Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh mẽ vốn FDI

Việt Nam coi thành công của doanh nghiệp FDI là thành công của Chính phủ Việt Nam và muốn doanh nghiệp FDI coi thành công của doanh nghiệp (DN) trong nước cũng là thành công của chính mình.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017.

Sáng 16/6 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đồng tổ chức.

Chủ đề của Diễn đàn giữa kỳ năm nay là tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới. Tham dự Diễn đàn còn có lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp của các quốc gia, khu vực trên thế giới, Đại sứ quán của nhiều quốc gia tại Việt Nam.

Với ba phiên làm việc, các diễn giả đã bàn luận về các vấn đề thu hút đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực đầu tư-thương mại, ngân hàng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô-xe máy, điện và năng lượng… trước những thách thức của các chính sách toàn cầu và nâng cao năng lực thực thi pháp luật. Tiếp đó, lãnh đạo và đại diện của các Bộ, ngành đã trực tiếp giải đáp các băn khoăn, kiến nghị của các diễn giả, hiệp hội DN của các quốc gia.

Hành động để kết nối

Thay mặt Chính phủ Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn giữa kỳ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ, Diễn đàn được tổ chức trong thời điểm đặc biệt khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ban hành các Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách khối DN Nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân như là một động lực của nền kinh tế.

Về phía Nhà nước, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao tới Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, sắp tới là Nga và các nước châu Âu tạo ra nhiều thuận lợi trong gia tăng hợp tác thương mại, đầu tư với các đối tác trên thế giới. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng như nhiều địa phương đã tổ chức thành công các hội nghị với DN, thu hút sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng DN.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ tiếc nuối khi Diễn đàn chưa đề cập sâu sắc tới việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và tăng cường liên kết giữa DN FDI với DN trong nước mặc dù nội dung này là chủ đề của Diễn đàn giữa kỳ này.

“Hiện đang có sự “lệch pha” giữa DN FDI (hoạt động hiệu quả, tăng trưởng tốt-PV) và kinh tế trong nước (tăng trưởng chậm-PV) và quan điểm của Chính phủ là tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa DN FDI, kết nối sản xuất, đầu tư với DN trong nước để cho cả hai khối có sự phát triển đồng đều, đủ năng lực tham gia vào các chuỗi sản xuất có giá trị của thế giới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ.

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam khẳng định lập trường, quan điểm của Việt Nam coi DN FDI là bộ phận hữu cơ quan trọng của nền kinh tế, thành công của DN FDI là thành công của Chính phủ Việt Nam và muốn DN FDI coi thành công của DN trong nước cũng là thành công của chính mình.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI nhưng sẽ có chọn lọc, ưu tiên cho các DN nước ngoài có lĩnh vực hoạt động phù hợp với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết, quản trị tốt, sẵn sàng kết nối với DN Việt nam.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội các nhà đầu tư Đài Loan sẽ cùng nhóm họp để tăng cường tính kết nối giữa hai bên và mong muốn các hiệp hội DN khác cũng sẽ bàn thảo cụ thể với phía Việt Nam về chủ đề này .

Việt Nam coi trọng tạo thuận lợi thương mại

Ảnh: VGP/Thành Chung

Trao đổi thêm với các đại biểu về chủ trương hội nhập với quốc tế của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam. Việt Nam đã và đang ký nhiều hiệp định tự do thương mại thế hệ mới với các tiêu chuẩn rất cao. Đi liền đó, Việt Nam cũng nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế trong nước, tăng cường cạnh tranh quốc gia, năng lực, sản phẩm để hội nhập kinh tế quốc tế, cho dù có hay không có hiệp định tự do thương mại như TPP.

Để tạo thuận lợi cho DN gồm cả DNNN, DN tư nhân, FDI, hộ kinh doanh thì Chính phủ Việt Nam đang đi theo cách xây dựng, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho tất cả các loại hình DN này. Chính phủ đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP và tới đây sẽ sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Về tạo thuận lợi thương mại, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ vừa kiện toàn Uỷ ban Tạo thuận lợi thương mại quốc gia, đặt mục tiêu tới năm 2018 sẽ đưa 80% thủ tục hành chính thực hiện trên Cổng thông tin Một cửa Quốc gia, Một cửa Asean. Lãnh đạo Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, sửa đổi 73 thủ tục hải quan chuyên ngành để tạo thuận lợi cho các DN trong nước, nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Chính phủ cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện, phát triển mạnh mẽ các loại thị trường (hàng hóa-dịch vụ, vốn, khoa học-công nghệ, bất động sản, lao động), được coi là điều kiện cần và đủ cho các DN phát triển; đồng thời đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế gắn đổi mới mô hình tăng trưởng, coi trọng chất lượng tăng trưởng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, các Bộ, ngành và VCCI tổng hợp ý kiến, kiến nghị để báo cáo Chính phủ, hoàn thiện hệ thống pháp luật minh bạch, công khai, có tính ổn định, giảm thiểu rủi ro pháp lý, tạo thuận lợi các nhà đầu tư trong, ngoài nước; thực hiện đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo hành động, phục vụ người dân và DN.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2016 đã nhận được 127 ý kiến, kiến nghị của cộng đồng DN gửi tới cơ quan nhà nước. Sau đó, các hiệp hội DN nhận được 88 phản hồi của các Bộ, ngành bằng đường văn bản và đánh giá hơn 55% số phản hồi này là tốt./.

Theo Thành Chung/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...

Phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024

Nhằm lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024.