đàm phán mới đầu tiên trong năm 2013 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp và Đức) nhằm thảo luận chương trình hạt nhân gây tranh cãi mà nước Cộng hòa Hồi giáo này đang theo đuổi.
 
Tham dự vòng đàm phán này, ngoài các đại diện của Nhóm P5+1 còn có quan chức phụ trách quan hệ đối ngoại và chính sách an ninh của Liên minh châu Âu (EU) - bà Catherine Ashton và Thư ký Hội đồng An ninh tối cao Iran Saeed Jalili. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendi Sherman đã tham dự.
 
Phát biểu tại cuộc thương lượng, ông Ryabkov cho biết nhóm P5+1 sẽ chuyển cho Iran một số đề xuất mới về khả năng phương Tây có thể cân nhắc tới khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt về mặt kinh tế để đổi lấy việc Tehran thực thi các biện pháp cụ thể nhằm hạn chế chương trình hạt nhân. Các bên cũng sẽ nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận về thực thi các biện pháp tin cậy để dần dần thu hẹp chương trình hạt nhân của Iran.
 
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng giữa nhóm P5+1 và Iran vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc về chương trình hạt nhân của nước này, đặc biệt sau khi Tehran cho lắp đặt các thiết bị hiện đại nhằm gấp rút làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân Natanz.
 
Trong lời phát biểu trước báo giới ngày 25/2, tức là chỉ một ngày trước khi diễn ra vòng đàm phán đầu tiên giữa Iran và nhóm P5+1 trong năm 2013, ông Ryabkov đã kêu gọi tất cả các bên tham gia đàm phán cần tỏ rõ “thiện chí về mặt chính trị”. Ông Ryabkov nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các đại biểu tham gia đàm phán cần nhận thức rõ một thực tế rằng, chúng ta không còn thời gian để lãng phí. Những chậm trễ trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran trong suốt 8 hay thậm chí là 15 tháng qua là hoàn toàn không thể chấp nhận được…Một vấn đề cơ bản hiện nay là làm thế nào để có thể cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia đàm phán”.
 
Theo quan điểm của quan chức ngoại giao Nga, trong năm 2012, Iran và nhóm P5+1 đã đưa ra nhiều đề xuất song chưa trở thành hiện thực và giờ đã đến lúc tất cả các bên cần đưa ra những bước đi mới, xác định rõ vấn đề và nhận thức rõ trình tự những việc cần làm để giải quyết các vấn đề còn đang gây tranh cãi.
 
Phát biểu trong buổi tiếp xúc với Tổng thống Kazakhstan, ngày 25/2, trưởng đoàn đàm phán Iran - ông Jalili bày tỏ hy vọng nhóm P5+1 sẽ đưa ra phản ứng mang tính xây dựng, lôgíc và đáng tin cậy trước những đề xuất toàn diện mà Iran đã đưa ra tại vòng đối thoại ở thủ đô Moscow (Nga) hồi tháng 6/2012. Bên cạnh đó, ông Jalili cũng đưa ra khuyến cáo rằng, nếu như các nước phương Tây tiếp tục dựa vào sức mạnh của vũ khí hạt nhân và các biện pháp gây sức ép thì họ sẽ không thể thuyết phục được nước Cộng hòa Hồi giáo Iran từ bỏ quyền phát triển hạt nhân.
 
Tuyên bố trên được ông Jalili đưa ra trong bối cảnh phát ngôn viên của Cao ủy phụ trách chính sách đối thoại Liên minh châu Âu (EU), ông Michael Mann tuyên bố: “Chúng tôi đã sẵn sàng đưa ra đề xuất mới trong vòng đối thoại sắp diễn ra với Iran. Đề xuất này được chúng tôi đánh giá là sẽ tạo ra một cơ sở công bằng và bình đẳng để xúc tiến các vòng đối thoại tích cực với Iran…Đề xuất của chúng tôi vừa có thể giải tỏa được những quan ngại của cộng đồng thế giới về bản chất chương trình hạt nhân của Iran, vừa phù hợp trước những ý tưởng của Iran...”. Tuy nhiên, ông Mann không tiết lộ cụ thể về những đề xuất mà nhóm P5+1 sẽ đưa ra khi tham gia đàm phán với Iran.

Vòng đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 tại thủ đô Moscow (Nga) hồi tháng 6/2012.
(Ảnh: PressTV)

Iran và nhóm P5+1 từng tiến hành 3 vòng đàm phán trong năm ngoái với lần cuối kết thúc trong bế tắc hồi tháng 6/2012 tại Nga. Phương Tây nghi ngờ Iran phát triển bom hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân dân sự nhưng Tehran luôn bác bỏ, khẳng định rằng các hoạt động hạt nhân của họ thuần túy vì mục đích hòa bình.
 
Các vòng đàm phán được cho là nhằm giải quyết một quan ngại chính của phương Tây về khả năng làm giàu uranium của Iran ở mức độ tinh khiết 20% - hoạt động có thể sử dụng cho các mục đích hòa bình, song cũng có thể cho việc chế tạo bom hạt nhân.
 
Sự thất bại trong các vòng đàm phán dẫn tới hậu quả Iran hiện đang phải đối mặt với 4 nghị quyết trừng phạt từ phía Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng một số lệnh trừng phạt đơn phương khác từ các nước phương Tây. Trong khi đó, những quyết tâm và động thái mới đây của Iran và nhóm P5+1 vẫn được xem là chưa đủ để dư luận có thể kỳ vọng vào một kết quả mang tính đột phá tại vòng đối thoại lần này khi mà khoảng cách về lòng tin giữa hai bên vẫn còn quá lớn.
 
Thứ trưởng Ryabkov cũng vừa đưa ra dự báo rằng cũng như các vòng đàm phán trước, vòng đàm phán lần này tại Kazakhstan sẽ không đạt được kết quả mới mẻ nào, bất chấp nước chủ nhà cam kết sẽ làm hết sức mình cho thành công của hội nghị. Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Nga cho rằng, nếu các bên chịu lắng nghe nhau thì có thể hy vọng sẽ đạt được một số kết quả nhất định tại vòng đàm phán tới./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...