Báo cáo tổng quan kết quả thực hiện Biên bản Hội nghị hợp tác lần thứ V và phương hướng nhiệm vụ hợp tác thời gian tới giữa 5 tỉnh của Việt Nam và Vân Nam – Trung Quốc

Sau một năm triển khai thực hiện các nội dung cam kết trong khuôn khổ Biên bản Hội nghị hợp tác lần thứ V giữa 5 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), một số kết quả đạt được và phương hướng nhiệm vụ hợp tác thời gian tới như sau:

1. Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu.

Việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chiến lược, đối phó với khủng hoảng và thách thức đã được các tỉnh, thành phố quan tâm, qua đó kinh tế - xã hội được duy trì đảm bảo, tăng trưởng ổn định và liên tục. Song song với đó, các tỉnh, thành phố trên tuyến hành lang đã tăng cường hợp tác giao lưu, làm phong phú thêm quan hệ đối tác chiến lược Việt – Trung. Trong đó, nổi lên là việc lãnh đạo cấp cao hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam đã thống nhất đưa mối quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh trở thành hình mẫu cho quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các địa phương Việt – Trung, được thể hiện thông qua các nội dung hợp tác giữa Tổ công tác tỉnh Lào Cai và Tổ công tác tỉnh Vân Nam trong việc hợp tác nghiên cứu xây dựng Dự thảo Đề án Khu hợp tác kinh tế biên giới thành phố Lào Cai, Việt Nam – Hà Khẩu, Trung Quốc đề nghị Chính phủ hai nước xem xét, phê chuẩn.

2. Hợp tác về đầu tư và trao đổi thương mại.

Hợp tác về đầu tư được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư được coi trọng, hàng năm nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của mỗi địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài luôn được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện tốt. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 21/29 dự án FDI của các Nhà đầu tư Trung Quốc, với tổng vốn đầu tư cam kết đạt 408 triệu USD chiếm 83.77% tổng vốn đầu tư FDI trên toàn địa bàn tỉnh; thành phố Hà Nội có 166 dự án FDI của các Nhà đầu tư đến từ Trung Quốc với tổng vốn đăng ký đạt 105 triệu USD; tỉnh Quảng Ninh có 100 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3.73 tỷ USD, trong đó có 54 dự án FDI của các Nhà đầu tư Trung Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 370 triệu USD; thành phố Hải Phòng có 294 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 4.44 tỷ USD, trong đó có 42 dự án của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc với tổng vốn đầu tư là 348 triệu đô la Mỹ, chiếm 14.3%  tổng vốn FDI trên địa bàn thành phố.   

Quan hệ hợp tác trao đổi thương mại giữa các tỉnh, thành phố tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) qua cửa khẩu Lào Cai năm 2009 đạt 650 triệu USD bằng 80.3% kế hoạch năm. Song, bước sang năm 2010 cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, khu vực và trong nước, kim ngạch XNK cũng như thanh toán biên mậu giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh, thành phố Việt Nam qua cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu có bước tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2010 ước đạt 800 triệu USD tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Hợp tác về lĩnh vực tài chính, ngân hàng giữa các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế được mở rộng, điển hình là công tác thanh toán biên mậu với hàng hóa XNK qua cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh doanh, XNK hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trong năm 2010, có trên 430 tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai; tổng doanh số thanh toán chung XNK hàng hóa qua Ngân hàng ước đạt 5.302 tỷ đồng tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động xúc tiến thương mại được duy trì và từng bước nâng cao chất lượng. Các doanh nghiệp của các địa phương tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm hàng hóa, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Hội chợ Thương mại biên giới Việt – Trung tổ chức luân phiên tại tỉnh Lào Cai và Vân Nam. Năm 2009, Hội chợ được tổ chức tại thành phố Lào Cai thu hút 648 gian hàng của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Trung Quốc tham gia, 14 hợp đồng kinh tế được ký kết với tổng giá trị đạt 114 triệu USD. Hiện nay, hai bên đang phối hợp tổ chức triển khai công tác chuẩn bị Hội chợ biên giới Trung – Việt năm 2010 tổ chức tại huyện Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc với quy mô dự kiến 1.000 gian hàng tham gia, trong đó có 250 gian hàng triển lãm thuộc các doanh nghiệp Việt Nam.

3. Hợp tác về du lịch:

Trong năm qua, nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác, khai thác tối đa tiềm năng du lịch của các địa phương, các tỉnh, thành phố trên tuyến hành lang kinh tế đã tích cực phối hợp xúc tiến, kết nối để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng các tuyến du lịch mới, phát triển nâng cao chất lượng du lịch thông qua các hoạt động đa dạng, phong phú.

Tăng cường tuyên truyền, khai thác, triển khai các hoạt động du lịch lễ hội; phối hợp các tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch “Hai quốc gia, một điểm đến” với tính chuyên nghiệp cao, tạo thành các tour du lịch trọn gói, hấp dẫn. Phối hợp triển khai tổ chức các hội nghị giao lưu giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để thông qua đó hình thành các diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác hiệu quả khai thác thị trường. Phối hợp chặt chẽ với tỉnh Vân Nam để quản lý và triển khai thực hiện đón khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam du lịch bằng Thẻ du lịch; tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn phục vụ khách Trung Quốc theo chương trình du lịch 849. Ngoài ra, để thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch trên tuyến hành lang kinh tế, các tỉnh, thành phố cũng tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động mang tính mục tiêu như: tham gia Hội chợ du lịch quốc tế tại thành phố Côn Minh tỉnh Vân Nam; tiến hành tổ chức Hội đàm giữa Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh với Cục du lịch tỉnh Vân Nam, Cục du lịch Châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam.

Nhìn chung, trong năm 2010 lượng khách du lịch và nguồn thu từ hoạt động du lịch của các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế được duy trì, đảm bảo, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

4. Hợp tác về giao thông vận tải:

Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông kết nối trung tâm kinh tế các tỉnh, thành phố trong tuyến hành lang kinh tế. Trong năm qua, các tỉnh, thành phố trên tuyến hành lang kinh tế đã tích cực chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan khởi công, xây dựng, đưa vào sử dụng các dự án cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng có ý nghĩa to lớn, thúc đẩy phát triển hợp tác toàn diện giữa các địa phương.

Trong đó điển hình là các dự án, công trình, như: Tổ chức lễ khánh thành và đưa vào vận hành thử Cầu đường bộ Sông Hồng nối liền Khu Công nghiệp Thương mại Kim Thành – Lào Cai và Khu cửa khẩu quốc tế Bắc Sơn – Vân Nam; tiến hành thông xe kỹ thuật, hoàn thành dự án nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Mông Dương – Móng Cái, bao gồm việc nâng cấp 124km đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng nhanh trong thời gian gần đây và trong thời gian tới, phục vụ đắc lực lưu thông hàng hóa tới các cửa khẩu biên giới Việt – Trung; khởi công xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, dự kiến hoàn thành trước năm 2013; hoàn thành và đưa vào sử dụng toàn tuyến đường cao tốc Côn Hà, nối thành phố Côn Minh với Hà Khẩu (Trung Quốc), rút ngắn 180km so với tuyến đường cũ, thời gian vận chuyển giảm xuống còn một nửa…

Hiện tại các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế một mặt tích cực đôn đốc tiến độ thi công, triển khai các dự án đang thực hiện, một mặt đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới giao thông trên tuyến hành lang. Khi các dự án hoàn thành, đi vào sử dụng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, tạo bước đột phá về quan hệ hợp tác trên tuyến hành lang kinh tế, không gian kết nối hợp tác được mở rộng và thông suốt, có tác dụng lan tỏa mạnh mẽ các vùng, miền lân cận.

 5. Các hoạt động hợp tác hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc:

 Để chào mừng 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc và Năm hữu nghị Việt – Trung 2010, các tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Vân Nam đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường hợp tác toàn diện giữa các địa phương.

Đặc biệt, trong tháng 11 năm 2010, các tỉnh, thành phố trên tuyến hành lang kinh tế cùng các địa phương khác đã chủ động tích cực, phối hợp tổ chức hàng loạt sự kiện, hoạt động đối ngoại lớn, quan trọng để chào mừng 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc: Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố lần thứ VI tổ chức tại Lào Cai; Hội chợ biên giới Việt – Trung tổ chức tại Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc; Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới 5 tỉnh biên giới Việt – Trung: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức tại thành phố Lào Cai và huyện Hà Khẩu.

6. Giao lưu văn hóa, hợp tác về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực:

Hợp tác về văn hóa, nghệ thuật, thể thao được duy trì và đẩy mạnh. Trong năm, các địa phương tích cực phối hợp, tham gia tổ chức nhiều hoạt động thiết thực có ý nghĩa chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc, bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Ngoài ra, hàng năm các địa phương còn duy trì cơ chế luân phiên mời các các đoàn nghệ thuật sang biểu diễn giới thiệu, quảng bá về văn hóa của mỗi địa phương, nâng cao sự hiểu biết và tình hữu nghị.

Hợp tác về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực tiếp tục được duy trì thường xuyên. Hàng năm tổ chức phối hợp, triển khai tốt trong việc liên kết, tư vấn đào tạo, tiếp nhận đào tạo, công nhận văn bằng chứng chỉ đào tạo: Hợp tác đào tạo tiếng Trung được tiếp tục tăng cường. Tiếp tục duy trì cử các Đoàn giao lưu học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ tại tỉnh Vân Nam.

  7. Hợp tác về y tế, phòng chống dịch bệnh, phát triển nông nghiệp:

Trong thời gian qua, thực hiện Hiệp định Kiểm dịch y tế biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, các địa phương đã tiến hành thống nhất thường xuyên trao đổi kinh nghiệm hoạt động kiểm dịch y tế, thông tin tình hình bệnh dịch theo quy định, phối hợp trong việc phòng chống ngăn chặn dịch bệnh, kiểm tra y tế cho người, phương tiện xuất nhập biên; trao đổi giải quyết những vướng mắc phát sinh đúng quy định. Qua đó có biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời đối phó với tình hình dịch bệnh nhất là đối với các dịch bệnh nguy hiểm mới phát sinh như: SARS, cúm A(H5N1), cúm A (H1N1), bệnh tả, bệnh dịch hạch…

Lĩnh vực hợp tác về nông nghiệp được mở rộng và phát triển, công tác trao đổi kinh nghiệm, hợp tác kinh doanh, sản xuất giống nông lâm nghiệp đạt nhiều kết quả khả quan. Các chương trình hợp tác giữa các địa phương được triển khai có hiệu quả như: hợp tác nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh hạt giống lúa lai giữa Trung tâm giống NLN Lào Cai và Công ty giống cây trồng Kim Thuỵ, Vân Nam, Trung Quốc; hợp tác giữa Lào Cai và Hải Phòng, theo đó thành phố Hải Phòng hỗ trợ đào tạo 50 công nhân kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và cung cấp cho tỉnh Lào Cai các loại giống cây trồng, giống cá, giống tôm chất lượng cao; Hợp tác về công tác phòng chống, chữa cháy rừng khu vực biên giới giáp ranh, thiết lập đường dây điện thoại báo cháy rừng biên giới tại cơ quan Ngoại vụ và Chi cục Kiểm Lâm - cơ quan thường trực chữa cháy rừng của tỉnh Lào Cai với cơ quan Ngoại vụ và kiều vụ, Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng huyện Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc…

Đánh giá chung: sau một năm thực hiện Biên bản Hội nghị hợp tác lần thứ V, kết quả cụ thể trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, y tế, giáo dục, văn hóa… từng bước được ghi nhận. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của các địa phương, mới chỉ dừng lại ở bước đầu của quan hệ hợp tác mặc dù đã trải qua 6 năm hợp tác kể từ Hội nghị lần thứ I tháng 9/2004. Trong thời gian tới, 5 tỉnh, thành phố cần tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp hợp tác cụ thể, thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.

Nguồn: Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai

Tin Liên Quan

Hội đàm hợp tác phát triển giữa thành phố Lào Cai (Việt Nam) và thành phố Mông Tự (Trung Quốc)

Sáng 29/7, tại Lào Cai, Đoàn đại biểu thành phố Lào Cai (Việt Nam) do ông Mai Đình Định - Bí thư Thành ủy Lào Cai làm Trưởng đoàn đã có buổi tiếp, hội đàm hợp tác phát triển kinh tế với Đoàn đại biểu thành phố Mông Tự (Trung Quốc) do ông Bàng Tuấn - Bí thư Thành ủy Mông Tự làm trưởng đoàn.

Đồn Biên phòng Y Tý hội đàm với Trạm Hội ngộ, hội đàm Kim Bình

Vừa qua, tại thành phố Lào Cai, Đồn Biên phòng Y Tý - Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Trạm Hội ngộ, hội đàm khu vực Kim Bình, Quân giải phóng nhân dân (Trung Quốc) đã có buổi hội đàm quý II năm 2019.

Phối hợp phòng chống tội phạm khu vực biên giới Si Ma Cai

Đồn Biên phòng Si Ma Cai, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Trạm Hội ngộ, hội đàm Ma Ly Pho, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã phối hợp tuần tra chung trong phòng, chống các loại tội phạm trên tuyến biên giới do hai bên phụ...

Tăng cường giao lưu, hợp tác trong công tác tư pháp

Ngày 26/11, tại thành phố Lào Cai, Phòng Tư pháp thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Cục Tư pháp huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Hội đàm lần thứ 4 về giao lưu, hợp tác trong công tác tư pháp giữa hai bên.

Tuần tra liên hợp phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới Lào Cai – Vân Nam

Ngày 27/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Chi đội Công an Biên phòng châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã phối hợp tổ chức tuần tra liên hợp phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới mà hai bên phụ...

Lào Cai: Hợp tác phát triển kinh tế - thương mại

Phát huy vị trí, vai trò “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tỉnh Lào Cai đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các...