Mùa lê ở “cao nguyên trắng”

Cao nguyên trắng Bắc Hà đón cơn mưa đầu mùa sau một giấc ngủ say nồng, mặt trời nhô lên từ chóp núi Ba mẹ con, tỏa những tia nắng ấm áp, vén màn sương trắng muốt hờ hững buông trên ngọn cây. Nơi này quanh năm tiết trời mát mẻ, nên dường như bốn mùa “hoa thơm trái ngọt”, nhất là những loại hoa quả và rau ôn đới. Mùa này, du khách đến Bắc Hà, sẽ được tự mình hái những quả lê ngọt mát trong những ngày trời trong xanh, mây trắng bay và nắng vàng ngập tràn rực rỡ.
Mùa lê Tai nung thu hút khách du lịch đến trải nghiệm.

Dẫn tôi đi thăm vườn lên Tai nung ở xã Tà Chải, ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Bắc Hà cho biết: Sau mùa thu hoạch đào Pháp, mùa mận Tam hoa, hiện tại mùa lê Tai nung, lê xanh ở Bắc Hà đang vào vụ chín rộ, không chỉ là sản phẩm nông nghiệp được thị trường ưa chuộng, còn là dịp để du khách đến Bắc Hà được tham quan những vườn lên, trải nghiệm hái lê cũng rất thú vị. Huyện Bắc Hà hiện có 223 ha cây lê, trong đó có 210 ha trồng giống lê Tai nung, bà con trồng tập trung ở thị trấn Bắc Hà, xã Na Hối, Tà Chải, Tả Van Chư... Sản lượng quả lê năm nay ước tính sẽ thu hoạch khoảng 200 tấn, giá bán lê quả tại Bắc Hà từ 40-50 nghìn đồng/kg.

Câu chuyện của cây lê Tai nung “bén duyên” đất này vào một ngày mưa mát dịu, dường như thiên nhiên và khí hậu trong lành đã trở thành miền đất mới cho cây cối nảy mầm đơm hoa kết trái. Bởi vậy, sau những tháng ngày ngóng đợi, những cây lê cứ thế lên xanh, tốt tươi lá cành, rồi một năm, hai năm, trong sự mong ngóng những lứa hoa bói đầu tiên, rồi đậu quả… Mùa quả bói đi qua, giờ đây cả một vùng bạt ngàn lê chờ tay người đến hái.

Ông Lương Quang Thạch, Trại trưởng Trại Nghiên cứu và Sản xuất rau quả Bắc Hà cho biết: Rất nhiều du khách mỗi khi đến Bắc Hà đều chọn điểm đến là những vườn lê xanh mướt để “check-in”, trải nghiệm hái lê và mua về làm quà.

Sau khi mãn nhãn với khung cảnh bạt ngàn của vườn lê tại Trại Nghiên cứu và Sản xuất rau quả Bắc Hà, chị Huỳnh Trang Linh, du khách đến từ tỉnh Bình Dương vui vẻ chia sẻ: Lần đầu tiên tôi được cùng gia đình trải nghiệm vườn lê ở một nơi đầy thú vị như thế này. Tự tay chọn hái và thưởng thức những quả lê chín mọng ở một nơi xa, tận hưởng không khí trong lành dịu mát giữa một vùng thiên nhiên tươi đẹp, không gì tuyệt vời hơn… Đặc biệt, trong hành trình trải nghiệm thu hái lê, chúng tôi còn được khám phá nét đặc sắc không gian văn hóa trưng bày ở dinh thự Hoàng A Tưởng; thư thái “trecking” vào những bản làng của người Tày. Những ai đã lên Lào Cai, mà chưa được trải nghiệm mùa thu hoạch lê đặc sản ở vùng cao Bắc Hà thì hãy nên một lần dành thời gian để đến… 

Không chỉ có vậy, cuốn hút hơn là tất cả các du khách còn được trải nghiệm một đêm ngon giấc trong những homestay ở Bản Phố, Tà Chải hoặc Na Hối, được thưởng thức những món ẩm thực độc đáo của người vùng cao và hòa mình vào “dập dìu sắc màu chợ phiên”. Trải nghiệm thu hái những thứ quả đặc sản ở “cao nguyên trắng” không chỉ đem đến cho du khách muôn phương một sản phẩm du lịch độc đáo, mà còn mở ra một không gian văn hóa giàu bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số đang an cư trên mảnh đất này. Cùng với những lễ hội Gầu Tào của người Mông, điệu xòe Tà Chải; trải nghiệm leo núi Ba mẹ con; Giải đua ngựa truyền thống “Vó ngựa cao nguyên trắng”, mới đây huyện Bắc Hà đã tổ chức thành công Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà 2019 với các sự kiện lễ hội hoa hồng và rượu vang; lễ hội hái mận Tam hoa, thăm vườn lê Tai nung... thu hút rất đông khách du lịch đến tham dự và trải nghiệm.

Những quả lê màu xanh vàng chín mọng, ngọt mát giữa cái nắng của ngày hè. Những vườn lê cứ trải dài trên những sườn đồi, lấp ló những chùm quả căng tròn sai lúc lỉu. Mùi hương của lê chín lan tỏa khắp không gian dịu nhẹ, đến nao lòng. Những cô gái miền sơn cước mặc trang phục truyền thống, lưng đeo gùi mây, đi dưới những tán lê xanh mướt, lựa cho bằng được những quả lê đến độ vào đường ngọt mát, căng tròn mới hái cho du khách. Mọi người không chỉ chiêm ngưỡng cuộc sống sinh hoạt thường nhật mà còn được hòa mình vào không khí của một mùa thu hoạch quả ngọt nơi miền  “núi non xanh thắm”.

Bất cứ ai đã một lần đặt chân đến miền đất này, chắc hẳn đều say lòng bởi những trải nghiệm du lịch, văn hóa đầy thú vị. Để rồi, quyến luyến chia tay, sẽ không thôi nhớ mãi về một “cao nguyên trắng” với niềm yêu thương da diết, còn vấn vương trong ánh mắt nồng nàn của cô gái Mông, Dao, Phù Lá trong ngày hội, còn đọng lại dư vị “ngọt ngào cành lê em hái” trong hành trang khám phá về một mảnh đất nơi biên cương…

 
Theo Kiều Lê/LCĐT

Tin Liên Quan

Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa

Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Lào Cai.

Bánh chưng cốm của người Thái

Vùng đất Thẳm Dương (Văn Bàn) không chỉ nổi tiếng với giống nếp đệ nhất “nữ hoàng” Khảu Tan Đón, còn có món bánh chưng cốm đang được cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào dân tộc Thái nơi đây xây dựng trở thành thương hiệu riêng.

Làng làm bánh chưng Ún Tà vào tết

Đến làng Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) những ngày tháng Chạp. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng máy cắt ống cây nứa, tiếng lách cách chẻ ống lam, đặc biệt là mùi gạo nếp thơm nức của những mẻ bánh chưng vừa luộc sẵn sàng phục vụ khách hàng chuẩn bị đón tết.

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.