Gửi tình yêu qua những món ăn truyền thống

Ðam mê ẩm thực truyền thống, chị Lương Thị Hoa, thôn Đồng Qua, xã Liêm Phú (Văn Bàn) đã chế biến nhiều món ăn ngon từ những nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Các món ăn do chị chế biến nhận được nhiều lời khen của bà con và thực khách gần xa.
Chị Lương Thị Hoa nướng cá - món ăn đặc sản của đồng bào Tày.

Chị Hoa là người dân tộc Tày, từ nhỏ đã được bà và mẹ nấu cho nhiều món ăn ngon, hương vị món ăn truyền thống cùng tình yêu ẩm thực dần ngấm vào chị. Lớn lên, chị thừa hưởng sự khéo léo, đảm đang của mẹ, nên đã tự mày mò, học hỏi và thường xuyên chế biến các món ăn truyền thống cho người thân của mình. Chị Hoa tâm sự: Liêm Phú là mảnh đất còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán và nét văn hóa truyền thống của đồng bào Tày. Ẩm thực của đồng bào nơi đây cũng rất phong phú và đa dạng, nguyên liệu để chế biến luôn có sẵn. Nhiều du khách đến đây để trải nghiệm du lịch sinh thái, nhưng lại thiếu một nơi để thưởng thức các món ăn. Ban đầu, tôi chỉ nấu ăn cho người quen khi họ nhờ, sau đó mọi người truyền tai nhau và dành nhiều lời khen cho tôi, rồi ngày càng có nhiều người nhờ tôi nấu ăn khi có việc hoặc đến Liêm Phú khám phá. Được sự động viên của bà con và gia đình, tôi đã mở quán ăn để vừa thỏa mãn đam mê, vừa phục vụ nhu cầu của du khách.

Quán của chị Hoa chính là ngôi nhà sàn truyền thống mà gia đình sinh sống, bên cạnh dòng suối Nhù. Đến đây, du khách được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống của dân tộc Tày mà hiếm nơi nào có như cá nướng, moọc cá, bánh chưng đen, thịt gác bếp, nộm rau dớn và các món ăn chế biến từ măng, rau rừng… Ngoài ra, du khách còn được trực tiếp chứng kiến chị Hoa chế biến các món ăn, được trải nghiệm không gian sống của người dân bản địa, có thể cùng chị lội suối bắt cá, lên rừng hái rau, hái măng… Vì vậy, nhiều du khách đến Liêm Phú không chỉ nhớ các món ăn chị nấu, mà còn nhớ về một đầu bếp nhiệt tình, niềm nở và mến khách. Toàn bộ nguyên liệu để chị chế biến món ăn là đồ tươi, ngon và trực tiếp có tại địa phương. Du khách muốn thưởng thức món ăn do chị nấu đều phải đặt trước. Những hôm quán đông khách, chị Hoa dặn trước người dân trong xóm đi bắt cá suối, lên rừng hái rau, măng từ sáng sớm hoặc chiều hôm trước để đủ nguyên liệu chế biến.

Trung bình mỗi ngày, quán nhỏ của gia đình chị phục vụ gần 20 thực khách. Quán của chị không quảng cáo, chủ yếu du khách đến thưởng thức, rồi truyền tai nhau.

Chế biến món ăn truyền thống để thỏa mãn đam mê, nên chị luôn nấu ăn cho khách như nấu cho chính người thân của mình. Có những món ăn chỉ cần được thưởng thức một lần là chị Hoa có thể nhận biết được món đó được chế biến từ những nguyên liệu gì. Chị có thể nấu nhiều món ăn, nhưng yêu thích nhất là nấu các món ăn truyền thống của đồng bào Tày, bởi với chị, ẩm thực của người Tày vừa phong phú, vừa thể hiện được tinh hoa văn hóa dân tộc. Chị Hoa cho biết thêm: Năm 2016, món ăn truyền thống do chị chế biến đã đoạt giải Nhì tại Liên hoan ẩm thực Tây Bắc. Từ đó, quán của chị càng được nhiều người biết đến, nhiều nhà hàng lớn ngỏ ý mời chị về làm đầu bếp và hứa trả lương cao, nhưng chị đều từ chối. Với chị, nấu được món ăn ngon còn phụ thuộc vào không gian, được gắn bó với quê hương, với nhà sàn, đồng ruộng và bà con chính là nguồn cảm hứng để chị chế biến nhiều món ăn hấp dẫn. Chị mong sẽ có thêm nhiều du khách đến với Liêm Phú, thưởng thức các món ăn do chị nấu, để đặc sản của địa phương được quảng bá rộng rãi.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa

Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Lào Cai.

Bánh chưng cốm của người Thái

Vùng đất Thẳm Dương (Văn Bàn) không chỉ nổi tiếng với giống nếp đệ nhất “nữ hoàng” Khảu Tan Đón, còn có món bánh chưng cốm đang được cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào dân tộc Thái nơi đây xây dựng trở thành thương hiệu riêng.

Làng làm bánh chưng Ún Tà vào tết

Đến làng Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) những ngày tháng Chạp. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng máy cắt ống cây nứa, tiếng lách cách chẻ ống lam, đặc biệt là mùi gạo nếp thơm nức của những mẻ bánh chưng vừa luộc sẵn sàng phục vụ khách hàng chuẩn bị đón tết.

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.