Bắc Hà: Nhiều kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua huyện Bắc Hà đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Bắc Hà đã có 4 xã gồm: Tà Chải, Bảo Nhai, Na Hối và Nậm Đét đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2019, có thêm xã Bản Phố đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 5/20 xã, đạt 100% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Những kết quả bước đầu này đã đem lại diện mạo mới cho nhiều bản làng vùng cao ở địa phương được mệnh danh là “Cao Nguyên Trắng”.

Bắc Hà có 21 xã, thị trấn với 189 thôn, tổ dân phố, trong đó có tới 17 xã đặc biệt khó khăn. Đây là một trong những huyện nghèo của cả nước và là một trong 3 huyện nghèo của tỉnh được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện có 14 dân tộc sinh sống, gồm Mông, Dao, Phù Lá, La Chí, Tày, Nùng… Dân tộc thiểu số chiếm 81,37%, trong đó đồng bào Mông chiếm 44,15% dân số của huyện. Trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn. Do vậy, trong những năm qua địa phương đã có nhiều nỗ lực phát triển về kinh tế xã hội, đặc biệt công tác xây dựng nông thôn mới luôn được các cấp chính quyền xác định là một nhiệm vụ quan trọng.

Với đặc thù địa phương vùng cao có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống nên chính quyền địa phương rất chú ý đến việc xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch được coi là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới. Điều đó được thể hiện qua việc thường xuyên tổ chức các Lễ hội truyền thống của các dân tộc như: Lễ hội Gầu Tào, Lễ Nhảy lửa, Cấp sắc, Lễ hội xuống đồng của người Tày xã Tà Chải, Na Hối, Bảo Nhai, Lễ hội Đền Bắc Hà, Đền Trung Đô xã Bảo Nhai, Lễ Cúng rừng.

Các hoạt động văn hóa được tổ chức hằng năm thu hút đông đảo du khách đến với Bắc Hà

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng được tăng cường tổ chức như: Tổ chức Tuần Văn hóa du lịch Bắc Hà với chủ đề: “Sắc màu cao nguyên trắng” đã tạo ấn tượng tốt với du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá và thu hút du khách đến Bắc Hà ngày càng nhiều hơn.

Cùng với bảo tồn các bản sắc văn hóa, việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho nhân dân cũng là một nội dung cơ bản, cốt lõi của phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đến nay, giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác của huyện đạt 51,6 triệu/ha, tăng 12,2 triệu đồng/ha so với năm 2018. Diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều đạt vượt so kế hoạch.

Đáng chú ý, các cây trồng thế mạnh tiếp tục được chú trọng và mang lại hiệu quả tích cực như: dược liệu  với diện tích 87 ha đã kết thúc thu hoạch 13 ha actisô với sản lượng gần 300 tấn; cây ăn quả ôn đới  có diện tích 1.133ha, sản lượng quả tươi đạt gần 4.300 tấn; cây chè có diện tích 655ha thu hoạch đến nay đươc gần 2.700 tấn búp tươi. Sản xuất ứng dụng công nghệ cao được đẩy mạnh, diện tích đến nay đạt 128ha. Các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp như: Công ty Thiên Trường, Công ty VietRap, Anh Nguyên; các hợp tác xã: Dì Thàng, Nông nghiệp Na Hối, Cồ Dề Chải, Nông nghiệp Hone Farm Bắc Hà. Cây quế tiếp tục khẳng định vị trí chủ lực với diện tích đạt 8.200ha, giá trị thu hoạch trong 9 tháng đạt 196 tỷ đồng, tăng 36 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, huyện Bắc Hà đã tăng cường chỉ đạo với mục tiêu tập trung đổi mới, chủ động, sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông lâm nghiệp. Với những hướng đi phù hợp, khép lại năm 2019, các chỉ tiêu trong sản xuất nông lâm nghiệp đều hoàn thành và vượt kế hoạch, đã góp phần tăng thu nhập cho người dân, nâng mức GRDP bình quân đầu người trên địa bàn toàn huyện lên 30,88 triệu đồng/người/năm (tăng 4,08 triệu đồng so 2018) và giảm được gần 1.000 hộ nghèo, ước cả năm tỷ lệ giảm nghèo đạt 8,91% (đạt 159% kế hoạch tỉnh giao).

Cùng với phát triển sản xuất, lĩnh vực xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với duy tu bảo dưỡng thường xuyên các công trình cơ sở hạ tầng sau đầu tư ở Bắc Hà đã có những kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trong năm 2019, các xã hoàn thành 34km đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, các xã như: Bản Phố, Thải Giàng Phố, Nậm Đét, Nậm Lúc đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của và huy động các nguồn xã hội hóa khác để làm đường liên gia, ngõ xóm. Việc duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư được các xã quan tâm triển khai thực hiện. Việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình trên địa bàn huyện được thực hiện thường xuyên liên tục đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế. Các xã triển khai nạo vét, khơi thông dòng chảy đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 175 công trình thủy lợi, với tổng chiều dài các tuyến kênh mương là 558,3km, trong đó được kiên cố hóa là 397,9km, đạt 67,6%; diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã chủ động được nước tưới trên 80%. Công tác phòng, chống thiên tai được thực hiện chủ động, đã hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Tiêu chí thủy lợi tiếp tục duy trì đạt tại tất cả 20/20 xã.

Trong những năm qua, huyện Bắc Hà cũng quan tâm tới việc đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Tính đến hết tháng 9 năm 2019, các hộ gia đình triển khai xây dựng mới, nâng cấp gần 500 nhà tiêu hợp vệ sinh, đào mới trên 1.000 hố rác gia đình, thành lập 17 mô hình Câu lạc bộ nhà sạch, vườn đẹp. Các thôn duy trì thường xuyên công tác dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Việc thực hiện phong trào thi đua trên địa bàn huyện đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, làm thay đổi diện mạo ở khu dân cư.

Nhân dân xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà tích cực tham gia tuyên truyền, thực hiện vệ sinh môi trường nông thôn


Chỉ tính riêng trong năm 2019, nhân dân đã đóng góp được hơn 6,3 tỷ đồng; gần 1 tỷ đồng tiền mặt, trên 15.000 ngày công lao động, trên 39.000 m2 đất và nhiều hiện vật có giá trị khác nâng tổng kinh phí xã hội hóa lên gần 9 tỷ đồng.

 Về tiêu chí cụ thể, tính đến tháng 9/2019, huyện có 7 xã hoàn thành từ 10 đến 14 tiêu chí, gồm: Nậm Mòn, Cốc Lầu, Lùng Cải, Tả Củ Tỷ, Thải Giàng Phố, Nậm Lúc và Bản Cái; 8 xã hoàn thành từ 5 đến 9 tiêu chí, gồm: Lùng Phình, Lầu Thí Ngài, Bản Già, Tả Van Chư, Hoàng Thu Phố, Thải Giàng Phố, Nậm Khánh và Cốc Ly. Ước đến hết năm 2019, bình quân mỗi xã hoàn thành 12,45 tiêu chí. Bên cạnh đó, địa phương cũng có 4 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

So với một số huyện, chương trình xây dựng nông thôn mới của Bắc Hà gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tiêu chí liên quan đến giao thông, điện nông thôn và vệ sinh môi trường do đặc thù địa phương. Để khắc phục, huyện tiếp tục ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức của người dân trong việc chung tay thực hiện các tiêu chí nông thôn mới./.

Lâm Tú

Tin Liên Quan

Sức trẻ trong xây dựng nông thôn mới

Với sức trẻ, nhiệt huyết, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã xung kích đi đầu, góp phần cùng với đảng bộ, chính quyền và người dân các địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023, Nhân dân Bảo Yên đóng góp hơn 11 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Chiều 16/1, huyện Bảo Yên tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Nghị quyết 10-NQ/TU năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Huyện đoàn Bát Xát giành giải Nhất Hội thi “Tuổi trẻ Lào Cai tham gia xây dựng nông thôn mới” năm 2023

Huyện đoàn Bát Xát giành giải Nhất Hội thi “Tuổi trẻ Lào Cai tham gia xây dựng nông thôn mới” năm 2023

Vì lợi ích của cộng đồng thì nên làm

Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình cần đến sự tình nguyện đóng góp công sức, tiền của người dân. Thời gian qua, ở một số địa phương của tỉnh Lào Cai đã có không ít hộ dân chủ động, tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, tài sản trên đất để xây dựng các công trình phúc lợi. Ông Hoàng...

Bản Phiệt đạt tiêu chí thu nhập

Xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của từng thôn để hoạch định hướng phát triển kinh tế cụ thể, xã Bản Phiệt (Bảo Thắng) đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh thương mại sầm uất, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ atiso

Những năm qua, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây atiso giữa Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sapa với người dân thị xã Sa Pa rất hiệu quả, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.