Khẳng định vị thế của Lào Cai trong xu thế hội nhập (1991 - 2012)

Nhân Hội thảo khoa học “Lời dạy của Bác Hồ mãi soi đường cho nhân dân các dân tộc Lào Cai”, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường ngày thêm đẹp.          Ảnh: Ngọc Minh

Từ khi tái lập tỉnh (1991) đến nay, tỉnh Lào Cai đã có sự phát triển nhanh và toàn diện. Kinh tế phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; trình độ dân trí, mức sống người dân được nâng cao, an sinh và công bằng xã hội được thực hiện tốt.

Với điểm xuất phát thấp, nhưng do khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương, nên kinh tế của tỉnh từ 1991 - 2012 có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và tốc độ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục, đặc biệt là từ  2001 - 2012 luôn đạt ở mức hai chữ số. Bình quân trong hơn 20 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 12,9%/năm. Qui mô GDP cũng tăng nhanh chóng, năm 2000 gấp 10,1 lần so với năm 1991; năm 2010 gấp 2,9 lần so với năm 2000 và gấp 6,5 lần so với năm 1991. Đến năm 2012, GDP của Lào Cai đạt 17.085,8 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2011. Sự tăng trưởng này giúp Lào Cai dần thoát ra khỏi danh sách tỉnh nghèo, chậm phát triển của vùng.

Các ngành kinh tế của tỉnh tăng trưởng liên tục qua các năm. Kinh tế nông nghiệp được xác định là trọng tâm và phát triển một cách toàn diện. Quy mô sản xuất nông nghiệp ngày càng lớn, năm 2000 gấp 6,7 lần so với năm 1991, đến năm 2010 gấp 1,7 lần so với năm 2000 và gấp 12,1 lần so với năm 1991. Năm 2012, tổng sản phẩm nông nghiệp đạt 3.451,8 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2011. Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp khá cao, bình quân đạt 7,0%/năm, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Kinh tế công nghiệp được coi là đòn bẩy của toàn bộ nền kinh tế địa phương có bước phát triển đột phá. Quy mô sản xuất công nghiệp ngày một lớn, năm 2000 gấp 11,8 lần năm 1991, đến năm 2010 tăng gấp 5,6 lần năm 2000 và gấp 65,6 lần năm 1991. Đến năm 2012, tổng sản phẩm công nghiệp đạt 7.206,9 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2011. Tốc độ tăng trưởng kinh tế công nghiệp bình quân trong hơn 20 năm đạt khoảng 18,8%/năm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án công nghiệp quan trọng, bước đầu khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về khai thác chế biến khoáng sản, đầu tư phát triển thuỷ điện, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm sản...

Kinh tế dịch vụ được xác định là ngành kinh tế động lực cũng có bước phát triển vượt bậc. Năm 2000, quy mô của sản xuất dịch vụ tăng gấp 26,4 lần năm 1991, năm 2010 gấp 3,1 lần năm 2000 và gấp 81,2 lần năm 1991. Năm 2012, tổng sản phầm của kinh tế dịch vụ đạt 6.339,8 tỷ đồng, tăng 25,5% so với năm 2011. Tốc độ tăng trưởng bình quân của dịch vụ đạt 15,4%/năm. Kinh tế thương mại, dịch vụ phát triển, đã khai thác có hiệu quả thế mạnh cửa khẩu, tạo động lực để phát triển kinh tế địa phương. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, thị trường được mở rộng. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hằng năm đều tăng. Kinh tế đối ngoại không ngừng được mở rộng, tỉnh Lào Cai đã thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Năng lực nội sinh của nền kinh tế tỉnh Lào Cai từng bước được nâng lên. Tỷ lệ đầu tư trên GDP và các nguồn lực khác đầu tư cho phát triển kinh tế của tỉnh Lào Cai tăng hằng năm, khoa học công nghệ ngày càng phát triển trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao, tạo cơ sở cho sự chuyển biến các lĩnh vực, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được nâng lên, luôn đứng ở tốp đầu. Theo đánh giá xếp hạng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Lào Cai luôn ở Top 10 cả nước: Năm 2008, chỉ số PCI của Lào Cai ở vị trí thứ 8, năm 2009 ở vị trí thứ 3, năm 2010 đứng ở vị trí thứ 2; năm 2011 đứng ở vị trí số 1, năm 2012 đứng ở vị trí số 3 so với 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Kinh tế tỉnh Lào Cai phát triển đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, thu nhập và mức sống được nâng lên, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét. GDP bình quân đầu người của tỉnh cũng tăng lên, từ 0,83 triệu đồng năm 1991 lên 26,3 triệu đồng năm 2012. Sản lượng lương thực tăng nhanh hàng năm... Nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt của người dân từng bước được đáp ứng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.

Vị thế của Lào Cai ngày càng được khẳng định.                             Ảnh Ngọc Bộ

Từ năm 1991 - 2012, giáo dục và đào tạo Lào Cai có bước phát triển vượt bậc. Các loại hình giáo dục và quy mô trường lớp ngày càng mở rộng. Lào Cai là một trong những tỉnh hoàn thành các mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập Trung học cơ sở sớm trong cả nước và duy trì được kết quả phổ cập giáo dục. Chất lượng giáo dục, trình độ dân trí từng bước được nâng lên, tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt ở mức cao. Giáo dục đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp, đào tạo nghề của tỉnh cũng có những chuyển biến tích cực.

Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đẩy mạnh. Nhờ được đầu tư xây dựng, hệ thống mạng lưới y tế Lào Cai được củng cố và mở rộng cả về y tế dự phòng và điều trị, cơ sở vật chất và trang - thiết bị tốt hơn, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Năm 2005, toàn tỉnh mới có 9,15% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, đến năm 2012, đạt 76,83%. Chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao, nhiều người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ tuyến cơ sở, đặc biệt khám, chữa bệnh cho người nghèo ngày càng được quan tâm.

Nhờ giải quyết được việc làm cho người lao động, nên tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm khá nhanh. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được thành tựu quan trọng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh, chênh lệch về tỷ lệ nghèo giữa vùng thấp và vùng cao thu hẹp dần, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số cũng giảm xuống.  Diện mạo nông thôn vùng cao, biên giới có nhiều đổi mới, đời sống của người dân được nâng lên.

Ngoài ra, việc thực hiện đồng bộ và hoàn thiện hệ thống các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội trên các lĩnh vực giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm, ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội, chính sách dân tộc, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về các dịch vụ công cũng góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác định canh, định cư đạt được kết quả bước đầu, góp phần ổn định đời sống nhân dân vùng cao, vùng khó khăn, biên giới.

Đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, bản săc văn hoá được giữ gìn, phát huy. Các hoạt  động văn hoá, nghệ thuật, truyền thanh - truyền hình, báo chí được đẩy mạnh, đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức đã nâng mức hưởng thụ của nhân dân lên một bước. Các thiết chế văn hóa được xây dựng đến tận thôn, bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nhiều tiến bộ. Hoạt động thể dục, thể thao có bước phát triển theo hướng xã hội hoá. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Những thành tựu đạt được trên, nhưng Lào Cai vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức, đó là: Tăng trưởng kinh tế cao nhưng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, của hàng hoá và năng suất lao động xã hội thấp; năng lực nội sinh còn hạn chế, tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế để đầu tư cho sản xuất chưa cao. Sự phát triển của lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn gặp khó khăn và hạn chế. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao chủ yếu phát triển ở những vùng trung tâm. Tập quán lạc lậu, di dân tự do vẫn còn ở vùng dân tộc thiểu số.

Trong lĩnh vực xã hội vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Lao động thất nghiệp ở thành thị hoặc thiếu việc làm ở nông thôn còn nhiều. Tỷ lệ đói, nghèo còn cao, sự phân hoá giàu, nghèo tăng lên, đời sống của đại bộ phận nhân dân vùng cao còn nhiều khó khăn. Phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương còn nhiều và có chiều hướng tăng. Các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý... diễn biến phức tạp.

Hướng tới phát triển bền vững, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới là:

- Nông nghiệp, nông thôn: Khai thác lợi thế đất đai, khí hậu phát triển nông - lâm nghiệp hàng hóa phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tập trung đầu tư nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Công nghiệp: Trong tương lai gần xây dựng khu công nghiệp Tằng Loỏng trở thành trung tâm phát triển công nghiệp khai thác đi đôi với chế biến sâu về khoáng sản của cả nước về Apatít, đồng thỏi, sắt ...

- Xây dựng, đô thị: Tiếp tục xây dựng phát triển đô thị trung tâm thành phố Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế lớn, đô thị hiện đại của vùng Trung du miền núi Bắc bộ, là địa bàn quan trọng về hợp tác quốc tế với vùng Tây Nam (Trung Quốc) của vùng và cả nước; mở rộng Sa Pa thành thị xã du lịch và trở thành điểm du lịch trọng điểm của cả nước; đầu tư nâng cấp thị trấn Phố Lu thành thị xã Phố Lu sau năm 2015.

- Về thương mại - dịch vụ: Thực hiện tốt vai trò “cầu nối” của Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đẩy mạnh tốc độ gia tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu; đầu tư nâng cấp Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, đặc biệt là Khu Cửa khẩu Quốc tế và Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành; quảng bá, nâng cao thương hiệu du lịch Sa Pa, Bắc Hà...

- Về văn hóa - xã hội: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, đồng thời nâng tỷ lệ nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này để đảm bảo duy trì phát triển... 

- Về bảo vệ môi trường: Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường, giải quyết một bước cơ bản tình trạng suy thoái môi trường tại các khu công nghiệp, các khu dân cư đông đúc ở các trung tâm đô thị, các làng nghề và một số vùng nông thôn. Nâng cao khả năng phòng, tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, sự biến đổi khí hậu bất lợi đối với môi trường. Quản lý khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và giữ gìn đa dạng sinh học...
Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Văn Phúc trao huy hiệu 60 năm tuổi Đảng tại huyện Si Ma Cai

Sáng 16/5, tại xã Nàn Sán, nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2024), Huyện ủy Si Ma Cai tổ chức Lễ trao huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho đảng viên Thền Xuấn Quáng, Chi bộ thôn Đội 3, Đảng bộ xã Nàn Sán.

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bảo Thắng lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Ngày 14/5/2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Bảo Thắng đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Lào Cai tổ chức cuộc thi trực tuyến trên Internet Tìm hiểu cải cách hành chính

Trong tháng 8 năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức cuộc thi trực tuyến trực tuyến trên Internet “Tìm hiểu cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.

Lào Cai thu hút trên 2,7 triệu lượt khách du lịch

Theo số liệu thống kê của sở Du lịch, 04 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Lào Cai ước đạt trên 2,7 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế trên 298.000 lượt, khách nội địa trên 2,4 triệu lượt, tăng 5,88% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023.

Điểm sáng phát triển đảng viên trong thanh niên nhập ngũ

Chú trọng tạo nguồn, kết nạp Đảng cho thanh niên ưu tú chuẩn bị lên đường nhập ngũ góp phần nâng cao chất lượng chính trị trong thanh niên, khơi dậy niềm tự hào, ý chí quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trong quân ngũ. Năm 2024, Bảo Yên là địa phương điển hình trong triển khai công tác này.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh

Bắt nhịp với xu thế phát triển mới, Lào Cai đang thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là trong thu hút đầu tư và bước đầu đạt kết quả tốt.