Nobel Hóa học 2017 mở ra thời đại mới cho ngành hóa sinh

Giải Nobel Hóa học năm 2017 đã gọi tên 3 nhà khoa học có công “mở ra thời đại mới cho ngành hóa sinh”.

Hội đồng giải thưởng Nobel vừa công bố giải Nobel Hóa học năm 2017 vào chiều 4/10 (theo giờ Hà Nội).

Vinh dự thuộc về 3 nhà khoa học Jacques Dubochet người Thụy Sĩ, Joachim Frank người Mỹ và Richard Henderson người Anh nhờ phát triển kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh (cryo-electron microscopy) để xác định cấu trúc phân tử có độ phân giải cao trong dung dịch.

Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ca ngợi công trình trên "mở ra thời đại mới cho ngành hóa sinh".

Theo tuyên bố của viện trên, việc phát triển kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh giúp đơn giản hóa việc quan sát đồng thời tăng độ nét hình ảnh các sinh vật ở cấp độ phân tử, nhờ đó các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng quan sát cấu trúc không gian 3 chiều của các phân tử sinh học.

Với công trình này, các nhà khoa học có thể làm đông lạnh các phân tử sinh học giữa chừng chuyển động và quan sát cũng như ghi lại hình ảnh các quá trình sinh học mà trước đây chưa quan sát được. Công trình này mang tính đột phá đối với hiểu biết cơ bản về hóa học đời sống cũng như sự phát triển của ngành dược.

Trước đây, các kính hiển vi điện tử thường chỉ quan sát và ghi lại được hình ảnh các mẫu vật tĩnh, bởi các tia điện trường mạnh của kính phá hủy vật chất sinh học. Năm 1990, Richard Henderson đã sử dụng một kính hiển vi điện tử tạo ra hình ảnh 3 chiều cấp độ phân tử của một protein. Thành công mang tính đột phá này đặt nền tảng cho công trình phát triển kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh. Trong khi đó, giai đoạn 1975-1986, Joachim Frank đã phát triển một phương pháp xử lý hình ảnh giúp phân tích và tổng hợp các hình ảnh 2 chiều chất lượng kém quan sát được qua kính hiển vi điện tử thành cấu trúc 3 chiều rõ nét. Đầu những năm 80, Jacques Dubochet đã thành công làm đông lạnh mẫu vật sinh học, cho phép các phân tử sinh học giữ nguyên hình dạng tự nhiên ngay cả trong môi trường chân không của kính hiển vi.

Dù lý thuyết về việc tạo ra kính hiển vi điện tử có khả năng chụp các sinh vật ở cấp độ phân tử đã có từ lâu, song phải nhờ những nghiên cứu của 3 nhà khoa học trên thì những rào cản kỹ thuật cuối cùng mới được phá bỏ vào năm 2013 khi kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh được đưa vào sử dụng. Năm 2016, kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh đã giúp các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát cấu trúc chi tiết bên ngoài của virus Zika dưới cấp độ phân tử, giúp họ dễ dàng hơn trong việc phát triển những loại thuốc kháng virus và vaccine ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm đang đe dọa trên phạm vi toàn cầu.

Đây là giải thưởng thứ 3 của mùa giải Nobel năm nay. Trước đó, ngày 3/10, giải Nobel Vật lý đã thuộc về Giáo sư vật lý Rainer Weiss, cùng 2 nhà khoa học khác là Bary C.Barish và Kips Thorne đều mang quốc tịch Mỹ, về những đóng góp mang tính quyết định của họ đối với Đài quan trắc sóng hấp dẫn kế laser (LIGO), hay còn gọi là siêu máy dò phát hiện sóng hấp dẫn. Ngày 2/10, giải Nobel Y học đã thuộc về 3 nhà khoa học người Mỹ gồm Jeffrey C.Hall, Michael Rosbash và Michael W.Young với công trình nghiên cứu cơ chế phân tử trong việc kiểm soát nhịp sinh học, từ đó giúp giải thích cách thức các loài động, thực vật và con người điều chỉnh nhịp sinh học thích nghi với sự tiến hóa của Trái đất.

Năm ngoái, giải Nobel Hóa học 2016 đã được trao cho 3 nhà khoa học gồm Jean-Pierre Sauvage người Pháp, J. Fraser Stoddart mang 2 quốc tịch Anh và Mỹ, và Bernard L. Feringa người Hà Lan nhờ công trình thiết kế và chế tạo máy phân tử (máy NANO).

Tiếp sau giải Nobel Hóa học, giải Nobel Văn học sẽ được công bố ngày 5/10, Nobel Hòa bình vào ngày 6/10. Giải Nobel Kinh tế sẽ được công bố vào ngày 9/10.
Theo chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.

Thái Lan khởi động phát tiền cho người dân thuộc Dự án Ví điện tử

Hôm nay, ngày 25/9, Chính phủ Thái Lan bắt đầu phát 10.000 baht cho mỗi người dân nước này thuộc nhóm đầu tiên gồm 3,17 triệu người khuyết tật và người dễ bị tổn thương. Theo Dự án, có tổng số khoảng 14,55 triệu người Thái Lan sẽ nhận được khoản hỗ trợ kể trên trong tháng 9 này.

Thái Lan kích thích tăng trưởng kinh tế

Chính phủ Thái Lan gần đây công bố các kế hoạch ngắn hạn nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế. Dù vấp phải một số ý kiến trái chiều, song những kế hoạch này được kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu dùng, kích thích kinh tế tăng trưởng, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế số.