Năm 2016, Việt Nam thuộc nhóm các nước đạt thành tích cao nhất về tốc độ tăng trưởng trên toàn cầu

Năm 2016, Việt Nam thuộc nhóm các nước có thành tích cao nhất về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đã bước vào năm 2017 với một nền tảng vững mạnh. Đây là nội dung được Trưởng Đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Jonathan Dunn khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trưởng Đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Jonathan Dunn 

Phóng viên: Là người đứng đầu một tổ chức tài chính quốc tế tại Việt Nam, ông có thể đưa ra đánh giá về hiện trạng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016 và triển vọng trong năm 2017?

Ông Jonathan Dunn: Nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển tốt trong năm 2016 với tăng trưởng thực ước đạt 6,2 % cho dù  phải đối mặt với những cú sốc trong nước về nông nghiệp và cầu bên ngoài tương đối yếu ở một số thị trường xuất khẩu quan trọng. Đây là một trong những thành tích cao nhất về tốc độ tăng trưởng trên toàn cầu. Những nỗ lực mạnh mẽ của chính phủ  đã bảo đảm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát cơ bản vẫn dưới 2 % và lạm phát tổng thể dưới 5 % ngay cả khi giá dịch vụ giáo dục và y tế do nhà nước quản lý đã tăng đáng kể.

Việt Nam bước vào năm 2017 với nền tảng vững mạnh. Các chỉ số gần đây, chẳng hạn Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng tốt và vốn cam kết FDI lớn sẽ hỗ trợ mạnh cho đầu tư và tăng trưởng trong tương lai. Cam kết mạnh mẽ của chính phủ nhằm hội nhập sâu hơn với nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ góp phần hỗ trợ triển vọng tăng trưởng.
 

Phóng viên: Dự báo trong năm 2017, nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục thay đổi do tác động của quá trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) điều chỉnh sản lượng dầu và triển vọng của việc thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ông, những thay đổi này có ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam không, và nếu có thì ở phạm vi nào?
 

Ông Jonathan Dunn: Nền kinh tế của Việt Nam giờ đây đã kết nối chặt với hệ thống toàn cầu với tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tương đương với hơn 170 % GDP. Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 1 năm 2017 của IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu tăng lên 3,4 % vào năm 2017 từ mức 3,1 % trong năm 2016. Điều quan trọng đối với Việt Nam là mức tăng trưởng đó hiện nay có thể ​​sẽ được hỗ trợ nhiều hơn bởi các nền kinh tế tiên tiến, bao gồm triển vọng tăng trưởng có phần sáng sủa hơn ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Nếu tăng trưởng cao hơn của các nền kinh tế tiên tiến do nhu cầu tiêu dùng trong nước mang lại thì điều này có thể sẽ có lợi cho các nước xuất khẩu như Việt Nam, ngay cả với chi phí đầu vào có thể tăng do giá dầu trung bình cao hơn một chút.

Những nguy cơ trong tiến trình phê chuẩn TPP có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai, mặc dù điều này sẽ phụ thuộc việc các công ty Việt Nam sẽ thích ứng như thế nào với môi trường toàn cầu luôn thay đổi đó. Khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam đối với những diễn biến mất ổn định trên toàn cầu cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, linh hoạt chính sách hơn và việc theo đuổi nhanh các cuộc cải cách cơ cấu sâu rộng.

 

Phóng viên: Ông có thể cho biết năm tới IMF sẽ tiếp tục đóng góp gì để thúc đẩy quan hệ với Việt Nam cũng như đưa ra những tư vấn và đề xuất gì với Chính phủ Việt Nam về các chính sách điều hành kinh tế?
 

Ông Jonathan Dunn: IMF sẽ duy trì mối quan hệ  hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để giúp hỗ trợ cải cách và phát triển kinh tế. Chúng tôi có những đối thoại bằng tinh thần  xây dựng và thường xuyên với chính phủ ở tất cả các cấp trong lĩnh vực chính sách quan trọng của diễn biến kinh tế vĩ mô. Để bổ trợ cho đối thoại chính sách này, IMF đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan khác của chính phủ để giúp tiếp tục xây dựng năng lực vốn đã mạnh của các bộ ngành này về quản lý các chính sách kinh tế ở Việt Nam và cải thiện dữ liệu hoạch định chính sách.
 

Về chính sách kinh tế vĩ mô cụ thể, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị Việt Nam củng cố tài khóa dần dần và theo hướng hỗ trợ  tăng trưởng để kiềm chế nợ công, trong khi vẫn bảo đảm chi an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng quan trọng. Chúng tôi cũng ủng hộ phát triển một khuôn khổ chính sách tiền tệ mạnh hơn và tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn để hỗ trợ dự trữ quốc tế, giúp bảo vệ tính cạnh tranh và tăng cường khả năng của Việt Nam trong việc giảm ảnh hưởng của những cú sốc từ bên ngoài.
 

Cuối cùng, chúng tôi ủng hộ các kế hoạch của chính phủ trong việc cải cách sâu rộng hơn các doanh nghiệp nhà nước, khu vực tài chính và đầu tư công. Điều này sẽ bảo đảm phân bổ một cách hiệu quả nhất nguồn tiết kiệm và đầu tư công, để có thể giúp tăng số việc làm như kỳ vọng của người dân Việt Nam. Tiến bộ trong cả ba lĩnh vực này sẽ giúp tạo ra các không gian chính sách mà Việt Nam cần để có thể đáp ứng một cách hiệu quả nhất với những cú sốc kinh tế và nguy cơ mất ổn định trên toàn cầu.
 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông ./.

Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.