Huyền thoại tam giác mạch

Trên đường lên Lùng Phình - Bắc Hà, tôi được bạn kể cho nghe câu chuyện về gốc tích của cây Tam giác mạch, mọc trên núi đá. Chuyện rằng, ngày xưa, nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới để làm lương thực nuôi sống loài người. Hai nàng tiên gieo hết những hạt ngọc giời quý giá, còn lại một ít mày trấu, mày ngô, hai nàng chẳng biết làm gì nữa bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa mọc mầm đủ ngày đủ tháng cho bắp cho bông, cho no đủ nên người và tiên quên biến những vỏ trấu mỏng manh. Nhưng niềm vui cũng như hoa lửa lúc cháy lúc tắt, mùa màng cũng vậy, sau mấy năm được mùa, bỗng một năm ông trời làm cho đói kém, ngô lúa gặp nắng hạn cho cây chứ không cho quả cho hạt. Đói kém khiến dân bản phải đổ cả vào rừng tìm cái bỏ vào miệng. Rồi lộc rừng cũng cạn, không kiếm được cái ăn, dân bản đành ôm bếp, ôm điếu nhìn nhau mà thở ngắn than dài.
Thiếu nữ Mông bên cánh đồng tam giác mạch.

Giữa lúc đói kém đến cùng cực thì bỗng nhiên thoảng bay trong gió mùi hương mang hơi lúa gạo tới trùm lên bản làng, len lỏi vào từng bếp. Mùi hương làm tỉnh người đó quấn quýt mê hoặc mọi người, cuốn bước chân mọi người tới khe núi. Tới nơi, ai nấy ngỡ ngàng trước một rừng hoa li ti trên lá có hình tam giác trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia. Những cây hoa hoang dại đó phô bày gốc gác từ mày ngô, mày lúa của mình rồi kết hạt ước mong đỡ người qua cơn đói. Từ vụ cứu đói đó, con người trân trọng đặt tên cho loài cây ấy là cây Tam giác mạch và thường gieo trồng vào cữ giáp hạt.

Nghe bạn say sưa, mùa đói kém của những năm cuối của thời bao cấp hiện lên. Những tấm bánh cứu đói hiện lên. Song, ta không chắc có phải đây là loài cây mang tên mỹ miều mà những người yêu hoa, sành hoa đang coi là mốt.

Ta cùng bạn làm một chuyến ngược Lùng Phình. Chuyến xe ngược Lùng Phình như đi lên giời làm ta làm bạn chếnh choáng. Ngoài cửa xe là mây bay, là mây mù phủ kín, “xe đi trong mây, mây đi trong xe”.

Ngoài cửa xe là vòng tròn mưa nắng thản nhiên trôi trôi giữa vòng đời ngắn ngủi, thản nhiên góp cho đời những mùa cây mùa hoa; là những giọt nắng bâng khuâng, hẫng hụt rơi xuống vách núi chênh vênh. Trong xe là sự bồn chồn háo hức của một kẻ mong được khám phá, mong được trở về với ký ức xa xăm.

Lưng lửng núi. Lưng lửng trời. Vẩn vơ mây. Vẩn vơ nắng. Cỏ cây hoa trái hiện ra thứ như cầm được ngay trong tay, bắt ngay trong mắt, thứ vuột nhanh chui sâu vào vô vàn những giọt mưa bụi li ti. Rồi mây mù, sương gió. Rồi cái lạnh ngọt như thấm như không làm da thịt căng lên dễ chịu. Ta đi lên Lùng Phình mà như lên bồng lai tiên cảnh.

Tâm hồn, thể xác đang được thả lỏng trong gió, trong mây bỗng trời vén mây ghé nhìn, mênh mông trời đất và những đồi hoa tam giác mạch hiện ra lồ lộ. Một cái gì đó nghèn nghẹn dâng lên. Ôi, Tam giác mạch gì chứ, đây là cây sèo, cây cứu đói cho em cho ta trong suốt một mùa giáp gianh bao cấp không bao cấp.

Năm ấy trời đất hạn hán khiến đất không nuôi nổi người, người không nuôi nổi đất. Để tồn tại, con người phải lột của rừng từ rễ đến lá, nhà nhà rỗng rễnh, người người tong teo. Đói làm cho nương trồng ngô của cả vùng đáng lẽ được nghỉ ngơi sau một vụ gồng mình lên sinh đẻ để chuẩn bị cho mùa sau nay lại phải cày lật lên, bừa qua quýt rồi đón nhận những hạt sèo. Sèo là một loài dễ trồng, chỉ cần vãi xuống ruộng khô, nương xốp là mọc át cả cỏ, chưa đầy tháng là ra hoa, chưa đầy hai tháng là thu hoạch. Cây sèo non có thể luộc ăn như rau, hạt sèo tuy đắng như mật công nhưng giã thành bột làm bánh ăn thay cơm chống đói rất tốt, bí quá hạt sèo còn có thể ủ nấu thành rượu thay rượu ngô, rượu thóc.

Ngày ấy, trong ngôi nhà quanh năm không thiếu hơi lửa, song đói chất nuôi ngọn lửa trong người em đã kể cho ta nghe về sự tích cây sèo, loài cây dân dã đã ăn sâu vào tâm hồn, thể xác người Mông. Em kể ngày xưa bản nọ có chàng trai tên là Nù Giáo, bố mẹ mất sớm, chàng ở cùng anh trai. Chị dâu cay nghiệt bắt chồng phải lừa đưa chàng vào rừng sâu cho thú dữ ăn thịt. Anh trai nghe vợ đưa em chui rừng ba ngày rồi bỏ lại giữa rừng sâu. Còn lại một mình trong rừng, chàng vừa đói rét vừa hoảng sợ. Trong lúc cùng cực, chàng ngửa mặt cầu xin Ngọc Hoàng cứu giúp. Ngọc Hoàng thấu lời cầu của anh liền gọi nàng tiên út tên là Giở bảo mang bánh làm từ hạt sèo xuống cứu chàng. Nàng tiên Giở tốt bụng nghe lệnh vua cha mang bánh bay xuống cho chàng. Hai người cảm mến nhau, nàng giở phép giúp cơm ăn, nhà ở, rồi tự nguyện làm vợ chồng với chàng. Chàng thấy vợ xinh đẹp quá chẳng thiết làm gì chỉ ở nhà ngắm vợ khiến nàng phải vẽ mình ra một tờ giấy bảo chàng mang lên đồi phát nương, nhớ thì ngắm tranh là đủ. Chàng nghe và làm theo lời vợ, nhưng không may cho chàng, nàng bị đám quan quân phát hiện và bị tên vua hiếu sắc tìm đến. Nàng đã làm hắn mê mẩn đến mức đòi đổi ngôi báu cho chàng để lấy nàng làm vợ, nàng liền giở phép tiên ra làm sét đánh chết tên vua rồi biến thành đám mây hồng. Chàng lên làm vua, nhưng không ngờ nàng đã có với mình một đứa con trai, ba người đoàn tụ được bởi nàng và con đóng giả hai người ăn mày tặng chàng một cách bánh làm từ hạt sèo. Chàng bẻ cái bánh “cứu đói” ra thì trong ruột có sợi tóc dài hơn một sải. Nhận ra tóc vợ, chàng vội ra cổng thành. Vợ chồng con cái gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Để nhớ tới ngày mừng vui này chàng gọi cái bánh sèo ấy là bánh gặp nhau và cho gieo trồng khắp nước.

Chuyện chàng Nù Giáo cùng những chiếc bánh sèo đắng tựa mật công đã theo suốt những năm tháng phiêu bạt, để rồi hôm nay trở về với vùng đất đã cưu mang.

Xe dừng lại bên những đồi hoa màu tím đuổi nhau. Tôi và bạn xuống xe. Giữa nguyên sơ ngơ ngác núi mây, giữa hương hoa tinh khôi mở lối tự nhiên toan tính, xô bồ lùi xa, lòng tôi trào lên say sưa mơ mộng, những đốm nắng nửa thức nửa ngủ đánh thức những ý nghĩ vẩn vơ, miên man không cuối, không đầu.

Tôi cùng bạn chui vào căn lều của chủ đồi cây Tam giác mạch, thấy nỗi lo áo cơm canh cánh trong lòng tan biến, lằn ranh giàu nghèo sướng khổ cào bằng, chỉ thấy quanh mình ngờm ngợp mây, dày đặc sương, sũng sĩnh nước.

Chủ đồi cây hoa bảo bây giờ lúa ngô đã tạm đủ, cái bỏ bụng không còn bức xúc nên sèo không chỉ làm bớt đi những cơn đói bụng mà còn làm no con mắt mình, con mắt người. Đúng là thời mở cửa, giá trị của một loài cây bị hai nàng tiên bỏ đi đang cho con người nơi đây gặt hái. Hoa sèo được nâng niu chiều chuộng, người yêu hoa, người hiếu kỳ thêm có được cái thú miên man đón nắng, đón mây, đón hương hoa để được thăng hoa.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.