Đội Hoàng Sa - Lực lượng chuyên trách thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn từ đầu thế lỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX (tiếp theo và hết)

3. Đội Hoàng Sa được tổ chức theo hình thức bán quân sự, hoạt động dưới danh nghĩa Nhà nước với chức năng chủ yếu là bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam

Trong sách Phủ Biên tạp lục (Quyển II), Lê Quý Đôn đã khảo tả khá cụ thể về hoạt động chính của đội Hoàng Sa: “... cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiến, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về” . Đội Hoàng Sa mỗi năm có đến nửa năm (từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau) không chính thức hoạt động ngoài biển khơi cho nên họ còn được điều động đi làm nhiều các công việc khác. Sách Phủ Biên tạp lục, Quyển IV, khi chép về thuế vàng, Lê Quý Đôn còn cho hay là đội Hoàng Sa đã từng phải đi đào vàng ở xã Nam Phố Hạ, huyện Phú Vang: “Lệ cũ cho xã dân lĩnh tiền nhà nước để ăn mà đi lấy vàng, được miễn trừ tiền thuế. Mùa xuân năm Bính Thân (1776) kiêm đốc suất Đoan Quận công sai thuộc tướng là Cơ Trung hầu đào lấy, gọi đội Hoàng Sa đến và thuê phu 65 người đào lấy đãi nấu...” . Cũng có tài liệu còn cho hay, người đội Hoàng Sa đi bắt tổ yến ở Cù Lao Chàm ngay phía ngoài cửa Đại sông Thu Bồn...

Không bàn đến những công việc phụ được giao thêm trong khoảng thời gian không chính thức đi biển, nếu mới chỉ đọc qua tư liệu, ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy đội Hoàng Sa được Chúa Nguyễn tổ chức ra là để thu lượm các hóa vật và hải vật trên các vùng quần đảo xa xôi ở giữa Biển Đông. Pierre Poivre, một thương nhân người Pháp trong chuyến đi đến Đàng Trong năm 1749-1750 cũng cho biết là ông đã từng nghe chuyện nhà vua (chúa Nguyễn) hàng năm đưa vài chiếc thuyền ra Hoàng Sa để tìm kiếm các sản vật thiên nhiên cho bộ sưu tập của mình . Tuy nhiên, nếu phân tích một cách cụ thể các nguồn hóa vật, hải vật, kể cả các sản vật lạ mà đội Hoàng Sa tìm kiếm được giữa vùng biển khơi hoang sơ đem về cho Chúa Nguyễn thì xem ra chúng không chỉ ít ỏi về số lượng, mà chủng loại cũng đơn điệu. Lê Quý Đôn còn cung cấp những con số cụ thể mà đội Hoàng Sa trong cả 6 tháng trời ròng rã ngoài biển khơi “lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không”: “Tôi đã xem sổ của Cai đội cũ là Thuyên Đức hầu biên rằng: Năm Nhâm Ngọ (1762) lượm được 80 hốt bạc; năm Giáp Thân (1764) được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu (1765) được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu (1769) đến năm Quý Tỵ (1773), 5 năm ấy mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được khối thiếc, bát sứ và 2 khẩu súng đồng mà thôi” . Những con số đã xác nhận một thực tế là hiệu quả kinh tế của đội Hoàng Sa rất thấp và có thể khẳng định Chúa Nguyễn lập ra đội Hoàng Sa không phải chủ yếu vì mục đích kinh tế.

Vậy thì mục đích chính của Chúa Nguyễn khi lập ra đội Hoàng Sa là gì?.

Tờ đơn xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa của phường An Vĩnh Cù Lao Ré đề ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775)  đã nói rất rõ: “Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm thêm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các cù lao ngoài biển tìm nhặt các hạng đồng, thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu dâng nạp. Nếu như có truyền báo xẩy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm, xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm nhặt bảo vật cùng thuế quan đem phụng nạp, xin dốc lòng làm theo sở nguyện chẳng dám kêu ca...”.

Tiến sĩ Gutzlaff sống trong nửa đầu thế kỷ XIX, hội viên của Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn (nước Anh), biên soạn cuốn sách Geography of the Cochinchinese Empire (Địa lý Đế quốc Đàng Trong) cũng cho biết: “Chính phủ An Nam nhận thấy lợi ích có thể đem lại được nếu như dựng lên một ngạch quan thuế và đã duy trì những thuyền đánh thuế và một đội quân nhỏ đồn trú ở tại chỗ để thu thuế đối với tất cả những ai đến đó, và để bảo vệ những dân chài của nước họ”.

Những dân binh tham gia đội Hoàng Sa, theo quy định của nhà nước họ là các “quân nhân” thực hiện các nghĩa vụ nhà nước giao cho một cách chặt chẽ và chuẩn xác: Cứ tháng 2 nhận giấy sai đi (nghĩa là khi đi ra biển phải có quyết định của triều đình) và tháng 8 về đất liền phải đưa thuyền thẳng vào cửa Eo đến thành Phú Xuân trình báo, nộp sản phẩm và lĩnh bằng (tức là được triều đình xác nhận là đã hoàn thành nhiệm vụ của năm).

Đội Bắc Hải - Một bộ phận của đội Hoàng Sa đặc trách quần đảo Trường Sa, vùng biển, đảo phía Nam Biển Đông và vịnh Thái Lan

Đội Hoàng Sa được tổ chức từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Ở thời điểm ấy, mặc dù đã có cả một chiến lược phát triển xuống miền Đông Nam Bộ, nhưng trong thực tế mối quan hệ giữa chúa Nguyễn Phúc Nguyên và quốc vương Chân Lạp Cheychetta II cũng mới được thiết lập. Sau khi công chúa Ngọc Vạn về làm dâu của triều đình Chân Lạp và sau khi có sự giúp đỡ của Đàng Trong mà Chân Lạp giành được chiến thắng vang dội trước các cuộc tấn công xâm chiếm của quân Xiêm vào các năm 1621, 1623, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mới bắt đầu đặt vấn đề mượn xứ Prei Nokor (Chợ Lớn) và Kàs Krobey (Bến Nghé xưa, nay là Sài Gòn) của Chân Lạp để làm trạm thu thuế thương chính. Đây được xem như là một cơ sở xác nhận chính quyền Đàng Trong đã bắt đầu có vai trò tổ chức, quản lý ở khu vực miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên xét trên phương diện chính thức thì vùng đất Đông Nai - Gia Định đến đây vẫn chưa thực sự nằm trong sự quản lý của chúa Nguyễn.

Mãi đến mùa xuân năm Mậu Dần (1698), theo lệnh của chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Hữu Cảnh tiến hành “chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long (nay thăng làm phủ) dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh. Mở rộng đất đai được nghìn dặm, dân số được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ những người dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về nam đến ở cho đông. Thiết lập xã thôn, phường ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệ thuế tô dung, làm sở đinh điền. Lại lấy người Thanh đến buôn bán ở Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn lập làm xã Minh Hương. Từ đó người Thanh ở buôn bán đều thành dân hộ [của ta]” .

Quá trình khẳng định chủ quyền của Đàng Trong ở trên đất Nam Bộ cũng đồng thời là quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của chúa Nguyễn ở các vùng biển đảo tương đương.

Năm 1698 dinh Trấn Biên mới được thành lập và Trương Phúc Phan là con rể của chúa Nguyễn Phúc Trăn (1688-1692) được cử làm Trấn thủ. Trách nhiệm của dinh Trấn Biên không chỉ cai quản toàn bộ khu vực huyện Phước Long ở phía đông sông Sài Gòn, bao gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Ria - Vũng Tàu hiện nay mà tất cả các đảo, quần đảo ở ven bờ và ngoài khơi tính từ bờ biển đổ ra. Năm 1702 theo sách Đại Nam thực lục tiền biên có 8 chiếc thuyền của người Man An Liệt (người Anh) do Nhất ban Tô Thích Già Thi chỉ huy cùng khoảng hơn 200 lính đánh chiếm Côn Đảo. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1692-1725) đã giao cho Trương Phúc Phan tổ chức cuộc tấn công tiêu diệt quân xâm lược. Vào mùa đông, tháng 10 năm 1703 Trương Phúc Phan đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh đuổi quân Anh ra khỏi bờ cõi . Đây được coi là trang sử vẻ vang mở đầu cho truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo của quân dân Nam Bộ, dù mới được tích hợp vào lãnh thổ, lãnh hải của Đại Việt trong thời gian chưa lâu.

Trước sự phát triển hết sức nhanh chóng của khu vực Gia Định dưới quyền quản lý của chính quyền chúa Nguyễn, Mạc Cửu càng ngày càng nhận thấy không thể không dựa vào chính quyền chúa Nguyễn nếu muốn tiếp tục củng cố và mở rộng thế lực trên vùng đất phía nam của vương quốc Chân Lạp, bên bờ vịnh Thái Lan, nên đã đem toàn bộ vùng đất đang cai quản về với chúa Nguyễn.

Việc vùng đất Hà Tiên được sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong là sự ki���n đánh dấu buớc phát triển quan trọng trong quá trình mở rộng chủ quyền của chúa Nguyễn trên vùng đất Nam Bộ. Đến đầu thế kỷ XVIII, chủ quyền Việt Nam đã mở rộng đến tận Hà Tiên và Mũi Cà Mau, bao gồm cả các hải đảo ngoài Biển Đông và vịnh Thái Lan.

Phạm vi hoạt động của đội Hoàng Sa thời kỳ mới thành lập chỉ chủ yếu là vùng quần đảo Hoàng Sa. Thế nhưng do sự phát triển quá nhanh về phía nam của cả lãnh thổ lẫn lãnh hải mà đội Hoàng Sa dù có cố gắng đến mấy thì cũng không thể nào bao quát hết được toàn bộ các vùng biển đảo giữa Biển Đông và nam Biển Đông, kể cả hệ thống các đảo là bộ phận hữu cơ của vùng đất Hà Tiên cho nên Chúa Nguyễn đã quyết định lập thêm đội Bắc Hải.

Lê Quý Đôn cho biết: “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai Cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được” . Như vậy địa bàn hoạt động của đội Bắc Hải tương đương với quần đảo Trường Sa, vùng biển, đảo phía Nam Biển Đông và vịnh Thái Lan, tuy hoạt động độc lập nhưng về nguyên tắc đội Bắc Hải vẫn do đội Hoàng Sa kiêm quản.

Bên cạnh đội Bắc Hải, vẫn theo ghi chép của nhà bác học Lê Quý Đôn: “Phủ Quy Nhơn thì các cửa biển Tân Quan, Thời Phú, Nước Ngọt, Nước Mặn đều có đảo nhiều yến sào, lập đội Thanh Châu để lấy. Ngoài biển phủ Bình Thuận thì có núi gọi là Côn Lôn, rộng mấy dặm, cũng nhiều yến sào. Ở ngoài nữa có núi gọi là Cù Lao Khoai, trước có nhiều hải vật và hóa vật của tàu, lập đội Hải Môn để lấy” . Đặc biệt, ở khu vực đảo Côn Lôn sau chiến thắng quân Anh năm 1703, chúa Nguyễn Phúc Chu cho tổ chức lại lực lượng bảo vệ đảo chặt chẽ hơn, nhưng về căn bản vẫn theo phương thức tổ chức nửa quân sự, nửa dân sự của đội Hoàng Sa. Theo Trịnh Hoài Đức trong  sách Gia Định thành thông chí thì “Dân ở đảo tự kết lại làm binh sĩ, gọi là Tiệp Nhất, Tiệp Nhị, Tiệp Ba đội, trực thuộc đạo Cần Giờ, có đủ khí giới để giữ gìn đất ấy phòng quân cướp hung dữ Đồ Bà, không cần kêu gọi chỗ khác đến giúp. Dân lính ở đây thường lấy yến sào, đồi mồi, vích, quế hương, mắm, ốc tai tượng, rồi theo mùa mà dâng nộp; còn lại thì đánh bắt hải sản như cá tôm để sinh sống” .

Hà Tiên là vùng đất cực nam, giữ vị trí đặc biệt hiểm yếu, ngay cả khi đã thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn thì các thế lực phong kiến Xiêm La, Chân Lạp vẫn tìm mọi cơ hội để giành giật lại, nhiều nhóm cướp biển lợi dụng tình hình phức tạp này đã ngang nhiên hành nghề, khiến cho chúa Nguyễn không thể không thắt chặt việc quản lý từ các cảng bến trong đất liền cho đến các đảo ngoài khơi như Phú Quốc, Thổ Chu… Những hoạt động khách quan và đầy trách nhiệm này đã đặt cơ sở đầy đủ và vững chắc cho quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của của chúa Nguyễn và cũng là cơ hội để Nguyễn Ánh thoát khỏi các cuộc tấn công của Tây Sơn.

Nhà Tây Sơn tiếp tục duy trì và phát huy vai trò trấn giữ Biển Đông của đội Hoàng Sa

Tuy xây dựng và phát triển lực lượng ban đầu ở miền núi rừng Tây Sơn (Bình Định), An Khê (Gia Lai), nhưng khi đã trở thành phong trào quật khởi của cả nước thì sức mạnh làm nên những kỳ tích anh hùng của Tây Sơn lại chủ yếu là lực lượng thủy quân.

Được thừa hưởng những cơ sở và kinh nghiệm của người Chăm, của vương quốc Chămpa và đặc biệt của các chúa Nguyễn trước đây, phong trào Tây Sơn, mà sau này là các vương triều Tây Sơn đều đặc biệt quan tâm bảo vệ chủ quyền trên biển và chăm lo xây dựng và phát triển lực lượng thuỷ quân, hải quân, trong đó trước hết và vô cùng quan trọng là tiếp tục duy trì, củng cố và phát huy vai trò giữ vững, bảo vệ và khai thác các vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc ở giữa Biển Đông của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải.

Tư liệu về đội Hoàng Sa và Bắc Hải như chúng tôi từng giới thiệu chủ yếu được khai thác và tập hợp từ sách Phủ Biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn. Lê Quý Đôn viết Phủ Biên tạp lục vừa bằng nguồn tư liệu lưu trữ của chúa Nguyễn, vừa bằng nguồn tư liệu mắt thấy, tai nghe. Nhiều nội dung hoạt động của đội Hoàng Sa được Lê Quý Đôn phản ánh là những câu chuyện mà ông sưu tập được trong 6 tháng làm Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hoá năm 1776. Lúc này cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã bùng nổ được 5 năm đang phát triển rất mạnh mà quân Trịnh sau gần 2 năm tiến vào Nam đang gặp nhiều khó khăn, Nguyễn Nhạc chủ trương tạm hoà với quân Trịnh để tập trung lực lượng đánh đổ chế độ chúa Nguyễn trước. Chủ trương của Nguyễn Nhạc đã được Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc chấp thuận dưới danh nghĩa “hàng phục”, trao cho chức hàm Tây Sơn trại trưởng hiệu Tráng tiết tướng quân và cử làm tiền khu của quân Trịnh để đánh quân Nguyễn ở Gia Định. Ngay sau đó quân Trịnh rút về Phú Xuân. Toàn bộ khu vực từ Quảng Nam trở vào Nam trên căn bản đã thuộc quyền kiểm soát của quân Tây Sơn.

Tương tự như Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Quýnh là người làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Song Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tỹnh), đỗ Tiến sĩ năm 1772, làm quan nhà Trịnh và năm 1775 cũng được điều vào Thuận Hoá đánh chúa Nguyễn. Từ năm 1783 cho đến năm 1785 ông được thăng chức Đốc thị Thuận Quảng và bị chết trận tại đây vào năm 1785. Trong khoảng thời gian hơn 10 năm ở Thuận Quảng, ông đã tập hợp các nguồn tư liệu và hoàn thành cuốn Quảng Thuận đạo sử tập. Trong sách có bản đồ tuy không trực tiếp vẽ quần đảo Hoàng Sa nhưng phần chú về Cù Lao Ré lại cho hay trên hòn đảo này “có dân xã An Vãng (đúng ra là phường An Vĩnh), sản dầu phụng, dệt vải, làm riêng đội Hoàng Sa Nhị, hàng năm cử đi 8 thuyền ra biển nhặt của quý về nộp tại Phú Xuân” . Những hình ảnh thực tế của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải mà Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Quýnh phản ánh cũng chính là hình ảnh của các lực lượng khai thác và bảo vệ Biển Động trong thời Tây Sơn và của vương triều Tây Sơn. Phong trào Tây Sơn ngay sau khi bùng nổ đã phát triển rất nhanh chóng và đến cuối năm 1773 đã giải phóng được một vùng rộng lớn từ Quảng Nam ở phía Bắc cho đến tận Bình Thuận ở phía Nam. Như thế là toàn bộ các vùng quê hương của hai đội Hoàng Sa, Bắc Hải, từ rất sớm, đã nằm trong khu vực kiểm soát của quân Tây Sơn. Nguồn tư liệu thư tịch đương đại khai thác được ở Cù Lao Ré (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là minh chứng sinh động cho thực tế này.

Vào ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) , Cai hợp phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn), xã An Vĩnh về kho Nội thuộc Hà Bạc huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi là Hà Liễu làm đơn trình bày rõ: “Nguyên xã chúng tôi xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631), Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn tâu xin, được cho lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và Quế Hương Hàm với nhân số 30 người. Hàng năm thường nạp thuế bằng 10 (thạch) đồi mồi, hải ba, 5 lượng quế hương. Đến năm Quý Mão (1723), vâng lệnh truyền rằng: Dân trong thuộc Hà Bạc ai có bằng son, đơn son thì nạp thuế biệt nạp và mang theo sổ sách. Thế là dân số phải bổ sung, dân binh cũng bắt đầu. Đến đó quân nhân xã chúng tôi còn 23 người, phải bổ sung người và chi tiền đi đường như trước, nên cai đội mới đốc suất được công việc từ đó đến nay. Bây giờ (năm 1775), chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng, thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo xảy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm nhặt báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp. Xin dốc lòng làm theo sở nguyện chẳng dám kêu ca. Chúng tôi cúi đầu mong ơn”. Từ đơn đã được chính quyền Tây Sơn (Thái Đức - Nguyễn Nhạc) xem xét, chuẩn cho và hiện vẫn còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh (nay là thôn Tây, xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Tờ đơn này là tài liệu chính thức, xác thực khẳng định các đội Hoàng Sa và Quế Hương chí ít đã xuất hiện từ cuối những năm 20 hay đầu những năm 30 của thế kỷ XVII, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên) và liên tục hoạt động trong suốt XVII cho đến năm 1775 khi Cai hợp Hà Liễu đưa lá đơn này, nó vẫn tiếp tục hoạt động. Đặc biệt, lá đơn còn cho biết cụ thể hơn về tổ chức, vai trò, chức năng và hoạt động bảo vệ chủ quyền, hoạt động khai thác báu vật của các đội Hoàng Sa và Quế Hương dưới danh nghĩa chính thức thực thi các nhiệm vụ được vương triều Tây Sơn (Thái Đức) giao phó và quản lý.

Cũng tại nhà thờ họ Võ, đến nay vẫn còn giữ được bản Chỉ thị ngày 14 tháng 2 năm thứ 9 niên hiệu Thái Đức (1786) của Thái phó Tổng lý Quản bình dân chư vụ Thượng tướng công “Sai Hội Đức hầu, Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thuỷ quân, cưỡi 4 chiếc thuyền câu vượt biển thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba, cá quý ... đều chở về kinh, tập trung nộp theo lệ. Nếu ngạo mạn càn bậy không đến, lại gian dối lấy bớt các vật quý, hoặc sinh sự với dân làm muối, làm cá đều sẽ bị trị tội”. Ngoài ra còn có bản Ngự phê lời tâu của xã An Vĩnh về việc dâng nộp các loại đồi mồi, hải ba, quế hương và xin miễn sưu dịch đã được thánh chỉ ban thưởng vàng và phê “Chuẩn cho”. Văn bản chép rõ: “Niên hiệu Thái Đức năm đầu đến năm thứ 15 (1778-1792)” và “niên hiệu Cảnh Thịnh năm đầu đến năm thứ 9 (1793-1801)”. Tờ đơn của phường An Vĩnh trên đảo Cù Lao Ré xin được tách ra khỏi xã An Vĩnh trong đất liền đề ngày 11 tháng 2 năm Gia Long thứ 3 (1804) cho biết dưới thời Tây Sơn cũng như thời các chúa Nguyễn trước đó, việc tổ chức các đội Hoàng Sa Đại Mạo là công việc chung của cả phường An Vĩnh lẫn xã An Vĩnh. Đến đây phường An Vĩnh mới được chính thức tách ra khỏi xã An Vĩnh trong đất liền, được miễn các nghĩa vụ đắp đê hay đền bù phần sưu thuế thiếu hụt do dân xã An Vĩnh phiêu tán không đảm đương hết và được phép tuyển lập các đội khai thác và bảo vệ các vùng biển đảo không phụ thuộc vào xã An Vĩnh nữa.

Trong một chuyến đi quy mô lớn của phái bộ của Bá tước Macartney từ Anh sang Trung Quốc có ghé qua khu vực Đà Nẵng vào tháng 6 năm 1793 (lúc đó đang dưới triều vua Quang Toản), thư ký phái bộ là Sir Georges Staunton khi về nước có viết cuốn du ký An authentic account of an Embassy from the King of Great Britain to the Emperor of China xuất bản ở London năm 1797, trong đó có tấm bản đồ về Biển Đông. Đây là tấm bản đồ được vẽ chuẩn xác hơn các bản đồ trước đó. Cụm đảo Hoàng Sa được ghi tên là Paracels, có vị trí ngắn và dịch cao hơn về phía Bắc, quá mũi Varella và tách riêng với nhóm đảo Maccelesfield. Đặc biệt phái viên của phái bộ là J. Barrow lại tập trung vào chuyến viếng thăm xứ Đàng Trong, kể lại tỷ mỉ trong cuốn A voyage to Cochinchina, in the years 1792-1793 (Một chuyến du hành tới xứ Đàng Trong, vào những năm 1792-1793): “Các tàu thuyền xứ Đàng Trong dùng vào việc buôn bán ven biển, chài lưới, thu lượm hải sản và tổ yến trong nhóm quần đảo gọi là Paracels (Hoàng Sa), thuộc nhiều kiểu dáng khác nhau…”. Như thế những thông tin về quần đảo Hoàng Sa của phái bộ Anh Macartney năm 1793 đã chứng tỏ những mối liên quan mật thiết và chủ quyền lãnh thổ quần đảo thuộc về chính quyền Đàng Trong lúc đó (tức là chính quyền Quang Toản), cũng như sự có mặt thường xuyên của tầu thuyền Tây Sơn tại vùng quần đảo này.

Các nguồn tư liệu ở Trung ương, địa phương, ở trong nước và ngoài nước đều thống nhất góp phần xác nhận một thực tế là vương triều Tây Sơn tiếp nối thành tựu của chúa Nguyễn trước đây, triển khai các hoạt động thực thi chủ quyền trên các quần đảo ngoài Biển Đông không chỉ dừng lại ở các chủ trương của nhà nước, mà trong thực tế đã được chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm chỉnh với các hình thức phong phú, đa dạng.
Việc tái lập hay giải thể các đội Hoàng Sa, Bắc Hải đều nhằm tăng cường lực lượng trấn giữ Biển Đông của Vương triều Nguyễn

Đội Hoàng Sa khi mới thành lập chỉ là lực lượng bán quân sự. Trong quá trình hoạt động, do yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo mà tổ chức, kỷ luật càng ngày càng chặt chẽ, chức năng quân sự càng ngày càng được tăng cường. Ngay từ đầu đời Tây Sơn, theo Chỉ thị của Thái phó Tổng lý quản binh chư vụ Thượng tướng công cho Cai đội Hoàng Sa Hội Đức hầu ngày 14 tháng 2 năm 1786 thì đội Hoàng Sa phải cắm biển hiệu Thủy quân, nghĩa là nó cần phải hoạt động dưới danh nghĩa một tổ chức quân đội của nhà nước đương đại .

Sau khi đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước, cai quản một vùng biển đảo rộng dài hơn tất cả các triều đại trước trong lịch sử, vua Gia Long (1802-1820) ngay lập tức cho tái lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải. Các đội Hoàng Sa và Bắc Hải hoạt động hiệu quả trong khoảng hơn một thập kỷ đầu thế kỷ XIX, nhưng do yêu cầu mới của công cuộc khai thác, xây dựng và bảo vệ biển đảo mà Gia Long đã từng bước tích hợp dần các đội Hoàng Sa, Bắc Hải vào đội Thủy quân, hay nói một cách khác đã từng bước chính quy hóa lực lượng bảo vệ biển đảo, biến các đội bán quân sự, bán vũ trang thành lực lượng quân sự chính quy của nhà nước với trang bị tầu thuyền, vũ khí hiện đại và tổ chức kỷ luật chặt chẽ hơn. Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải sau hai thế kỷ đóng vai trò là lực lượng chủ yếu, độc đáo và duy nhất dưới danh nghĩa nhà nước khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền ở Biển Đông tuy không còn hoạt động, nhưng trong thực tế đã được tích hợp vào đội Thủy quân, vai trò, vị trí và chức năng của nó không hề bị mất đi mà càng được nâng cao trong cơ cấu tổ chức mới của đội Thủy quân. Sự chấm dứt hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải tuyệt nhiên không phải là sự từ bỏ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa mà chính là quyết tâm rất cao của các vương triều phong kiến Việt Nam trong giai đoạn phát triển và hưng thịnh của mình.

Trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, năm 1816 là năm có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đây là thời điểm mà vua Gia Long đã thi hành các biện pháp rất quyết liệt để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Vương triều Nguyễn ở Hoàng Sa và Trường Sa, cho nên ông không thể không đưa lực lượng Thủy quân hùng mạnh của mình trực tiếp quản lý và bảo vệ chủ quyền ở các quần đảo giữa Biển Đông. Đến đây chức năng bảo vệ biển đảo bắt đầu được chuyển dần từ đội Hoàng Sa sang đội Thủy quân.

Tiếp nối và phát huy trên một tầm cao mới truyền thống và kinh nghiệm khai thác và bảo vệ biển đảo từ thời các Chúa Nguyễn và nhất là từ thời vua cha Gia Long, Minh Mệnh lên ngôi Hoàng đế vào năm 1820 và suốt hai thập kỷ trị vì của mình, ông đã đẩy hoạt động chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa lên đỉnh cao nhất so với tất cả các triều đại quân chủ cả trước ông và sau ông.

Minh Mệnh đã cho triển khai hàng loạt các hình thức và biện pháp thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa như vãng thám, kiểm tra, kiểm soát, khai thác hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ để lưu dấu ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết... Lực lượng mà ông đưa ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa và Trường Sa bao gồm các đội Thủy quân, Vệ giám thành, Biền binh, binh đinh và dân phu. Mỗi chuyến đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đều phải có quyết định của triều đình dưới hình thức “tờ sai để thi hành công vụ” và nhiều khi chính nhà vua trực tiếp chỉ đạo việc quyết định cho thuyền ra khơi hay tạm dừng vì bão gió. Sau khi kết thúc công việc họ phải chạy thuyền thẳng về Huế để báo cáo tình hình, khai nộp hóa vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra đánh giá và tùy mức độ đóng góp hay vi phạm mà luận công hay định tội, thưởng phạt công minh. Cũng bắt đầu từ thời Minh Mệnh trên các nguồn tư liệu chính thức của Nhà nước không còn thấy chép đến đội Hoàng Sa nữa, mà vai trò và chức năng của đội Hoàng Sa đã được chuyển hẳn sang cho đội Thủy quân. Tuy nhiên khi đi sâu nghiên cứu các nguồn tư liệu cụ thể và nhất là nguồn tư liệu thực địa tại quê hương đội Hoàng Sa thì chúng ta vẫn có thể hình dung ra hình bóng của đội Hoàng Sa vẫn còn được giữ lại trong cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của các đội Thủy quân hoạt động ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Đành rằng không còn danh nghĩa đội Hoàng Sa, hay là đội Hoàng Sa đã được tích hợp vào đội Thủy quân hoặc dưới một danh nghĩa nào khác, thì người được điều ra quản lý, khai thác thực thi bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa thời Minh Mệnh và nhiều thập kỷ tiếp theo vẫn chủ yếu là người ở quê hương đội Hoàng Sa.

Phạm Quang Ảnh từ sau khi đội Hoàng Sa không còn hoạt động vẫn tiếp tục phục vụ ở Hòang Sa và Trường Sa với tư cách là người chỉ huy đội Thủy quân. Suất đội Thủy quân Phạm Hữu Nhật, Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên, Suất đội thủy sư Phạm Văn Biện và những người dẫn đường nổi tiếng Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, Đặng Văn Siểm... thông thạo biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa như trong lòng bàn tay, đều là những người con ưu tú của An Vĩnh, An Hải. Tờ lệnh ngày 15 tháng 4 năm 1834 của triều đình Minh Mệnh giao cho Võ Văn Hùng chuẩn bị 3 chiếc thuyền, 8 thủy thủ, 24 lính giỏi bơi lặn ra đi Hoàng Sa, Trường Sa  góp phần kiểm chứng các nguồn thông tin trong Đại Nam thực lục, Châu bản triều Nguyễn và khẳng định quê hương đội Hoàng Sa vẫn là nơi cung cấp chủ yếu nguồn nhân lực canh giữ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa. Không chỉ làm nghĩa vụ với nhà nước, Hoàng Sa - Trường Sa lâu dần đã trở thành ngư trường chính yếu, gắn bó máu thịt với mỗi gia đình, mỗi người dân Sa Kỳ, Lý Sơn. Vùng cửa biển Sa Kỳ và huyện đảo Lý Sơn vì thế đã trở thành không gian văn hóa quê hương đội Hoàng Sa, với các giá trị đích thực và đặc trưng mà không có bất cứ một nơi nào khác ở khu vực Biển Đông và phụ cận có thể có được./.
                          GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
Theo biengioilanhtho.gov.vn

Tin Liên Quan

Căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Thời kỳ từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến Chiến thắng Mùa xuân 1975

Bản đồ cổ Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Nhiều bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ đều cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Thêm tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Cuốn sách vừa được phát hiện mang tên "Khải đồng thuyết ước” được xác định là cuốn sách viết bằng chữ Hán và chữ Nôm từ thời vua Tự Đức, ghi chép về thiên văn, địa lý do soạn giả Kim Giang Phạm Phục Trai thi Ân khoa năm Thiệu Trị thứ...

Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên các bản đồ nước ngoài

Hiện tại các trung tâm lưu trữ trên thế giới còn lưu giữ nhiều bản đồ cổ, trong đó thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam.

Các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Phần XV

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Việc xác lập và thực thi chủ quyền của triểu đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể...

Các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Phần XIV

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Việc xác lập và thực thi chủ quyền của triểu đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể...