Nét văn hóa ẩm thực Sa Pa

Trong rất nhiều cái thú được nhâm nhi, hưởng thụ ẩm thực của du khách khi đi du lịch tại Sa Pa, thì đồ nướng Sa Pa trở thành một “thương hiệu” rất riêng, không thể lẫn với các địa phương khác. Nhiều khách du lịch nói rằng: Nếu đến Sa Pa mà không thưởng thức đồ nướng thì quả thật chưa thực sự khám phá được hết sự độc đáo, phong phú và thi vị của văn hoá ẩm thực Sa Pa.
 
Món nướng ở Sa Pa.

Không phải chỉ ở Sa Pa mới có các món đồ nướng, thế nhưng, có lẽ do sự ưu đãi của khí hậu trong trẻo mát lành và thơ mộng của đất trời tự nhiên, đồ nướng Sa Pa luôn mang đến cho người thưởng thức một hương vị hết sức riêng biệt. Mỗi món đồ nướng dẫu dân dã, bình thường cũng khiến người thưởng thức phải trầm trồ, xuýt xoa về hương vị ngọt ngon, thơm bùi riêng biệt của từng món.
 
Mươi, mười lăm năm trước đây, khi Sa Pa được ví như “nàng tiên xinh đẹp ngủ quên trong mây” chưa được đánh thức dậy, khách du lịch đến Sa Pa cũng chưa đông... thì ngoài một vài món thịt nướng trong các nhà hàng… đồ nướng ở Sa Pa mới chỉ lác đác vài hàng dọc theo phố vắng.
 

Đồ nướng Sa Pa lúc bấy giờ cũng chỉ giản đơn là vài bắp ngô, vài củ khoai lang nướng. Theo thời gian, khi mảnh đất du lịch đầy tiềm năng này được đánh thức cùng với nhiều hoạt động dịch vụ phát triển du lịch thì đồ nướng Sa Pa cũng theo nhu cầu của thực khách mà dần mở rộng với nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn được chế biến theo cách riêng của người dân địa phương. Từ những bắp ngô giống địa phương, to gần bằng bắp tay, hạt đều tròn thây nảy được nướng vàng rộm cho đến quả trứng vịt lộn, xiên hạt dẻ tới đủ các loại thịt nướng thơm nức mũi…
 
Đồ nướng ở Sa Pa đã lên tới con số hàng trăm gian hàng và được sắp xếp thành chợ để phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách tham quan, du lịch. Chợ đồ nướng được quy hoạch gọn gàng ngay ven đường phố chạy bên cạnh Nhà thờ và dọc theo con đường dẫn vào khách sạn Công đoàn, đường lên tham quan khu du lịch Hàm Rồng của thị trấn Sa Pa.

Thưởng thức đồ nướng Sa Pa vào ban ngày, thực khách có thể vừa tí tách nhấm nháp, vừa ngắm nhìn vòm trời thoáng chốc trong veo, thoáng mây bay cuồn cuộn xoà xuống phủ kín những ngọn núi Hoàng Liên bao quanh trước mặt. Nhưng thú vị nhất là thưởng thức đồ nướng Sa Pa vào ban đêm, trong cái rét tê tê của phố núi, ngồi vây quanh, xoa tay bên chậu than nướng rực hồng, thực khách vừa xuýt xoa nếm những món đồ nướng nóng bỏng, thơm nức, vừa lắng tai nghe những tiếng thì thầm, lao xao cười nói của những du khách thích tản bộ ban đêm.


Muốn thưởng thức đồ nướng có vẻ cao lương mỹ vị hơn, du khách có thể ghé thăm bất kì nhà một bà chủ bán hàng đồ nướng nào nằm men theo những con đường nhỏ vào chân núi. Lúc này, bà chủ quán hàng nướng thoáng chốc trở thành một chủ nhà hàng tham gia du lịch cộng đồng rất chuyên nghiệp. Các món: Gà tẩm mật ong nướng nguyên con, lợn quay cắp nách, cá hồi nhồi rau thơm các loại bọc giấy bạc nướng... kèm theo rất nhiều những món rau xanh hái xung quanh vườn nhà được chủ nhà bày lên tươm tất.
 
Mỗi quán đồ nướng ở thị trấn Sa Pa luôn luôn tự đổi mới, gia giảm hương vị của các món đồ nướng bằng những thứ nguyên liệu sẵn có của địa phương để làm hài lòng thực khách. Một trong những món đồ nướng khá ngon ở Sa Pa là món thịt thăn bò cuốn rau cải nướng. Thịt bò thăn thái lát to, cuốn rau cải vùng cao nướng trên than hồng. Vị nhặng nhặng đăng đắng, thơm cay của rau cải kết hợp với thịt bò chín tới ngọt mềm để lại một dư vị rất khó quên. Kèm theo một chai rượu ngâm quả Sơn tra, món thịt bò cuốn rau cải nướng có thể làm hài lòng bất kì thực khách khó tính nào.
 
Có lẽ vì các món đồ nướng ở Sa Pa có sức hấp dẫn riêng biệt như vậy nên lượng khách du lịch có nhu cầu thưởng thức đồ nướng cũng ngày một đông thêm. Trước đây, nếu như chỉ có khách du lịch nội địa đến Sa Pa thích ăn đồ nướng, thì bây giờ, đồ nướng Sa Pa cũng đặc biệt hấp dẫn với du khách nước ngoài.
 
Với tất cả chất thi vị và phong phú, dân dã của nghệ thuật ẩm thực vùng cao, cùng rất nhiều sản vật ẩm thực độc đáo khác của mảnh đất vốn được thiên nhiên ưu đãi này - các món đồ nướng đã và đang tạo ra một nét cuốn hút duyên dáng, riêng biệt của du lịch Sa Pa. Thực khách nào một lần ghé thăm Sa Pa và thưởng thức nét văn hóa ẩm thực của vùng đất trong mây trong núi này sẽ rất khó quên và chắc chắn sẽ tìm đến nếu có dịp quay trở lại xứ thơ mộng này./.

(Theo laocai.gov.vn)

Tin Liên Quan

Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa

Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Lào Cai.

Bánh chưng cốm của người Thái

Vùng đất Thẳm Dương (Văn Bàn) không chỉ nổi tiếng với giống nếp đệ nhất “nữ hoàng” Khảu Tan Đón, còn có món bánh chưng cốm đang được cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào dân tộc Thái nơi đây xây dựng trở thành thương hiệu riêng.

Làng làm bánh chưng Ún Tà vào tết

Đến làng Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) những ngày tháng Chạp. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng máy cắt ống cây nứa, tiếng lách cách chẻ ống lam, đặc biệt là mùi gạo nếp thơm nức của những mẻ bánh chưng vừa luộc sẵn sàng phục vụ khách hàng chuẩn bị đón tết.

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.