Nông nghiệp có khả năng tạo đột phá

Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhiều giải pháp được Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong Nghị quyết 01 và 02, lĩnh vực nông nghiệp nước ta đã có định hướng rất rõ tháo gỡ 2 nhóm vấn đề trước mắt và dài hạn.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Ảnh: VGP/Quốc Đạt
TS Đặng Kim Sơn còn là thành viên của Hội đồng Tư vấn an ninh lương thực thế giới thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới  nhiệm kỳ 2012 – 2013.

Đầu tư vào nông nghiệp, lối ra cho nền kinh tế
“Tôi cho rằng, nông nghiệp có vai trò quan trọng với Việt Nam, một quốc gia có nhiều lợi thế sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn đầu đổi mới, nông nghiệp đã là lĩnh vực tạo ra nhiều đột phá”, TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh. Với đóng góp quan trọng từ sự chuyển mình mạnh mẽ và hiệu quả của lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam chuyển đổi ngoạn mục từ khủng hoảng sang phát triển kinh tế - xã hội, giúp ổn định chính trị.

Hiện tại, dù nền kinh tế đã chuyển dịch mạnh sang công nghiệp và dịch vụ nhưng nông nghiệp vẫn là động lực phát triển căn bản, tạo ra sản lượng lương thực, thực phẩm dồi dào để có mức lương thấp của thị trường lao động, hấp dẫn thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, nông nghiệp, với nhiều sản phẩm chiếm lĩnh thị trường thế giới và liên tục duy trì xuất siêu, đã tạo cán cân thương mại tổng thể tốt hơn. Do vậy, trong quá trình CNH – HĐH, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chủ công. “Nông nghiệp có vai trò không lĩnh vực kinh tế nào có được, vừa đóng vai trò động lực đổi mới, vừa chủ công trong phát triển kinh tế vừa phòng vệ xã hội khi gặp khó khăn”.

Thành công về nông nghiệp góp phần tạo dựng vị thế của Việt Nam trên thế giới, được nhiều nước muốn học hỏi kinh nghiệm.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức ở Davos (Thụy Sỹ) vừa qua, giới chuyên gia quốc tế đánh giá cao vai trò của nông nghiệp Việt Nam, coi đây là ngành rất triển vọng, một lợi thế quan trọng để Việt Nam phát triển theo chiều sâu và vững bền.

Đặc biệt là trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu đang đe dọa an ninh lương thực và sự cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch đặt ra vấn đề phát triển nhiên liệu sinh học, nông nghiệp không chỉ là nông sản mà còn là vấn đề xã hội, môi trường.

TS Đặng Kim Sơn cho rằng, các giải pháp của Chính phủ đưa ra nhằm ưu tiên phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là quyết sách vừa giải quyết vấn đề trước mắt vừa có tầm nhìn dài hạn.

Nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực có khả năng tạo ra bước đột phá, mở lối ra cho nền kinh tế hiện nay. “Hiện chúng ta gặp khó khăn về tồn kho nhiều mặt hàng như sắt thép, xi măng…, gây nợ đọng và làm kinh tế đình trệ, do đó, việc khơi dòng chảy này vào những lĩnh vực có thể tạo hiệu quả cao như nông nghiệp, nông thôn là một lựa chọn sáng suốt", ông Sơn nói.

Vào những năm 1970, Hàn Quốc cũng giống Việt Nam hiện nay về ứ đọng hàng hóa công nghiệp. Họ đã tháo gỡ bằng cách phát động phong trào nông thôn mới, tạo đầu ra cho xi măng, sắt thép dư thừa, qua đó khơi dậy tinh thần và nội lực của nông dân và khu vực nông thôn, tạo ra cơ sở vật chất cho nông nghiệp phát triển trong dài hạn.

Theo TS Đặng Kim Sơn, chúng ta đã có chủ trương này nhưng thực hiện rất chậm. Một số tỉnh thành công như Tuyên Quang trong việc nhà nước đưa xi măng để nông dân đóng góp tiền, công sức và đất đai làm đường giao thông nông thôn. “Nếu các địa phương làm được như Tuyên Quang sẽ tạo ra động lực lớn cho cả nền kinh tế, xã hội”, TS Đặng Kim Sơn nói.

Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn giúp khơi thông dòng chảy tín dụng đang nghẽn tắc bởi những khó khăn trong các lĩnh vực kinh tế khác. TS Đặng Kim Sơn chỉ ra: “Chúng ta phát động chương trình nông thôn mới mạnh mẽ nhưng hầu như nhiều địa phương vẫn trông đợi vào ngân sách nhà nước, trong khi một lượng tiền khổng lồ trong ngân hàng không được huy động mà nông dân rất có nhu cầu vay vốn để cải thiện đời sống, phát triển kinh tế”.

Chính phủ đã có chủ trương ưu tiên vay vốn đối với một số ngành quan trọng như chăn nuôi, thủy sản, mua máy móc nông nghiệp… nhưng triển khai vướng và không hiệu quả. Ví dụ mua máy móc nông nghiệp, mục đích là để mua máy chứ không phải hỗ trợ phát triển cơ khí trong nước, nên khi “chồng” hai mục tiêu chính sách  bằng cách yêu cầu máy móc phải “nội địa hóa” là không đạt kết quả.

Hay như đối với thủy sản, lúc khó khăn nông dân cần vốn để cứu ao cá, ao tôm nhưng lại vướng các thủ tục thế chấp nên không tiếp cận được nguồn vốn. 

Do đó, TS Đặng Kim Sơn cho rằng, Chính phủ đã có định hướng đúng thì cần có giải pháp quyết liệt để hướng dòng tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là cho những ngành có tiềm năng, lợi thế. Nếu làm được như vậy, ngân hàng không tồn đọng vốn và nông dân không thiếu vốn như hiện nay.

TS Đặng Kim Sơn đưa ra ví dụ ở An Giang về việc cụ thể hóa chính sách tín dụng cho nông dân để phát triển hệ thống trạm bơm điện nên trong 3 năm qua, bằng tín dụng ưu đãi đã xây dựng được 1.000 trạm bơm đi kèm đường truyền tải điện.

Vấn đề nữa là chuyển đổi đất của các dự án bỏ hoang để phát triển sản xuất nông nghiệp hoặc công nghiệp chế biến nông sản, vốn cần rất nhiều mặt bằng. TS Đặng Kim Sơn cho rằng phải có cơ chế thuận lợi để chuyển đổi. Do vậy, chúng ta cần rà soát lại các dự án sử dụng đất không hiệu quả, nhưng cần có chính sách cụ thể (đo đạc, cấp lại đất, quy hoạch…) để nhanh chóng đưa các nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp hoặc công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp.

Theo ông Đặng Kim Sơn, nếu làm được như trên thì những mảng chính sách trên được Chính phủ đưa ra sẽ tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Từ “con trâu, cái cày” đến “nền nông nghiệp chất xám”

Ngoài việc có giải pháp xử lý các vấn đề mới phát sinh, Chính phủ đã có chính sách cho những vấn đề dài hạn của lĩnh vực nông nghiệp, đó là nội dung tái cơ cấu ngành.

Thành công to lớn, tăng trưởng liên tục nhưng nông nghiệp vẫn phát triển theo chiều rộng, dựa vào tài nguyên (đất, nước), lao động, vật tư, phân bón để sản xuất số lượng lớn hàng hóa, trong khi giá trị gia tăng chưa cao và ẩn chứa nhiều rủi ro. Nông sản Việt Nam cạnh tranh được là nhờ giá rẻ nhưng theo cách này chỉ chấp nhận trong giai đoạn trước đây còn giờ đã đi đến giới hạn, điều này thấy rõ ở ngành thủy sản, cà phê… Mô hình tạo thu nhập thấp này không thể tiếp tục do đó cần phải quyết liệt tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Vì vậy, đã đến lúc tự thân ngành nông nghiệp không thể tiến lên nếu thiếu sự hỗ trợ của toàn nền kinh tế, cũng sẽ không hiệu quả nếu chỉ phát triển kinh tế, nông nghiệp phải đi kèm phát triển nông thôn, kinh tế phải đi cùng xã hội và môi trường.

TS Đặng Kim Sơn nhận định đúng vào lúc chúng ta cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì thế giới lâm vào suy giảm kinh tế, gây thêm khó khăn cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, Chính phủ đã có nhiều nhóm chính sách và giải pháp nhấn mạnh vào hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thứ nhất là chuyển sản xuất nông nghiệp mở rộng tràn lan sang tập trung vào những ngành hàng, các địa phương có hiệu quả cao, có lợi thế so sánh để tạo mũi nhọn đột phá trong các mặt hàng chiến lược như lúa gạo, hạt tiêu, điều, thủy sản, các sản phẩm đặc sản địa phương…

Phát triển các mặt hàng có thế mạnh để tập trung đầu tư thành những ngành hàng chiến lược. Điểm đáng chú ý là không chỉ đầu tư cho sản xuất mà cho cả chuỗi giá trị mặt hàng, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Qua đó gắn kết người sản xuất, người chế biến, người kinh doanh để đẩy chuỗi giá trị lên nấc cao hơn, sản phẩm chất lượng cao hơn, an toàn vệ sinh hơn, vận chuyển nhanh, bảo quản tốt và như vậy lợi nhuận, rủi ro được phân bổ toàn chuỗi, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và thế giới.

Thứ hai là tập trung đầu tư vào khâu then chốt còn bỏ ngỏ như kho tàng, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát giá cả, xúc tiến thương mại để hàng hóa Việt Nam nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện tại, nông sản Việt Nam đã đi vào chuỗi cung toàn cầu nhưng chỉ ở vai trò nguyên liệu, không tên, không thương hiệu, do đó phải vươn lên vị trí quan trọng hơn. Các chuỗi phân phối thế giới sẵn sàng cho nông sản Việt Nam tham gia với điều kiện về chất lượng sản phẩm, điều kiện cung ứng…

Thứ ba, tập trung thu hút đầu tư vào nông thôn, đưa doanh nghiệp vào bắt tay với nông dân như những mô hình cánh đồng mẫu lớn, với vai trò hỗ trợ quan trọng của nhà nước. Muốn gia nhập chuỗi toàn cầu, nông nghiệp Việt Nam phải gắn được với các tập đoàn xuyên quốc gia, nhưng đầu tiên phải đưa doanh nghiệp trong nước vào trước.

Thứ tư là cải cách thể chế để tạo đột phá, nông dân nhỏ gắn với nhau trong các HTX, có chính sách hỗ trợ mạnh để nông dân thuận lợi liên kết trong HTX mới. Đây là khâu đột phá quan trọng để nối kết nông dân với doanh nghiệp, để xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng mang tính bao trùm quyết định tới sự thành công của chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn là phát triển con người. Đã đến lúc phát triển nông nghiệp chúng ta không thể chỉ dựa vào tài nguyên tự nhiên, vậy phải dựa vào cái gì? Chỉ có phát triển nhân lực, đào tạo nghề, phát triển văn hóa, y tế để nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đẩy mạnh khoa học công nghệ để tạo năng suất mới thay đổi được động lực căn bản để tái cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển đổi nông nghiệp từ con trâu đi trước cái cày đi sau sang nông nghiệp chất xám, trí tuệ mà năng lực quản lý, khoa học công nghệ là quyết định.

Chừng nào thay đổi được cách sống, cách làm việc, năng suất làm việc của người nông dân mới có được nền nông nghiệp sản xuất lớn, chất lượng, hiệu quả. Hình thành được sản xuất nông nghiệp lớn mới có thể CNH –HĐH đất nước. Trong tương lai, chúng ta có trở thành nước CNH thì vẫn còn một bộ phận lớn nông dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp với một nền sản xuất hàng hóa lớn.

TS Đặng Kim Sơn cho rằng, Chính phủ đề cập 2 nhóm giải pháp cho phát triển nông nghiệp, nông thôn thật sự là bước khởi đầu thuận lợi, vì vậy, các bước tiếp theo rất cần sự kiên quyết tạo động lực mạnh, chủ động của nông dân thì tình hình sẽ thay đổi và việc triển khai vận dụng chính sách tốt bên dưới là điều kiện quyết định.
(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Tỉnh Đắk Nông Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập và Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh

Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004-1/1/2024) có ý nghĩa chính trị sâu sắc, là sự kiện quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Nông. Đây là chương trình trọng tâm chào mừng 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông.

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang

Ngày 24/3/2024, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”

Khi đề cập đến những nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới, trong phần thứ ba của bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Ðảng và...

Kinh tế chuyển biến tích cực hơn

Hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, tạo động lực mới, khí thế mới và đà phát triển thời gian tới. Tuy nhiên để thúc đẩy tăng trưởng, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, sản xuất...

Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch

Nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta kiên quyết đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có hành vi lan truyền, tiếp tay, cổ súy những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Đồng thời, những biểu hiện thờ ơ, vô cảm, né tránh không dám đấu tranh với các quan...

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy

Sau vụ cháy tòa nhà cao tầng trên phố Ô Chợ Dừa, Hà Nội vào sáng 12/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Công điện số 21/CĐ-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy gửi Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.