Lào Cai: Khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch

Trong quá trình mở cửa, giao lưu hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, hoạt động du lịch của tỉnh Lào Cai đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Có được những thành công này là do ngành văn hóa, thể thao và du lịch Lào Cai đã xác định phương thức để phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa dân tộc nhằm tạo nên sự khác biệt, độc đáo thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2014-2019, Lào Cai đã xây dựng thêm được 19 hồ sơ khoa học, nâng tổng số di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia toàn tỉnh lên 26 di sản. Trong đó “nghi lễ kéo co Tày, Giáy” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; nghi lễ then Tày đang trình đề nghị UNESCO công nhận là di sản đại diện nhân loại. Công tác tuyên truyền về bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được chú trọng. Các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được khai thác trở thành nguồn lực, sản phẩm du lịch, phục vụ phát triển du lịch của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Rước mâm lễ trong lễ hội Roóng poọc

Các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu “biến di sản thành tài sản” góp phần tạo ra những loại hình sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn hơn, chân thực hơn trên nền tảng là văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy. Các làng cổ của các dân tộc tiêu biểu ở Lào Cai phát huy thế mạnh trở thành các điểm du lịch hấp dẫn như thôn Cát Cát của người Mông xã San Sả Hồ, thôn Sả Séng của người Dao xã Tả Phìn, và thôn Bản Dền của người Tày xã Bản Hồ (huyện Sa Pa); thôn Lao Chải của người Hà Nhì xã Ý Tý (huyện Bát Xát); thôn Trung Đô của người Tày xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà). Từ năm 2019, tỉnh Lào Cai tiếp tục khảo sát và đưa vào kế hoạch triển khai bảo tồn làng văn hóa thôn Choản Thèn của người Hà Nhì Đen xã Y Tý huyện Bát Xát. Đây sẽ là một cú hích lớn cho vùng đất miền biên viễn xa xôi của Bát Xát được du khách biết tới và thêm một địa chỉ yêu thích cho du khách khi tới với Lào Cai.

Với những kết quả đã đạt được trong phát triển du lịch cộng đồng, Tổng cục Du lịch đã ghi nhận Lào Cai là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng (trên địa bàn tỉnh có trên 362 hộ kinh doanh homestay, 12 điểm du lịch được công nhận điểm cộng đồng). Đây là loại hình “du lịch xanh” được khách du lịch quốc tế yêu thích khám phá, 2 năm liền (2016, 2017) đạt giải thưởng Homestay Asean. Qua loại hình du lịch này đã quảng bá hình ảnh về Lào Cai; nâng cao thu nhập cho người dân; gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng việc xây dựng và phát triển văn nghệ quần chúng, khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 1.000 đội, câu lạc bộ văn nghệ trong đó có gần 600 đội, câu lạc bộ văn nghệ tại thôn bản thường xuyên tập luyện và duy trì hoạt động với từ 1.500 đến 2.000 buổi biểu diễn trong năm. Các đội văn nghệ đã áp dụng biện pháp kế thừa di sản bằng phương pháp trao truyền các thế hệ. Trong số các đội văn nghệ cơ sở, mô hình đội văn nghệ quần chúng gắn với bản sắc tộc người được thường xuyên duy trì và phát triển. Việc bảo tồn các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống được chú trọng thông qua tổ chức các liên hoan, hội thi nghệ thuật quần chúng, thi trình diễn trang phục dân tộc... thu hút hàng nghìn diễn viên, nghệ nhân tham gia; tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong cộng đồng, cổ vũ cho hoạt động sáng tác và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng.  

Du khách trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn bản sắc văn hóa còn một số hạn chế nhất định. Bản sắc văn hóa của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một cao, chưa có phương án bảo tồn, phát huy hiệu quả; do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nên đã làm cho một bộ phận con em đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng đô thị, ven đô và cả ở nông thôn dần đánh mất nét văn hóa đặc trưng về ngôn ngữ, trang phục, các phong tục tập quán truyền thống của dân tộc mình. Số lượng nghệ nhân am hiểu vốn văn hóa truyền thống dân tộc ngày càng ít về số lượng, người hiểu biết tuổi cao, sức khỏe yếu nên việc thực hành trao truyền vốn văn hóa cho con cháu, lớp trẻ gặp khó khăn.

Du lịch văn hóa đang trở thành xu thế chủ đạo trong việc phát triển của ngành du lịch, nhằm khai thác tiềm năng di sản văn hóa. Đối với một tỉnh giàu tiềm năng di sản như Lào Cai, sự nhận thức đúng về mối quan hệ giữa di sản văn hóa và hoạt động du lịch sẽ tạo nên sự tương tác tích cực giữa bảo tồn và phát triển, văn hóa và du lịch trong phát triển bền vững./.

Xuân Huệ

Tin Liên Quan

Thực hiện thí điểm một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy - Bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, từ tháng 12/2023, Lào Cai đã triển khai thực hiện thí điểm "một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy, một số ngày không tiếp nhận bản giấy" trên địa bàn tỉnh.

Sự đồng thuận quan trọng của EU

Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua 10 điều luật nhằm cải cách chính sách di cư và tị nạn của Liên minh châu Âu (EU). Đây được đánh giá là sự kiện lịch sử, bước ngoặt quan trọng nhằm tăng cường đoàn kết cũng như trách nhiệm của các nước thành viên EU trong việc tìm “chìa khóa” cho vấn đề người di cư,...

Lào Cai: Quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh

Thời gian qua, trật tự, an toàn giao thông trong học sinh trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn biến phức tạp. Nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh gây hậu quả nghiêm trọng. Trước tình hình đó, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh.

Thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVII

Ngày 9/4/2024, Tỉnh ủy ban hành các quyết định về việc thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Phụ nữ Lào Cai rạng rỡ trong trang phục truyền thống

Lào Cai là mảnh đất có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Sự đa sắc màu đó đã tạo nên bức tranh văn hóa ấn tượng và một trong số đó là trang phục truyền thống. Những người phụ nữ của đồng bào các dân tộc ở Lào Cai vẫn luôn tự hào, gìn giữ và tỏa sáng với trang phục truyền thống của dân tộc...

Khơi dậy nội lực và khát vọng vươn lên trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chương trình mới, tiếp tục khẳng định sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng và nhà nước ta đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và những khu vực còn nhiều khó khăn. Sau 3 năm triển khai,...