Thơm ngon bánh khúc xanh của người Tày

Như nhiều dân tộc thiểu số khác ở Lào Cai, đồng bào Tày có những loại bánh đặc sản, trong đó có bánh khúc xanh. Bánh khúc có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên cây cỏ và hình thù gần giống với bánh giày của người miền xuôi.

Để tìm hiểu về món ăn này, chúng tôi đến tham quan chợ phiên Bắc Hà vào buổi sáng Chủ nhật mưa rét. Đến chợ, chúng tôi lựa chọn sạp hàng nhỏ đã bán được trên mười năm của bà Vàng Thị Định ở thôn Na Lang, xã Tà Chải (huyện Bắc Hà) để thưởng thức bánh. Sạp hàng bày bán những chiếc bánh còn nóng hổi, dậy mùi lá khúc đặc trưng thu hút người đi chợ. Bà Định giảng giải rằng bánh khúc xanh của đồng bào Tày đã có từ lâu, trước đây bà con thường làm vào dịp mùng 5 tháng 5 âm lịch, bây giờ thì làm nhiều dịp trong năm.

Bánh khúc được rán phồng, thơm mùi lá khúc.

Làm bánh khúc không khó nhưng lại có nhiều công đoạn và đòi hỏi sự khéo léo. Nguyên liệu là gạo, đậu, vừng, hành để làm nhân và một thứ không thể thiếu là rau khúc. Muốn bánh ngon, phải chọn loại gạo nếp mới, thơm, dẻo và đậu xanh cũng phải đều, ngon; rau khúc chọn loại lá nếp, tươi.

Khi làm bánh, gạo nếp được ngâm từ tối hôm trước, sau đó đem đồ chín thành xôi vừa độ dẻo. Lúc đồ, khi lên hơi cần tưới thêm một lần nước để bánh dẻo hơn. Trong khi chờ xôi chín, lá khúc được rửa sạch, đun trong nước tro bếp từ 2 đến 3 giờ. Sau khi đun nhừ, đổ lá khúc ra rổ, rửa nhiều lần cho sạch nước tro rồi vắt kiệt nước. Xôi đồ chín giã ngay lúc còn nóng cùng với lá khúc để bánh mềm, mịn và dẻo. Khi giã đã nhuyễn, các bà, các mẹ sẽ nhanh tay múc ra mâm để nặn bánh. Bánh được nặn thành hình tròn, sau đó ấn dẹt, cho nhân vào giữa rồi gói kín bánh lại. Lớp nhân gồm đậu xanh được giã nhuyễn trộn với hành phi vàng và vừng đen rang chín.

Hàng bán bánh khúc đã có 10 năm tuổi của bà Vàng Thị Định.

Bà Định còn cho biết thêm, bánh khúc thuộc món chay, tuy được làm từ gạo nếp nhưng rất dễ ăn. Khi rán, bánh có độ phồng, bóng, thơm của mùi lá khúc cùng hương vị của đậu xanh, của hành, mỡ và vị ngậy của vừng đen. Ngày nay, bánh khúc của đồng bào Tày là món ăn hằng ngày và trở thành hàng hóa phục vụ thực khách gần xa.

Theo Kiều Thu/LCĐT

Tin Liên Quan

Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa

Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Lào Cai.

Bánh chưng cốm của người Thái

Vùng đất Thẳm Dương (Văn Bàn) không chỉ nổi tiếng với giống nếp đệ nhất “nữ hoàng” Khảu Tan Đón, còn có món bánh chưng cốm đang được cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào dân tộc Thái nơi đây xây dựng trở thành thương hiệu riêng.

Làng làm bánh chưng Ún Tà vào tết

Đến làng Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) những ngày tháng Chạp. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng máy cắt ống cây nứa, tiếng lách cách chẻ ống lam, đặc biệt là mùi gạo nếp thơm nức của những mẻ bánh chưng vừa luộc sẵn sàng phục vụ khách hàng chuẩn bị đón tết.

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.