'Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương' của ASEAN: Thông điệp cho các cường quốc

Hãng tin Antara (Indonesia) mới đây đăng bài viết “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN: Thông điệp cho các cường quốc”, trong đó phân tích ý nghĩa, giá trị và tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định khu vực và tương lai của ASEAN.

“Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của ASEAN đã được các nhà lãnh đạo Đông Nam Á thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 hồi tháng 6 vừa qua. Nó trở thành một món quà đặc biệt cho ASEAN khi bước sang tuổi 52 vào ngày 8/8/2019.

Mong muốn của ASEAN

Đề xuất này của Indonesia đã định hướng cho ASEAN khi đối mặt với cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc ở khu vực Đông Nam Á. Việc ASEAN đạt được đồng thuận về vấn đề này không thể tách rời khỏi vai trò của Indonesia, nước đã kiên trì vận động 9 nhà lãnh đạo ASEAN khác.

Tầm nhìn thể hiện mong muốn duy trì sự ổn định khu vực, đảm bảo tương lai cho ASEAN và không phụ thuộc vào ý muốn của một số cường quốc. Điều này khẳng định lập trường của ASEAN không đứng về bất kỳ cường quốc nào trong tranh giành ảnh hưởng ở khu vực ASEAN. Nguyên nhân của cuộc tranh giành ảnh hưởng là do khu vực Đông Nam Á có giá trị chiến lược rất lớn vì nằm trên tuyến đường thương mại giữa khu vực Đông Á tới các quốc gia châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Ấn Độ. Với dân số khoảng 660 triệu người và sự ổn định khu vực được bảo đảm tốt, ASEAN thu hút sự quan tâm của các siêu cường vì nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Với Tầm nhìn này, ASEAN hiện có định hướng trong việc bảo vệ lợi ích chung ở khu vực trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc thông qua Tầm nhìn là rất quan trọng để duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á.

Khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành công cụ giúp ASEAN tham gia giải quyết các vấn đề ở khu vực mà qua đó, các nước đối tác, đối thoại của ASEAN gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Mỹ, có thể ủng hộ quan điểm của ASEAN.

Hai lợi ích cốt lõi

Tiến sĩ Teuku Rezasyah - giảng viên quan hệ quốc tế của Đại học Padjadjaran - cho rằng, việc các nước đối tác sẵn sàng ủng hộ quan niệm Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương do ASEAN xây dựng chứng tỏ sự tin cậy trong hợp tác khu vực. Do đó, ASEAN cần thực hiện nhiều kịch bản liên kết khác nhau, dựa trên chủ quyền khu vực, quyền sống trong môi trường láng giềng tốt và sự bình đẳng trong luật pháp quốc tế mà không cần phải tạo ra sự cạnh tranh mới giữa các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Teuku Rezasyah lưu ý rằng, để tạo ra sự hiểu biết về hạ tầng tổ chức linh hoạt, các quan niệm chiến lược không nên hướng đến việc hình thành các liên minh mới, mà cần tạo lập quan hệ công bằng và bền vững, không nên vội vã hình thành các cơ chế. Điều này rất quan trọng để ngăn chặn những ý tưởng lẻ tẻ của các thành viên trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể làm hỏng các sắc thái của sự ổn định. Với Tầm nhìn này, ASEAN sẽ thực hiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hợp tác hàng hải, kết nối, các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc năm 2030 và các lĩnh vực hợp tác kinh tế khác.

Phát biểu tại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 28/8, Đại sứ Indonesia tại Vương quốc Anh, Ireland và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), ông Rizal Sukma cho rằng, Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN là một nhu cầu chiến lược. ASEAN không còn có thể chỉ thụ động trong khi các cường quốc ngoài khu vực lại chủ động định hình tương lai của chính khu vực này. ASEAN phải đảm bảo rằng, hai lợi ích cốt lõi - Vai trò trung tâm của ASEAN và sự tự chủ chiến lược của khu vực - sẽ được duy trì, củng cố và tăng cường. ASEAN hy vọng rằng, Tầm nhìn này sẽ mang lại nền tảng cần thiết để thực hiện điều đó.

Theo ông Sukma, Tầm nhìn này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sáng kiến và quyết tâm của Indonesia. Dưới sự lãnh đạo và tham gia trực tiếp của Ngoại trưởng Retno, Indonesia đã thuyết phục được các đối tác trong khu vực rằng, đây là nhu cầu chiến lược để ASEAN đưa ra tầm nhìn về tương lai của trật tự và cấu trúc khu vực. Indonesia đặt kỳ vọng vào Tầm nhìn này để giải quyết các thách thức chiến lược trong khu vực và tạo động lực cho sự hợp tác khu vực lớn hơn.

Chìa khóa của thành công

Về mặt chiến lược, họ hy vọng, Tầm nhìn có thể đóng vai trò là một nền tảng mà qua đó có thể giảm nhẹ và ngăn chặn xung đột do sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Ông Sukma nói: "Hy vọng, Tầm nhìn sẽ đóng vai trò là nơi gặp gỡ toàn diện cho các tầm nhìn khác nhau về trật tự khu vực. Và quan trọng nhất, nó mang lại hy vọng sẽ phát huy vai trò trung tâm, duy trì sự thống nhất, đoàn kết và quyền tự chủ chiến lược của ASEAN”.

Để “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN có ý nghĩa, đòi hỏi phải có một nền tảng. Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) có tiềm năng trở thành một nền tảng như vậy. Ông Sukma nói: "Tầm nhìn là bước đi đúng đắn. Tuy nhiên, thách thức tương lai còn lớn hơn nhiều so với việc đạt được một sự đồng thuận. Indonesia nên hồi sinh ý tưởng để nâng tầm Hiến chương ASEAN và đánh giá làm thế nào có thể cải thiện nó để trang bị tốt hơn cho ASEAN nhằm ứng phó với các thách thức hiện tại và tương lai. Rốt cuộc, tăng cường sự thống nhất và năng lực thể chế mạnh mẽ là chìa khóa cho vai trò trung tâm của ASEAN"./.

 
(theo baoquocte.vn)

Tin Liên Quan

Lễ khởi động Năm giao lưu nhân dân ASEAN-Trung Quốc 2024

Lễ khởi động là một trong những hoạt động trọng điểm triển khai quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26 (Jakarta, tháng 9/2023) nhằm đẩy mạnh giao lưu nhân dân, làm sâu sắc giao lưu văn hóa và thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Thủ tướng truyền tải thông điệp quan trọng về 'Bài học từ ASEAN' tại WEF Davos

Chiều 17/1 (giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính tại phiên thảo luận "Bài học từ ASEAN" trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2024.

Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á

Ngày 30/12/2023, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á.

Lào sẵn sàng đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN lần thứ 3 trong năm 2024

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, hiện Lào đã sẵn sàng đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2024 với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy sự kết nối và tự cường”.

Khai mạc Diễn đàn chiến lược ASEAN-Hàn Quốc

Ngày 1/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn chiến lược ASEAN-Hàn Quốc với chủ đề "Hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Hàn Quốc vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng". Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất.

Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 sẽ diễn ra từ 20-23/9 tại Đà Nẵng

Từ ngày 20-23/9, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16, Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN+3 lần thứ 7 và các hội nghị quan chức cấp cao liên quan. Quy mô khoảng 100-150 đại biểu quốc tế và 250-300 đại biểu Việt Nam.