Lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao ở Bản Hồ (Sa Pa)

Lễ cấp sắc và cúng Bàn Vương - nghi lễ không thể thiếu trong vòng đời mỗi người dân tộc Dao. Nghi lễ này hiện là một nét bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo ở vùng cao Bản Hồ (Sa Pa).

Theo quan niệm của người Dao, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì không coi là người trưởng thành. Người đã qua cấp sắc sẽ được tham gia vào các công việc hệ trọng của thôn, bản, được giúp việc cho thầy cúng, nếu biết chữ Nôm Dao, biết cúng thì được cúng bái. Người Dao còn cho rằng, có trải qua lễ cấp sắc mới biết lẽ phải, trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở xã Bản Hồ (Sa Pa), có nhiều cấp bậc. Mỗi cấp bậc phản ánh một trình độ khác nhau của các trò được cấp sắc, cấp sắc 3 đèn là thầy nhỏ nhất, cấp sắc 7 đèn làm thầy vừa phải, cấp sắc 12 đèn là cấp sắc cao nhất trong cấp độ làm thầy. Trong quá trình cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ, các thầy chính (có 3 thầy) sẽ cấp giao thêm quân âm binh cho các trò nam từ 120 quân âm binh, lên thành 180 quân âm binh, để các trò sau này đi đâu, làm gì không phải sợ vì có quyền điều hành binh mã.

Tuy nhiên, giữa các dòng họ người Dao đỏ xã Bản Hồ cũng có những tập quán, những quy định riêng, vì thế không phải tất cả các họ người Dao đỏ ở đây cũng phải cấp sắc 12 đèn như họ Phàn (tức là họ Bàn - họ tổ của người Dao).

Để tổ chức cấp sắc 12 đèn, gia chủ phải tìm chọn thầy rất kỹ. Người hành lễ phải đủ 13 thầy, là thầy cúng cao tay, gia đình có đức đạo, con cái đề huề, các thầy am hiểu tường thông gốc rễ của lễ cấp sắc, biết tổ chức các bước trong buổi lễ. Ngày tháng cấp sắc phải được tìm chọn cẩn thận, làm sao cho ngày đó không phải là ngày đại kỵ hay kiêng của các họ cùng được cấp sắc lần này. Thời gian tiến hành lễ cấp sắc kéo dài 7 ngày. Một tuần trước khi làm lễ, người được cấp sắc phải ăn đồ ăn không có mỡ, phải kiêng sát sinh và không được quan hệ nam nữ, tránh gây xô xát với người khác. Gia chủ còn phải mời một người đầu bếp có kinh nghiệm nấu ăn để lựa chọn từng loại thức ăn riêng cho người thụ lễ, thầy cúng, khách và một người đầu chiếu biết cách sắp xếp vị trí ngồi hành lễ. Thầy cấp sắc 12 đèn là thầy đã trải qua quá trình thụ lễ 12 đèn, khi đó mới đủ trình độ để cấp sắc cho các trò. Người được cấp sắc phải trải qua một quá trình tự học, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, họ phải học thông thạo các nghi lễ kiêng kỵ, các nghi thức, thủ tục hành lễ cũng như các bài cúng ghi trong sách Nôm Dao.

Sau phần lễ là phần hội, nhiều điệu múa cổ truyền dân gian được trình diễn với sự tham gia của đông đủ người dân trong bản, thể hiện sự tự do hòa nhịp với các nhạc cụ thanh la, não bạt, trống, chuông lắc... với nhiều chủ đề khác nhau về lịch sử, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, diễn tả về việc làm nương, tra hạt, làm nhà... Kết thúc lễ cấp sắc, thầy sẽ làm lễ tạ ơn tổ tiên, sư phụ đã ủng hộ các thầy làm lễ cấp sắc đạt kết quả tốt, đồng thời lấy bánh trong buổi lễ cấp sắc cho mọi người cùng ăn, thưởng thức, chia vui với người được cấp sắc. Từ đây, chàng trai thụ lễ cấp sắc 12 đèn đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh.

Lễ cấp sắc của người Dao đậm giá trị nhân văn, được thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ, tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu. Chính vì thế, nghi lễ linh thiêng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc này cần phải được gìn giữ và phát huy./.

Thanh Huệ (Báo LCĐT)

Tin Liên Quan

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.

Nét đẹp văn hóa của chợ tình Sa Pa

Không chỉ có tiềm năng từ thiên nhiên ban tặng, Sa Pa còn giàu về văn hóa, lối sống, phong tục và con người. Điển hình trong đó không thể không nhắc đến chợ tình Sa Pa.