Gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc

Là địa danh du lịch nổi tiếng, huyện Sa Pa có sức hút kỳ lạ với du khách trong nước và quốc tế bởi nét mộc mạc, đơn sơ nhưng rất đặc sắc trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc nơi đây.

Trước nguy cơ sản phẩm lá thuốc tắm của người Dao đỏ bị mai một, năm 2006, ông Lý Láo Lở (xã Tả Phìn) đã vận động anh em trong dòng họ thành lập công ty để kinh doanh các sản phẩm bản địa của dân tộc Dao đỏ, trong đó có sản phẩm thuốc tắm. Ông Lở cho biết, các bài thuốc tắm của người Dao đỏ ở Tả Phìn có từ lâu đời. Tắm lá thuốc có thể trị được nhiều bệnh, phổ biến nhất là dùng để xông hơi, chữa trị cảm cúm, giúp khí huyết lưu thông… Tuy nhiên, theo thời gian, các bài thuốc tắm của người Dao đỏ cũng bị mai một. Việc thành lập công ty xuất phát từ mong muốn gìn giữ những bài thuốc tắm của người Dao đỏ, đồng thời từ các bài thuốc tắm kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Đồng bào Sa Pa luôn có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Trên địa bàn huyện Sa Pa hiện có 6 dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Mông, Dao, Xa Phó, Tày, Giáy), mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng tạo nên kho tàng văn hóa đồ sộ, phong phú với nhiều loại hình khác nhau về lễ hội, phong tục, tập quán, trang phục, nghề truyền thống… Lễ hội của các dân tộc ở Sa Pa rất đặc sắc, còn in đậm nhiều yếu tố tín ngưỡng cổ. Lễ hội thường diễn ra trong những tháng đầu xuân và chủ yếu trong phạm vi một làng, một vùng. Người Mông có lễ “Nào Sồng” (ăn thề đầu năm) được tổ chức vào ngày Thìn tháng Giêng tại khu rừng cấm của cả làng; người Dao có lễ “Nhặn Sồng” tổ chức vào ngày mùng một hoặc mùng hai Tết Nguyên đán với các loại hình nghệ thuật dân gian như nhảy múa đan xen với âm nhạc, cùng với nghệ thuật ngôn từ kể về sự tích của dòng họ Bàn, Triệu, Đặng…; người Giáy có lễ hội “Roóng poọc”; người Xa Phó ở Nậm Sang (xã Nậm Sài) có lễ hội “Quét làng” vào ngày 2/2 (âm lịch) với nhiều nghi thức nhằm trừ tà, cầu an... Hiện quy mô lễ hội truyền thống của các dân tộc ngày càng được mở rộng để thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Nhắc đến bản sắc văn hóa các dân tộc ở Sa Pa không thể không nhắc tới trang phục truyền thống. Trang phục của đồng bào dân tộc là một nghệ thuật tạo hình dân gian đặc sắc. Với khí hậu nhiệt đới, mùa đông lạnh và kéo dài nên trang phục của bà con nơi đây cũng mang những nét đặc trưng riêng. Người Dao, Xa Phó ưa trang phục có gam màu nóng. Các băng thêu dải dày được làm bằng màu đỏ kết hợp với màu vàng, trắng nổi bật trên nền chàm tạo nên vẻ đẹp rực rỡ. Đối với người Mông, trang phục ngày thường chủ yếu là màu chàm sẫm, các hoa văn ở thắt lưng, cổ áo là màu xanh lục, màu vàng...

Làng nghề làm thổ cẩm ở Nậm Sài (Sa Pa).

Bản sắc văn hóa các dân tộc ở Sa Pa còn được thể hiện trong một số nghề thủ công tiêu biểu. Người Xa Phó có nghề dệt vải, thêu trang phục, đan lát. Người Dao có nghề thêu hoa văn thổ cẩm, nấu rượu, làm giấy. Người Tày có nghề làm chăn đệm. Người Mông có nghề rèn đúc. Các làng nghề truyền thống cũng được các địa phương quan tâm phục dựng để gắn với phát triển du lịch cộng đồng, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Có thể nhận thấy điều này tại thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ hiện còn 54 gia đình trồng lanh, dệt vải in sáp ong, 3 lò rèn, 1 lò chạm khắc bạc, 5 hộ làm đồ mộc, 2 hộ làm đồ đá và một số nghệ nhân làm tranh cắt giấy, đan lát. Các nghề thủ công với những bí quyết mang dấu ấn tộc người thực sự là di sản văn hóa dân gian đặc sắc được Sa Pa quan tâm bảo tồn và truyền nghề.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch thời gian qua đã được tỉnh và huyện Sa Pa đặc biệt quan tâm, coi đó là hướng đi bền vững giúp người dân Sa Pa không chỉ giữ được bản sắc riêng của dân tộc mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Du khách đến với Sa Pa không chỉ được nhìn, được nghe mà còn được trải nghiệm và hòa mình với cuộc sống mang đậm bản sắc văn hóa lâu đời của cộng đồng các dân tộc. Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai vào tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Xây dựng Sa Pa thành thị xã phải đi đôi với việc giữ gìn nguyên vẹn nét văn hóa các dân tộc trên địa bàn, để Sa Pa phát triển không chỉ là những ngôi nhà, những con đường mà bản sắc văn hóa các dân tộc anh em nơi đây cũng rất quan trọng.

Theo Ba Zin

Tin Liên Quan

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.