ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á

Trong dự báo công bố ngày 13/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á, theo đó kinh tế của khu vực đang phát triển này được dự báo sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2017, nhờ tăng trưởng xuất khẩu và tiêu thụ nhiên liệu nội địa cao hơn so với dự kiến.
Dự báo mới nói trên đã được đề cập trong phần bổ sung báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2017 của ADB, theo đó tăng 0,1% do với dự báo hồi tháng 9, trong khi dự báo cho năm 2018 vẫn giữ nguyên ở mức 5,8%.

Theo ADB, mức tăng trưởng chung của các nền kinh tế công nghiệp chủ chốt được điều chỉnh tăng lên 2,2% cho năm 2017 và 2% cho năm 2018, do nhu cầu nội địa mạnh mẽ ở Khu vực sử dụng đồng euro, cũng như đầu tư tư nhân và xuất khẩu ròng tại Nhật Bản. Các dự báo tăng trưởng cho Mỹ được giữ nguyên ở mức 2,2% cho năm 2017 và 2,4% cho năm 2018.

Ở cấp tiểu vùng, tăng trưởng ở Nam Á được điều chỉnh tăng lên 6,2% vào năm 2017 so với mức 6% trước đó, trong khi dự báo cho năm 2018 được giữ nguyên ở mức 5,8%. Triển vọng tăng trưởng tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, được điều chỉnh tăng nhờ giữ vững mức tiêu dùng với dự báo tăng lên 6,8% vào năm 2017 và 6,4% năm 2018.

Nam Á được dự báo sẽ vẫn là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các tiểu vùng ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, bất chấp có sự điều chỉnh giảm từ mức 6,7% xuống còn 6,5% trong năm 2017 và  được kỳ vọng tăng lên 7% vào năm 2018. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất tiểu vùng – được điều chỉnh giảm còn 6,7% năm 2017 và 7,3% năm 2018.

Tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á được nâng lên so với dự báo trước đó, với GDP được dự kiến tăng lên 5,2% trong năm 2017 và 2018, so với các mức dự báo tương ứng là 5% và 5,1% đưa ra hồi tháng 9. Tiểu vùng này đang được hưởng lợi từ các hoạt động đầu tư và xuất khẩu mạnh mẽ hơn, với mức tăng trưởng cao hơn cho Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng tiếp tục đóng vai trò quan trọng ở Indonesia, Philippines và Thái Lan. Báo cáo đưa ra nhận định nhu cầu nội địa mạnh mẽ - đặc biệt là tiêu dùng cá nhân và đầu tư – sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng ở tiểu vùng.

Tại Việt Nam, triển vọng tăng trưởng được điều chỉnh tăng lên 6,7% cho cả hai năm 2017 và 2018, so với các mức dự báo tương ứng đã công bố trước đây là 6,3% và 6,5%. Trong ba quý đầu năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,4% so với mức 5,9% cùng kỳ năm trước. Nông nghiệp đã phục hồi và tăng 2,8% trong chín tháng đầu năm nhờ hạn hán bớt nặng nề tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Công nghiệp và xây dựng vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp sự sụt giảm trong lĩnh vực khai khoáng và dầu thô xuống còn 8,1% trong nửa đầu năm nay. Báo cáo ADB ghi nhận thành tích kinh tế của Việt Nam, đó là lĩnh vực chế biến, chế tạo có sự gia tăng mạnh mẽ, lên tới 12,8% trong ba quý đầu năm 2017 – mức tăng trưởng cao nhất của ngành này kể từ năm 2011; tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo trong quý bốn, vốn luôn là quý đạt mức cao nhất, dự kiến sẽ cao hơn so với mức tăng trưởng trong ba quý trước. Theo ADB, do ngành du lịch phát triển bùng nổ và hoạt động ngân hàng mạnh mẽ, tăng trưởng dịch vụ đã đạt 7,3% so với mức 6,7% cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng của Trung Á trong năm nay đã được cải thiện thêm do nhu cầu nội địa và hoạt động xuất khẩu cao hơn ở một số quốc gia đã giúp thúc đẩy sự phục hồi của tiểu vùng. Tăng trưởng được dự kiến đạt 3,6% trong năm 2017 so với dự báo ban đầu là 3,3%. Mức dự báo của năm 2018 cho Trung Á vẫn giữ nguyên ở 3,9%.

Tăng trưởng tại Thái Bình Dương được dự kiến duy trì ở mức 2,9% trong năm 2017 và 3,2% trong năm 2018 với Papua New Guine – nền kinh tế lớn nhất tiểu vùng – tiếp tục phục hồi dần nhờ sự tăng trưởng của các ngành khai khoáng và nông nghiệp.

Trong khi đó, báo cáo của ADB ghi nhận mặc dù giá hàng hóa đang gia tăng song mức lạm phát giá tiêu dùng vẫn được kiềm chế và ổn định. Lạm phát giá được giữ nguyên ở các mức dự báo trước đó là 2,4% trong năm 2017 và 2,9% trong năm 2018./.
Theo Huyền Anh/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.

Thái Lan khởi động phát tiền cho người dân thuộc Dự án Ví điện tử

Hôm nay, ngày 25/9, Chính phủ Thái Lan bắt đầu phát 10.000 baht cho mỗi người dân nước này thuộc nhóm đầu tiên gồm 3,17 triệu người khuyết tật và người dễ bị tổn thương. Theo Dự án, có tổng số khoảng 14,55 triệu người Thái Lan sẽ nhận được khoản hỗ trợ kể trên trong tháng 9 này.

Thái Lan kích thích tăng trưởng kinh tế

Chính phủ Thái Lan gần đây công bố các kế hoạch ngắn hạn nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế. Dù vấp phải một số ý kiến trái chiều, song những kế hoạch này được kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu dùng, kích thích kinh tế tăng trưởng, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế số.