Đưa quan hệ Việt-Nga phát triển bền vững, hiệu quả

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi LB Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, ngày 28/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta bắt đầu thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 28/6 đến ngày 1/7.

Đây là chuyến thăm chính thức Liên bang Nga đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII. Chuyến thăm nhằm góp phần tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, củng cố và tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, tạo động lực thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.         

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp Tổng thống Nga V.Putin bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 5/2017.

Ngày 30/1/1950, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên đã công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày ấy đã đi vào lịch sử quan hệ song phương Việt-Nga như một dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc và quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai quốc gia. Quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga ngày nay đã kế thừa quan hệ Việt-Xô với tài sản quý báu là những thành quả to lớn của tình hữu nghị và hợp tác truyền thống khởi nguồn từ những năm trước.

Với mong muốn phát huy truyền thống hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, lãnh đạo hai nước đã quyết định nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược và sau này là Đối tác Chiến lược toàn diện, tạo sự tin cậy chính trị thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Trên cơ sở đó, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga không ngừng được củng cố, có độ tin cậy cao, trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam ngày 12/11/2013 của Tổng thống Nga Putin (cũng là chuyến thăm thứ ba của ông trên cương vị Tổng thống) và chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11/2014 và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2016 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, tạo xung lực mới thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng phát triển năng động.

Cùng với chính trị, ngoại giao, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước có bước phát triển năng động. Kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục tăng, bất chấp khó khăn của kinh tế khu vực và thế giới. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 2,2 tỷ USD, đến năm 2016 đạt 2,7 tỷ USD; 5 tháng đầu năm nay đạt gần 1,4 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại…

Đặc biệt, một số vướng mắc trong hợp tác thương mại như vấn đề kiểm soát chất lượng nông, thủy, hải sản xuất khẩu của Việt Nam, vấn đề thanh toán xuất nhập khẩu đã và đang dần được tháo gỡ. Cùng với đó, Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á -Âu đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do vào ngày 29/5/2015. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 05/10/2016 sẽ tạo điều kiện nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Về lĩnh vực đầu tư, hiện Nga đứng thứ 23/116 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 118 dự án và tổng số vốn đăng ký 1,1 tỷ USD. Đầu tư của Nga tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, ngân hàng... Đầu tư của Việt Nam sang Nga trong vài năm trở lại đây tăng nhanh, từ chỗ chỉ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008, hiện Việt Nam có 18 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại, nông nghiệp…

Hợp tác trong lĩnh vực dầu khí không ngừng phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế mỗi nước. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Đồng thời hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam.

Hợp tác trong các lĩnh vực khác như giáo dục-đào tạo, khoa học - kỹ thuật, công nghệ, văn hóa và du lịch phát triển rất tích cực. Mỗi năm, Liên bang Nga dành cho Việt Nam gần 900 suất học bổng.  Lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam tăng liên tục qua từng năm  đạt hơn 430.000 lượt khách trong năm 2016; Riêng quý I, năm 2017 Việt Nam đã đón 150.000 lượt du khách Nga, trong khi hợp tác văn hóa không ngừng được tăng cường với nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa hai nước được tổ chức thường xuyên. Hai bên tổ chức thường niên và luân phiên Những Ngày Văn hóa tại Việt Nam và Nga, góp phần tăng cường hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Có thể khẳng định quan hệ Việt-Nga được xây dựng và phát triển trên nền tảng của tình hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc và đã được kiểm chứng qua những biến động của lịch sử. 

Tiếp tục củng cố và không ngừng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, phát huy truyền thống tương trợ và luôn ủng hộ lẫn nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào chính là nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta lần này, một lần nữa khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn không ngừng quan hệ song phương với Liên bang Nga, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi Liên bang Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, là đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy.
 

Theo vov.vn

Tin Liên Quan

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...

Phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024

Nhằm lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024.