Thành tựu cơ bản của kinh tế đối ngoại

Trong 68 năm qua, đặc biệt là từ sau công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập, nhất là từ 1995, kinh tế đối ngoại của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhất là từ năm 1993 đến nay.

Kinh tế đối ngoại gồm nhiều lĩnh vực, như xuất, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, khách quốc tế đến Việt Nam, kiều hối,…

Trước Cách mạng tháng 8/1945, Việt Nam đã từng xuất khẩu than, gạo, cao su,…, nhưng đây chủ yếu là hoạt động kinh tế nhằm vơ vét tài nguyên và bóc lột sức lao động của thực dân, phong kiến.

Giai đoạn trước năm 1991, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu sang Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu- một phần lớn là đổi lấy nguyên nhiên vật liệu, lương thực, hàng tiêu dùng; xuất khẩu sang các nước khác rất hạn hẹp, do bị bao vây cấm vận và năng lực sản xuất hàng xuất khẩu hạn chế.

Với đường lối đổi mới, mở cửa hội nhập, chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá, từ năm 1995 đến nay, xuất khẩu của nước ta đạt được nhiều sự vượt trội với kim ngạch xuất khẩu tăng và đạt quy mô khá ngày một lớn.

Xuất khẩu bình quân đầu người tăng lên và hiện đạt quy mô cao gấp nhiều lần so với năm 1985, nếu năm 1985 mới đạt 11,7 USD, năm 1990 đạt 36,4 tỷ USD, năm 2000 đạt 186,6 USD, năm 2005 đạt 393,8 USD, năm 2010 đạt 830,5 USD, thì năm 2012 đạt 1291 USD và dự báo năm 2013 đạt 1450 USD (ước năm 2013 cao gấp gần 124 lần năm 1985, bình quân 1 năm tăng 18,8% - một tốc độ tăng rất cao so với các ngành, lĩnh vực khác).

Tỷ lệ xuất khẩu so với GDP tăng khá nhanh: năm 1985 mới đạt 5%, năm 1995 đạt 26,2%, năm 2000 đạt 46,4%, năm 2005 đạt 61,1%, năm 2007 đạt 64,7%, năm 2012 đạt 73,8%. Khả năng năm 2013 có thể đạt trên 75%, cao hơn tỷ lệ của Đông Nam Á, cao gấp ba lần tỷ lệ của châu Á và thế giới, đứng thứ 5 trên thế giới. Tốc độ tăng xuất khẩu khá cao, từ năm 1993 đến năm 2010 gần như liên tục đạt 2 chữ số (chỉ bị giảm vào năm 2009 hoặc tăng thấp vào năm 1998, năm 2001- là những năm mà Việt Nam bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng trên thế giới, ở khu vực và cuộc khủng hoảng chu kỳ ở Mỹ..).

Kim ngạch xuất khẩu ước năm 2013 cao gấp 186,1 lần năm 1985, gấp trên 4 lần năm 2005,… Tốc độ tăng xuất khẩu cao gấp nhiều lần tốc độ tăng GDP, nên xuất khẩu đã trở thành lối ra, thành động lực của tăng trưởng kinh tế. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có khối lượng lớn, kim ngạch đứng thứ hạng cao trên thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ,... và gần đây có một số mặt hàng có trình độ kỹ thuật- công nghệ cao, như điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy ảnh...

Thị trường xuất khẩu được mở rộng ra gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó đứng đầu là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Australia, Singapore, Anh,… Xuất khẩu dịch vụ đã tăng khá, từ 4,3 tỷ USD năm 2005 lên 7,5 tỷ USD năm 2010, lên 9,6 tỷ USD năm 2012.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm: đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư gián tiếp (FII) thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Nguồn FDI đạt kết quả khá trên nhiều mặt: Quy mô vốn tính từ năm 1988 đến tháng 8/2013 khá cả về lượng vốn đăng ký (259 tỷ USD), cả về lượng vốn thực hiện (107,8 tỷ USD).

FDI đăng ký tăng trở lại trong năm 2012 và 8 tháng năm 2013 tăng 19,5%; FDI thực hiện 8 tháng 2013 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả 63 tỉnh, thành phố của cả nước đều có vốn FDI, trong đó có 27 tỉnh, thành phố có số vốn đăng ký đạt trên 1 tỷ USD.

Hiện có trên 80 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, trong đó có 16 nước và vùng lãnh thổ có vốn đăng ký (còn hiệu lực) đạt trên 1 tỷ USD (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hoa Kỳ,  Trung Quốc, Anh, Nga, Đức, Pháp, Australia…).

Khu vực FDI hiện đã chiếm trên 18% GDP, 46,3% giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế, 66,2% kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm trực tiếp cho trên 1,7 triệu lao động.

Nguồn vốn ODA đạt quy mô khá (từ năm 1993 đến nay cam kết đạt  trên 76 tỷ USD, giải ngân đạt khoảng 39 tỷ USD), trong đó 8 tháng năm 2013 giải ngân 2,74 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với tiếp nhận FDI nước ngoài, Việt Nam đã đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, tính từ 1989 đến hết năm 2012 có 729 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt trên 15,1 tỷ USD. Tại 23 nước và vùng lãnh thổ, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư với lượng vốn lớn (những dự án còn hiệu lực) đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 11 dự án đạt trên 100 triệu USD, cao nhất là Lào 3.672,5 triệu USD, tiếp đến là Campuchia 2.575,7 triệu USD, Peru 1.276,7 triệu USD...

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng tăng liên tục qua các năm. Với quy mô và tốc độ tăng trong 8 tháng đầu năm, khả năng năm 2013 có thể đạt trên 7,3 triệu lượt người. Lượng ngoại tệ do khách quốc tế chi tiêu khi đến Việt Nam cũng tăng khá (nếu năm 2005 đạt 2,3 tỷ USD, thì năm 2006 đạt 2,85 tỷ USD, năm 2007 đạt 3,75 tỷ USD, năm 2008 đạt 3,93 tỷ USD, năm 2009 đạt 3,05 tỷ USD, năm 2010 đạt 4,45 tỷ USD, năm 2011 đạt 5,71 tỷ USD, năm 2012 đạt 6,83 tỷ USD, khả năng 2013 đạt mốc 7,5 tỷ USD).

Với chủ trương mở cửa, hội nhập ngày một sâu rộng, với phương châm làm bạn với tất cả các nước, đa dạng hoá, đa phương hoá, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao, quan hệ đầu tư, quan hệ buôn bán, du lịch với hầu hết các nước, trong đó có các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

(theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...

Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Cục Điện ảnh sẽ tổ chức "Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ" từ ngày 24-30/4/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.