Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ hạt nhân trong ứng phó Covid-19

Từ ngày 15 đến 19-6-2020, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tổ chức họp trực tuyến để thảo luận về các vấn đề trọng tâm trong hoạt động của IAEA như chương trình hợp tác kỹ thuật hạt nhân giữa IAEA và các nước thành viên, vấn đề thực thi Hiệp định về thanh sát hạt nhân giữa IAEA và Iran, Syria, Triều Tiên.
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ hạt nhân trong ứng phó Covid-19

Đại sứ Lê Dũng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Hội đồng Thống đốc cũng trao đổi và quyết định một số vấn đề thủ tục nhằm chuẩn bị cho Đại Hội đồng IAEA khóa 64, dự kiến nhóm họp vào tháng 9-2020. Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã thay mặt Ban Lãnh đạo IAEA trình bày các báo cáo về hoạt động của IAEA trong năm 2019 để Hội đồng Thống đốc thông qua trước khi trình Đại Hội đồng IAEA khóa 64 xem xét, phê chuẩn. Tổng Giám đốc cũng báo cáo một số vấn đề quan trọng phát sinh trong quý 2-2020 như kết quả thanh sát chương trình hạt nhân của Iran, việc triển khai các hoạt động, chương trình, dự án của IAEA trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng tại nhiều quốc gia.

Liên quan hoạt động của IAEA trong dịch Covid-19, Tổng Giám đốc Grossi cho biết, tính đến ngày 25-5, IAEA đã nhận được yêu cầu của khoảng 120 quốc gia về hỗ trợ công nghệ và thiết bị phục vụ việc phát hiện sớm virus SARS-CoV-2. Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực cho các quốc gia thành viên về thiết lập, tăng cường và phục hồi khả năng ứng phó các dịch bệnh, thảm họa và các tình huống khẩn cấp khác”, IAEA đã cung cấp bộ sinh phẩm, trang thiết bị và dụng cụ bảo hộ để các quốc gia thực hiện việc chẩn đoán và phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng công nghệ kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR) - kỹ thuật phân tích tế bào ứng dụng công nghệ hạt nhân được cho là hiệu quả nhất để xác định nhanh và chính xác virus SARS-CoV-2. Tổng Giám đốc IAEA cho biết, do nhiều nước buộc phải đóng cửa biên giới và hạn chế các hoạt động hàng không quốc tế để ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 cho nên quá trình vận chuyển và tiếp nhận các trang thiết bị nêu trên gặp rất nhiều khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, IAEA đã cùng lúc thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có hợp tác và ký kết thỏa thuận với Chương trình Lương thực của Liên hợp quốc (WFP) để có thể đưa trang thiết bị tới các quốc gia thông qua kênh vận chuyển của WFP. Ngoài ra, IAEA xác định yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng trong ứng dụng cộng nghệ hạt nhân nói chung và giải quyết nhu cầu cấp bách của các nước trong dịch Covid-19 nói riêng. IAEA đã dự dịnh tổ chức khóa đào tạo từ ngày 30-3 đến 9-4-2020 tại phòng thí nghiệm của tổ chức này đặt tại Seibersdorf (Áo), với mục tiêu hướng dẫn chuyên gia của các nước sử dụng trang thiết bị và bộ sinh phẩm theo kỹ thuật RT-PCR. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, khóa đào tạo này đã không được tổ chức. Trong bối cảnh đó, IAEA đã phối hợp Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức các chương trình đào tạo trực tuyến cho các nước thành viên và hoạt động này đã phát huy hiệu quả, giúp nhanh chóng triển khai vận hành các trang thiết bị do IAEA cung cấp ngay sau khi tiếp nhận.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Đại sứ Lê Dũng, Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA nêu rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 và đã đạt một số thành công ban đầu trong ứng phó với dịch bệnh này. Tính đến ngày 16-6, Việt Nam đã xác nhận 334 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và đã chữa trị thành công cho nhiều trường hợp, trong đó có một số bệnh nhân biến chứng nặng, chưa có trường hợp nào tử vong. Theo Đại sứ, kết quả nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc sớm thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế tối đa tốc độ lây lan của dịch bệnh và sự phối hợp, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, trong đó có IAEA. Các trang thiết bị và hướng dẫn do IAEA cung cấp đã giúp các cơ quan chuyên môn của Việt Nam ứng dụng kỹ thuật RT-PCR và phát hiện chính xác virus SARS-CoV-2.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Đại sứ bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của IAEA cũng như đóng góp về tài chính, kỹ thuật của các nước như Anh, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada, Na Uy để IAEA thực hiện các hoạt động hỗ trợ này.

Nhân dịp này, Đại sứ Lê Dũng hoan nghênh việc IAEA xây dựng Chương trình hành động về ứng phó với các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật. Đại sứ tin tưởng chương trình này sẽ giúp các quốc gia thành viên phát triển công nghệ hạt nhân vào việc phòng ngừa và giải quyết không chỉ dịch Covid-19 mà còn các dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai. Đại sứ tái khẳng định cam kết của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với IAEA để thúc đẩy ứng dụng công nghệ hạt nhân vào mục đích hòa bình, phục vụ phát triển bền vững, đặc biệt là giải quyết các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Hội đồng Thống đốc là một trong hai cơ quan về xây dựng chính sách của IAEA. Hội đồng bao gồm 35 nước thành viên có nhiệm kỳ hai năm và có một số chức năng chính như xem xét và khuyến nghị Đại Hội đồng IAEA về các vấn đề liên quan đến các hoạt động của tổ chức này, xem xét đề nghị gia nhập IAEA của các quốc gia, thông qua và giám sát quá trình thực thi các hiệp định về thanh sát hạt nhân, ban hành các tiêu chuẩn của IAEA về an toàn hạt nhân. Hội đồng cũng là cơ quan đề cử ứng viên vào vị trí Tổng Giám đốc IAEA trước khi trình Đại Hội đồng thông qua. Việt Nam đã nhiều lần được bầu vào Hội đồng Thống đốc IAEA và là Chủ tịch Hội đồng từ năm 2013-2014. Cuộc họp từ ngày 15 đến 19-6-2019 là lần đầu tiên Hội đồng Thống đốc IAEA nhóm họp bằng hình thức trực tuyến.

https://nhandan.org.vn/thegioi/tin-tuc/item/44937202-viet-nam-chia-se-kinh-nghiem-ung-dung-cong-nghe-hat-nhan-trong-ung-pho-covid-19.html

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.