Nét văn hóa của đồng bào Tày Nghĩa Đô

Đứng trên đồi Khau A, phóng tầm mắt nhìn ra phía xa xa, xung quang lòng chảo Nghĩa Đô (Bảo Yên) là cả một không gian tràn ngập văn hóa và bản sắc Tày.

Ông Ma Thanh Sợi - nghệ nhân dân gian người Tày cho biết: Từ bao đời nay, người Tày Nghĩa Đô đã tạo dựng vốn văn hóa khá phong phú mà không lẫn với văn hóa nơi nào.

                           Một nét Nghĩa Đô.                                                Ảnh: H.X

 

Trong cuộc sống đầy gian khó của mình, cư dân Tày đã tạo dựng cho mình những phong tục, tập quán và lời ăn tiếng nói riêng. Đến nay, qua những dịp hội làng, tết Nguyên đán… đồng bào Tày vẫn tự hào về những nét văn hóa còn nguyên giá trị truyền thống. Tục thờ cúng tổ tiên rất đơn sơ mà thiêng liêng, tục giữ lửa và cúng thần lửa trong căn nhà sàn cho đến không gian bếp, giường ngủ đều mang dáng dấp, nghĩ suy của người dân Tày nơi đây.

Lần theo hành trình không mệt mỏi của ông Sợi trong việc tìm về kho báu dân gian của người Tày Nghĩa Đô, chúng tôi nhận thấy, đâu đâu, trong đời sống của bản làng người Tày cũng đều in đậm dấu ấn của các hình thức văn hóa khác nhau có từ lâu đời. Nói riêng về tục ngữ, mà theo tiếng Tày gọi là Cắm tặt thì ở Nghĩa Đô có tới gần 400 câu. Những câu tục ngữ ở Nghĩa Đô mang đậm dấu ấn của tục ngữ Việt Nam và đặc trưng rất rõ của văn học truyền miệng. Hiện tại, ông Sợi đã sưu tầm được 18 truyện cổ, 322 câu tục ngữ, các phong tục làm nhà, cưới, sinh đẻ, các món ăn, các loại bánh, tập quán chữa bệnh... Ông dành nhiều công sức nghiên cứu về quê hương Nghĩa Đô với lịch sử ngôi đền, với các ngành nghề truyền thống, dân ca, dân vũ. Tài liệu sưu tầm nghiên cứu của ông đã dày tới 2.760 trang chép tay.

Nhà sàn là biểu tượng thiêng liêng và là không gian văn hóa truyền thống ở miền đất này. Dù giàu hay nghèo, người Tày nơi đây cũng tích gỗ, tích lá để dựng căn nhà sàn vững chãi. Đồng bào Tày Nghĩa Đô thường đặt bếp lửa trong nhà sàn, ngoài đun nấu thức ăn, bếp lửa còn có tác dụng sưởi ấm trong những ngày đông giá lạnh và trở thành nơi quây quần của cả gia đình sau mỗi bữa cơm.

Người Tày Nghĩa Đô còn nổi tiếng với nhiều ngành nghề truyền thống, như đan lát, dệt mành cọ, dệt thổ cẩm… vẫn được giữ gìn và lưu truyền đến tận ngày nay. Theo phong tục, con gái trước khi về nhà chồng phải chuẩn bị chăn, gối để mang theo, nên ngay khi mới lớn họ đã được những người lớn tuổi truyền dạy nghề dệt. Sau những ngày mùa bận rộn, trong ngôi nhà sàn truyền thống, hình ảnh những cô gái Tày bên khung cửi mải mê quay tơ, dệt sợi đã để lại nhiều ấn tượng đối với du khách khi đến Nghĩa Đô.

Chợ phiên Nghĩa Đô mỗi tuần chỉ họp một lần vào chủ nhật, đây là nơi để người dân trong vùng mua bán, giao lưu, trao đổi những sản phẩm nông - lâm nghiệp, dụng cụ sản xuất do chính tay mình làm ra. Từ các triền núi, bản Tày, bản Mông, bản Dao, người dân vùng cao đến chợ Nghĩa Đô và gùi theo những đặc sản của núi rừng. Nào măng, mộc nhĩ, nấm hương, gạo nương thơm lựng, cả những mớ rau rừng xanh non, bi chuối rừng, gùi mật ong ngọt lịm còn nguyên cả tầng… Hiện nay, chợ phiên Nghĩa Đô vẫn giữ được những gian hàng bán các sản phẩm truyền thống, như thổ cẩm, váy áo… để phục người dân và làm quà lưu niệm cho du khách khi đến Nghĩa Đô.

         Một tiết mục biểu diễn đàn tính.                                     Ảnh: Đ.H

Nghĩa Đô cũng là vùng quê có nhiều lễ hội truyền thống của cư dân Tày, như hội chơi xuân, hội xuống đồng, lễ hội kiệu trâu vào đền hay lễ hội Pang của những gia đình thầy then, thầy mo làm lễ cúng tổ thư... Trong ngày lễ, phụ nữ Tày diện những bộ váy áo truyền thống rồi cùng nhau say sưa với những bài ca, điệu múa ca ngợi vẻ đẹp quê hương, mùa xuân, đất nước hay ôn lại những làn điệu hát truyền thống của dân tộc.

Nói đến Nghĩa Đô, người ta không quên nhắc tới ẩm thực ở vùng này. Đây là yếu tố quan trọng làm cho bản sắc Nghĩa Đô mang nét riêng không lẫn với vùng quê nào. Các món ăn ở Nghĩa Đô được làm từ những thực phẩm của địa phương chứ không mua ở nơi khác. Đến Nghĩa Đô, bạn không thể bỏ qua món mẻ nuôi ngấu chua chưng với đôi ba con cá suối đuôi đỏ, dùng làm món chấm cho ngọn măng rừng ngăm ngăm đắng. Rồi món cá lam bắp bi chuối trong ống nứa, hay thịt trâu lùi trong tro bếp, canh chua nấu từ cá suối đuôi hồng và lá rau vón vén…

Suối Nậm Luông vẫn miệt mài chảy mãi với dòng nước mát lành bao bọc lấy bản làng. Thấp thoáng sau những lùm cây xanh là những mái nhà sàn bình yên chờn vờn khói tỏa. Đâu đó, tiếng hát then cất lên từ bản xa khiến cho lòng người xốn xang bồi hồi. Trong cảm xúc miên man, bất chợt tôi nhận ra nơi đây như một Tây Bắc thu nhỏ.

Nguyễn Thế Lượng (Báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.