Thực hiện 7 chương trình công tác trọng tâm: Nền tảng cho sự phát triển bền vững của Lào Cai

Việc ban hành và triển khai thực hiện 7 chương trình công tác trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV bước đầu đã đạt những kết quả to lớn và quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của tỉnh…
Một trong những nội dung của Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV là sơ kết thực hiện 7 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa của Tỉnh ủy khóa XIV.

Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV khai mạc sáng 23/7
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành 7 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa một cách khẩn trương, tích cực, khoa học, dân chủ; theo định hướng từ trên xuống, xây dựng từ dưới lên và hiện thực hóa bằng 27 đề án. Có thể coi đây là việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh thành kế hoạch 5 năm với những nội dung cần làm, danh mục công việc và được cân đối nguồn lực để các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Để việc triển khai thực hiện 7 chương trình đạt kết quả cao, Tỉnh ủy phân công mỗi đồng chí Thường trực Tỉnh ủy phụ trách một số chương trình; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh phụ trách một số đề án; thành lập các ban chỉ đạo thực hiện đề án; giao nhiệm vụ cơ quan chủ trì, phân công các cơ quan, đơn vị phối hợp cụ thể. Trên cơ sở pháp luật và các chính sách hiện hành, tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện các đề án phù hợp với tình hình địa phương. Bám sát vào chương trình, đề án của tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy cũng xây dựng các chương trình, đề án, nghị quyết của cấp mình để thực hiện đồng bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở, chính quyền các xã, phường, thị trấn phát động phong trào thi đua nhằm đạt các mục tiêu đề án.

Trước những khó khăn tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xác định: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung hướng mạnh về cơ sở, Tỉnh uỷ đã phân công các đồng chí Tỉnh uỷ viên theo dõi, phụ trách xã; UBND tỉnh phân công lãnh đạo các sở, ngành phụ trách xã xây dựng nông thôn mới. Cấp huyện cũng phân công các đồng chí uỷ viên ban thường vụ, ban chấp hành phụ trách xã, thôn, bản. Có quy định về chế độ làm việc ở cơ sở hàng tháng, hàng quý và coi đây là một tiêu chí xem xét đánh giá kết quả công tác hàng năm. Phải phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, huy động sức dân, phát huy các lợi thế, tiềm năng để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc với những nội dung, nhiệm vụ cụ thể. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh cải cách hành chính một cách đồng bộ trong tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị; hiệu quả hoạt động của các đoàn thể; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư. Để triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, tỉnh đã huy động, cân đối 74.661 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 24.508 tỷ đồng.

Sau 3 năm triển khai thực hiện 7 chương trình công tác trọng tâm, có thể đánh giá đây là những chương trình, đề án hết sức khoa học, sát thực tế, được chuẩn bị kỹ, nghiêm túc, công phu, dân chủ, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, được cả hệ thống chính trị vào cuộc và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng với các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, bước đầu đã đạt những kết quả to lớn và quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Ước tính đến hết năm 2013, trong số 27 chỉ tiêu chính của Nghị quyết Đại hội (8 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội không cụ thể trong các đề án), có 6 chỉ tiêu vượt; 13 chỉ tiêu đạt trên 60%. Trong tổng số 404 chỉ tiêu của các đề án, có 52 chỉ tiêu vượt và đạt; 236 chỉ tiêu đạt trên 60%; 116 chỉ tiêu đạt dưới 60%.

Với sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy; sự năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Lào Cai đã vượt qua khó khăn đạt nhiều kết quả trên các mặt của đời sống xã hội: Tăng trưởng kinh tế bình quân 14%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; sản lượng lương thực có hạt vượt mục tiêu Đại hội; xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 20%/năm; thu ngân sách luôn vượt dự toán. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, nhân dân và có được kết quả tốt. Công tác phát triển đảng viên và chi bộ thôn, bản tăng nhanh. Quốc phòng được củng cố, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hoạt động đối ngoại thu được nhiều kết quả…

Có 5 nguyên nhân cơ bản để đạt được những thành tựu trên, trong đó có việc xây dựng các chương trình, đề án trọng tâm giai đoạn 2011 – 2015 đã phát huy trí tuệ của các cấp, các ngành; kế thừa và làm sâu sắc thêm phương thức lãnh đạo từ các khoá trước, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện một cách tích cực, sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị, tạo ra phong trào thi đua trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện 7 chương trình công tác trọng tâm trong thời gian qua, có một số tồn tại, đó là: Vẫn còn 116 chỉ tiêu đạt dưới 60%, trong đó có 11 chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa triển khai thực hiện được; 15 chỉ tiêu đạt dưới 20%. An ninh nông thôn ở một số nơi tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, liên quan chủ yếu đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Một số vấn đề xã hội bức xúc vẫn xảy ra. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực phản động có lúc còn hạn chế, còn biểu hiện chủ quan, mơ hồ, mất cảnh giác. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tại một số nơi còn gặp nhiều lúng túng… Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cũng được phân tích kỹ.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích toàn diện, khách quan, chính xác những thành tựu cũng như tồn tại, hạn chế, Tỉnh uỷ rút ra 7 bài học kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện 7 chương trình công tác trọng tâm toàn khoá, đó là:

Thứ nhất: Xác định đúng tiềm năng, thế mạnh để xây dựng các chương trình, đề án; sớm ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; chỉ đạo các cấp, các ngành cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Thứ hai: Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và khai thác tốt nguồn nội lực của tỉnh để cân đối bố trí vốn thực hiện, trong đó nội lực là quan trọng nhất.

Thứ ba: Các cấp uỷ đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuống cơ sở; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án. Các cấp chính quyền chỉ đạo sâu sát, cụ thể, kịp thời, điều hành năng động, kiên quyết. Gắn công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện với công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết rút kinh nghiệm.

Thứ tư: Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc về phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Thứ năm: Cơ chế, chính sách ban hành phải phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để nhân dân đồng tình ủng hộ, qua đó huy động được sự tham gia của cả cộng đồng để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Thứ sáu: Thường xuyên phát động các phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ để làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ bảy: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, đánh giá, thông tin, báo cáo để có những giải pháp cụ thể, kịp thời nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất.

Từ những bài học rút ra và trên cơ sở dự báo những thuận lợi, cơ hội cũng như những khó khăn, thách thức, Tỉnh uỷ đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện 7 chương trình công tác trọng tâm toàn khoá giai đoạn 2013 – 2015./.
Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai: Đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông

3 tháng đầu năm 2024, Lào Cai đã triển khai đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) cho Nhân dân.

Văn Bàn chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên

Chiều 17/4, tại trụ sở Tỉnh ủy, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên về kết quả triển khai Nghị quyết đại hội Đảng...

Mường Hum tìm giải pháp tạo nguồn kết nạp đảng viên

Trong công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng. Đối với Đảng bộ xã Mường Hum, huyện Bát Xát, trước những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, nhiều giải pháp đang được thực hiện để đạt mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Lào Cai phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024

Cuộc thi được tổ chức nhằm góp phần hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách, khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ Lào Cai, đặc biệt là phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh

Thực hiện quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng giữa tỉnh Lào Cai với các tỉnh giáp ranh đã góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.