Quan hệ đặc biệt Việt-Lào thể hiện ước vọng thiết tha của nhân dân hai nước

Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào thể hiện những ước vọng thiết tha của nhân dân hai nước là đoàn kết, giúp nhau chống kẻ thù chung, xây dựng quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi.
 
Sáng nay, 18/7, tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tácViệt Nam-Lào.
 
Tham dự Lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương...
 
Về phía Lào có, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào Phankham Viphavanh,...
 
Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, gửi tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em những tình cảm thân thiết và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
 
Tổng Bí thư nêu rõ, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải, cùng uống chung dòng nước Mekong, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ.
 
Nhân dân hai nước vốn có mối quan hệ truyền thống thủy chung gắn bó lâu đời, đặc biệt từ khi có sự ra đời và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, mối quan hệ đó ngày càng mở rộng, phát triển và được nâng lên tầm cao mới.
 
Với phương châm đầy tính nhân văn và ý nghĩa chính trị sâu sắc, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn “giúp bạn là tự cứu mình”, hai dân tộc luôn kề vai sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, chia ngọt, sẻ bùi, xây đắp nên mối tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, trở thành tài sản vô giá, nguồn lực quý báu và là nhân tố cực kỳ quan trọng bảo đảm sự thành công của cách mạng mỗi nước.
 
Cách đây 55 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt, nhưng với những thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao của cách mạng Lào, Hiệp định Geneve năm 1962 về Lào đã được ký kết, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho cách mạng Lào và Việt Nam.
 
Với thời cơ và thuận lợi đó, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/9/1962, là sự kiện lịch sử trọng đại, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.
 
Sau khi hai nước được giải phóng hoàn toàn vào năm 1975, để đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu, hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác ngày 18/7/1977, trong đó nhấn mạnh mối quan hệ đặc biệt, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị không gì lay chuyển được giữa nhân dân Việt Nam và Lào, tình đồng chí vĩ đại giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được tôi luyện trong mấy chục năm đồng cam cộng khổ cùng chiến đấu, cùng chiến thắng kẻ thù xâm lược, cùng hợp tác và giúp đỡ nhau xây dựng đất nước là truyền thống quý báu, sức mạnh vô địch của hai dân tộc, hai Đảng.
 
Hiệp ước đó đã trở thành cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để không ngừng củng cố, phát triển quan hệ giữa hai nước, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
 
Nhìn lại chặng đường lịch sử 55 qua, chúng ta có thể tự hào về quá trình hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai dân tộc, bởi lẽ đó là mối quan hệ phát triển bền vững, từ quan hệ truyền thống thân thiết trở thành quan hệ đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng, cùng với Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanuvong và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp.
 
Đó là mối quan hệ thể hiện những “ước vọng tha thiết” của nhân dân hai nước là đoàn kết, giúp nhau chống kẻ thù chung, xây dựng quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi. Đó là mối quan hệ hợp tác toàn diện, bền vững, mang tính xuyên suốt trong các giai đoạn lịch sử.
 
Tổng Bí thư khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc rằng mỗi thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như thành tựu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước của Việt Nam đều gắn liền với đoàn kết, sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.
 
Trong trái tim của mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau mãi mãi khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việt-Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
 
Tổng Bí thư cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, hai nước đứng trước nhiều vận hội phát triển, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
 
Những bài học của mối quan hệ mẫu mực, những tư tưởng chỉ đạo và nội dung hợp tác nêu trong Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình phát triển của mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
 
Để tăng cường hợp tác toàn diện, đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào lên tầm cao mới, hai bên cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách và tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những thỏa thuận và những mục tiêu chiến lược đã đặt ra “với tầm nhìn rộng hơn, toàn diện và lâu dài hơn”.
 
Hải Minha
Theo Hải Minh/baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...

Phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024

Nhằm lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024.