Tuổi trẻ các dân tộc với việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam

Ngày 19/4, tại Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo "Tuổi trẻ các dân tộc với việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam".

Thanh niên dân tộc thiểu số phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn; Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Phan Văn Mãi chủ trì Hội thảo, cùng sự tham gia của 80 thanh niên đại diện cho 45 dân tộc thiểu số về dự các hoạt động chào mừng ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 và Năm Gia đình Việt Nam 2013.

Có mặt tại Hội thảo, nhà nghiên cứu văn hóa, GS Đặng Hải Thanh đặt vấn đề, đối với tất cả các dân tộc, gia đình đều rất quan trọng, không riêng gì người Việt Nam. Giáo dục một con người diễn ra trong gia đình là chính nhưng gia đình lại đang có xu hướng tan rã.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng khẳng định, nói về gia đình là nhận được sự quan tâm của tất cả các vùng miền, các dân tộc. Văn hóa dân gian, tín ngưỡng truyền thống, hủ tục lạc hậu là những vấn đề đang đặt ra với các gia đình dân tộc thiểu số. Làm thế nào để phát huy vai trò của tuổi trẻ các dân tộc để gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp và bài trừ những hủ tục lạc hậu chứ yêu cầu các em phải thế này, thế kia thì không được.

GS Tô Ngọc Thanh cho rằng có những điều trong văn hóa miền xuôi không bằng miền ngược khi mà có dân tộc không có chuyện đánh con thì người miền xuôi lại cho rằng “thương cho roi cho vọt”.

Trước ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, việc lạm dụng rượu bia dẫn đến bạo lực gia đình khiến phụ nữ, trẻ em phải chịu hậu quả, Đỗ Thị Hương, dân tộc Phù Lá, Hà Giang bày tỏ, cô cũng như nhiều người bạn mong muốn có được hiểu biết về pháp luật đặc biệt là về Luật Hôn nhân gia đình, phòng chống nạn bạo lực gia đình chứ tuyên truyền không thôi như hiện nay là không đủ.

Đồng quan điểm với GS Tô Ngọc Thanh, có những giá trị văn hóa dân tộc trước đây là tốt đẹp nhưng nay đã không còn phù hợp nữa, Hương cũng đặt vấn đề mà cô hay được chứng kiến là nhiều người chồng dân tộc Mông đi chợ vùng cao uống rượu với bạn bè say khướt phải để vợ dắt về thì đó là phong tục cần gìn giữ hay cần phải vận động xóa bỏ?

Với sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam Nông Thế Việt, anh vui mừng cho biết dân tộc Tày (Cao Bằng) nơi anh sinh sống, 3-4 thế hệ vẫn sống chung dưới một mái nhà, những giá trị văn hóa truyền thống vẫn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, Việt cảm thấy lo ngại khi lớp trẻ giờ hay sa đà vào game, internet nên mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng trở nên lỏng lẻo.

Cùng bàn về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, cô gái  Lục Thị Miên (dân tộc Lô Lô), đến từ Mèo Vạc, Hà Giang cũng thể hiện sự lo lắng trước tình trạng nhiều thanh niên địa phương sang Trung Quốc làm ăn khiến gia đình thiếu vắng, con trẻ phải nhờ cậy vào ông bà chăm lo, dạy dỗ.


Quang cảnh Hội thảo

Một đại biểu thanh niên người Chăm chứng kiến mỗi lần có ai chết phải mổ trâu rất tốn kém nên đã kiến nghị với các nhà quản lý văn hóa có mặt tại Hội thảo có sự can thiệp để đám ma tổ chức làm yên lòng người đã mất nhưng cũng không làm cho người sống phải khốn đốn vì lo hậu sự.

Đại diện cho thanh niên các dân tộc, Rô Ly Thuyền (dân tộc Ba Na) bày tỏ nguyện vọng tiếp tục được học tập, mong muốn nhà nước có các chính sách hỗ trợ cho con em người dân tộc được đến trường bởi quan điểm của cha mẹ nhiều bạn hiện nay là “không cần học gì nhiều, học lắm cũng chỉ về làm nông mà thôi”.

Trước nhiều nét văn hóa đang bị mai một, chị Mạc Thị Tím, dân tộc Ơ đu là một bí thư chi bộ cho biết đang rất nỗ lực để vận động những người có tuổi nói tiếng nói của dân tộc mình và truyền dạy cho con cháu.

Đau đáu khi bản thân mình cũng không biết tiếng mẹ đẻ La Ha, Lò Thị Phương (Sơn La) kiến nghị cần có chính sách để dân tộc La Ha cũng như nhiều dân tộc khác lưu giữ được ngôn ngữ riêng của mình.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho rằng, trách nhiệm phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là từ nhiều phía. Một mặt là các cơ quan nhà nước, các chuyên gia… mặt khác là ở ngay chính các thanh niên dân tộc thiểu số. “Mỗi thanh niên các dân tộc thiểu số ở đây đều là những người tiêu biểu, khi trở về địa phương hãy lắng nghe cộng đồng, trăn trở với những vấn đề của đồng bào dân tộc mình để tiếp tục góp ý kiến phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam”, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Dịp này, thanh niên các dân tộc thiểu số đã hiến tặng các hiện vật đặc trưng của dân tộc mình cho Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Bảo tàng lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử

Bảo tàng lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Khu vực tham quan của bảo tàng bao gồm tầng trệt và tầng nổi; tầng nổi là Nhà trưng bày, đang trưng bày gần 1.000 hiện vật và hình ảnh cùng với những cảnh quan, cảnh tượng...

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong dịp Lễ 30/4, 01/5 và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng, duy trì hoạt động ổn định các hệ thống thông tin trong thời gian diễn ra những ngày lễ lớn như Kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Ngày Quốc tế lao động 01/5 và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các...

Sự kiện “Tuần Văn hoá – Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Từ ngày 27/4 - 3/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024.

Phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1005/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu: Quân và dân Khu Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Tây Bắc là địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng an ninh. Nhân dân Tây Bắc có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường. Khu Tây Bắc được thành lập ngày 17/7/1952, gồm bốn tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, với diện tích 44.300 km2, dân số 440 nghìn người.

Thủ tướng dự gặp mặt, tri ân những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sáng 17/4, tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.