Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh qua những bức thư, lời căn dặn, sự quan tâm của Người đối với nhân dân các dân tộc Lào Cai

Trích bài phát biểu của Giáo sư - Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội thảo khoa học “Lời dạy của Bác Hồ mãi soi đường cho nhân dân các dân tộc Lào Cai” do Tỉnh uỷ Lào Cai tổ chức ngày 29/8.
Nhân dân các dân tộc Lào Cai trong trái tim Bác Hồ

Từ mùa Thu năm 1945 sau khi chính quyền về tay nhân dân đến mùa Thu năm 1969 khi Bác Hồ từ trần là thời kỳ cách mạng Việt Nam phải trải qua nhiều gian nan, thử thách: xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, chống thù trong, giặc ngoài, đẩy lùi nạn đói, nạn dốt; tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống sự xâm lược của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất đất nước; từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội trên hậu phương miền Bắc, hậu thuẫn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam…

Trong những năm tháng chồng chất khó khăn, vô cùng ác liệt đó, Bác Hồ phải dành toàn bộ thời gian, trí tuệ, sức lực cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ lo việc quốc gia đại sự. Chính trong bối cảnh lịch sử ấy, tấm lòng thương nước, thương dân của Người càng tỏa sáng; mọi suy nghĩ, hành động của Người đều xuất phát từ ham muốn tột bậc làm sao cho đất nước được độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc. Tấm lòng nhân ái bao la của Bác luôn hướng về đồng bào, chiến sĩ cả nước, đặc biệt là những vùng miền nhiều gian khó, trong đó có Lào Cai - vùng biên ải phía Bắc Tổ quốc.


Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lào Cai (năm 1958) -       Ảnh: Tư liệu

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, trở về với biên niên sử Hồ Chí Minh, thật xúc động trước ân tình vô bờ bến của Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc Lào Cai. Ở những thời điểm đáng nhớ nhất trong một thời kỳ nhiều dấu ấn lịch sử, lúc khó khăn khi thuận lợi, mỗi thành công trên từng bước đi lên, đồng bào các dân tộc Lào Cai đều nhận được sự chia sẻ, động viên, cổ vũ, hướng dẫn chan chứa nghĩa tình của Bác. Dường như Bác Hồ không phải ở Thủ đô, không phải ở Trung ương mà Người ở ngay trên đất Lào Cai này, đâu đó quanh ta, quan tâm và thấu hiểu mọi việc.

Cuối Thu năm 1945, nước nhà đã được độc lập, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay khắp nước Việt Nam tự do, riêng vùng biên thùy phía Bắc, do tình hình phức tạp, nhân dân Lào Cai chưa khởi nghĩa giành chính quyền cấp tỉnh. Ngày 18 tháng 10 năm 1945, Bác Hồ viết thư gửi “đồng bào yêu quí ở Lào Cai” thể hiện sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và lời động viên, tin tưởng của Người.

Hơn một năm sau, đúng một tháng trước khi phát lệnh toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 19 tháng 11 năm 1946, Bác Hồ viết thư gửi nhi đồng xã Sa Pa cám ơn các cháu gửi tặng hai cây gậy roi và căn dặn các cháu gắng sức học hành, giúp đỡ mọi người cùng học tập, tiến bộ. Bức thư ngắn gọn nhưng thể hiện tâm nguyện và kỳ vọng lớn lao của người đối với thiếu niên, nhi đồng Việt Nam.

Năm 1950, cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta bước sang năm thứ tư. Sau giai đoạn phòng ngự chiến lược, quân dân ta chuyển nhanh sang giai đoạn cầm cự và phản công cục bộ. Rừng núi phía Bắc, trong đó có Lào Cai, trở thành chiến trường quan trọng, nơi diễn ra hình thái giằng co ác liệt giữa ta và địch. Bác Hồ ngày đêm dõi theo từng diễn biến, từng động thái trên các chiến trường. Ngày 1 tháng 5 năm 1950, được tin các chiến sĩ ta đã chiến đấu dũng cảm ở mặt trận Phố Lu, Nghĩa Đô, nhiều đồng chí bị thương, Người đã kịp thời viết thư thăm hỏi, động viên anh em thương binh; khen ngợi, cám ơn sự chăm sóc, cứu chữa tận tình của các thầy thuốc. Thu – Đông năm 1950, theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ, quân dân ta mở chiến dịch Biên giới nhằm tiêu hao, tiêu diệt một phần sinh lực địch; đập tan ý đồ phong toả biên giới, thành lập “xứ Nùng”,  “xứ Thái” tự trị của thực dân Pháp. Quân dân Lào Cai đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, kiên cường chiến đấu, giành thắng lợi vẻ vang trong chiến dịch Lê Hồng Phong II. Ngày 1 tháng 11 năm 1950, Lào Cai hoàn toàn giải phóng, sạch bóng quân thù. Vào thời điểm bước ngoặt trọng đại đó, ngày 27 tháng 11 năm 1950, Bác Hồ viết hai bức thư gửi đồng bào và gửi chiến sĩ, cán bộ Lào Cai để chung vui, biểu dương thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của quân dân Lào Cai và ân cần căn dặn những công việc phải làm ngay để xây dựng, bảo vệ quê hương giải phóng.

Năm 1958, sau khi kết thúc thắng lợi công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch 3 năm  cải tạo, phát triển kinh tế. Những năm tháng này, Lào Cai cũng giành được những kết quả quan trọng về kinh tế, văn hoá, xã hội, về đấu tranh phòng chống thổ phỉ, bảo vệ thành quả cách mạng. Vui mừng trước thành tích và những bước tiến bộ của tỉnh địa đầu Tổ quốc, ngày 23, 24 tháng 9 năm 1958, Bác Hồ về thăm Lào Cai. Người tranh thủ từng giờ từng phút đi thăm mỏ Apatit, thăm công trường mỏ Cóc; thăm nơi ăn, ở, làm việc của công nhân; thăm một số gia đình đồng bào dân tộc; gặp gỡ các đại biểu dân tộc, các đại biểu phụ nữ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Người đã nói chuyện thân mật với công nhân mỏ, với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc; ân cần trao đổi, dặn dò những công việc thiết yếu liên quan đến sự phát triển của tỉnh, đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Hai ngày 23, 24 tháng 9 năm 1958 tuy ngắn ngủi, nhưng là thời khắc đẹp nhất, thiêng liêng nhất, không thể nào quên đối với đồng bào các dân tộc Lào Cai – ngày đồng bào, đồng chí được trực tiếp gặp Bác Hồ, được trực tiếp chứng kiến những lời nói, việc làm thấm đậm nghĩa tình của Người; được trực tiếp cảm nhận, đón nhận tấm lòng nhân ái bao la của Bác.

Tình yêu thương, sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ trở thành nguồn cổ vũ tinh thần to lớn đối với Đảng bộ, nhân dân Lào Cai. Cuối năm1958 đầu năm 1959, Lào Cai đạt nhiều thành tích nổi bật, đặc biệt, công nhân mỏ Apatít hoàn thành vượt mức kế họach 10%. Đúng vào ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 năm 1959, Bác Hồ gửi thư chung vui, hoan nghênh, biểu dương công nhân, cán bộ mỏ Apatit.

Những năm 1961 - 1965, miền Bắc tiến hành kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội  lần thứ nhất với quyết tâm mới, khí thế mới. Thực hiện sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, Lào Cai vừa chú trọng phát triển kinh tế, vừa quan tâm phát triển văn hoá – xã hội. Phong trào học tiếng H’Mông được phát động sâu rộng; điển hình thành công là xã Bản Phố, huyện Bắc Hà - xã đầu tiên xóa xong nạn mù chữ. Vui mừng, phấn khởi, Bác Hồ viết bài “Một thắng lợi mới” đăng trên báo Nhân dân với bút danh TL để biểu dương, khen ngợi thành tích nhiều ý nghĩa này. Người xem đây là biểu hiện sinh động thắng lợi mới về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; là thắng lợi đầu tiên của đồng bào H’Mông về mặt văn hoá.

Ngoài 6 bức thư, 1 bài báo, một lần về thăm Lào Cai, trong 24 năm giữ cương vị Chủ tịch nước, giữa bộn bề trăm công ngàn việc, Bác Hồ đã nhiều lần gặp gỡ đoàn đại biểu cán bộ, nhân dân Lào Cai về Thủ đô dự các ngày lễ lớn của đất nước. Người đã thay mặt Đảng, Nhà nước ký lệnh tặng thưởng 346 Huân chương Kháng chiến chống thực dân Pháp cho nhân dân, chiến sĩ, cán bộ, đảng viên Lào Cai; 3 Huân chương Lao động cho xã Thanh Bình (Mường Khương ), Bản Phố (Bắc Hà), huyện Sa Pa; tặng Bằng khen của Chủ tịch nước cho 7 xã thuộc các huyện Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng. Thường xuyên đọc báo Lào Cai, Bác Hồ đã kịp thời gửi tặng 85 Huy hiệu của Người để biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong lao động sản xuất, chiến đấu, công tác, những gương người tốt việc tốt.

Những bức thư, những lời căn dặn, động viên và sự quan tâm của Bác Hồ đối với nhân dân các dân tộc Lào Cai được thể hiện ở nhiều thời điểm khác nhau, với những nội dung, phương thức khác nhau, song đều ấm áp tình thương yêu sâu nặng của Người. Ở mọi thời điểm, chiến tranh hay hoà bình, thuận lợi hay khó khăn, gian khổ, tấm lòng Bác Hồ vẫn “luôn luôn nhớ đến đồng bào”. Tình thương yêu, nỗi nhớ mong, sự quan tâm của Người vừa bao la, hướng về cộng đồng các dân tộc Lào Cai, vừa cụ thể đối với từng giai cấp, từng ngành, giới: công nhân, nông dân các dân tộc ít người, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, phụ nữ, thanh niên, nhi đồng, phụ lão; đối với công việc, số phận của mỗi con người. Bác đau nỗi đau của những chiến sĩ bị thương trong trận đánh Phố Lu, Nghĩa Đô, vui niềm vui chiến thắng của các chiến sĩ trên mặt trận Lê Hồng Phong II; chia sẻ nỗi vất vả của các thầy thuốc, khán hộ thời chiến tranh, của anh chị em công nhân, cán bộ, chuyên gia nước ngoài làm cầu Làng Giàng, mỏ Apatit, công trường Mỏ Cóc những năm tháng miền Bắc mới hoà bình. Người phấn khởi gửi tặng Huy hiệu biểu dương những cán bộ làm tốt công tác dân vận, những nông dân sản xuất giỏi, những người có thành tích bảo vệ xóm làng, dũng cảm cứu người bị nạn, nhặt được của rơi tìm trả người bị mất… Người trân trọng nâng niu tình cảm hồn nhiên của nhi đồng Sa Pa; vui mừng chúc phúc hai cụ Lù A Páo, Thào Thị Dinh, xã Lao Chải thọ hơn 100 tuổi. Tình thương yêu, tấm lòng khoan dung của Người còn dành cho cả những người chót lầm lỡ đi theo thổ phỉ, những người còn chịu ảnh hưởng của những phong tục, lề thói cũ.

Trong những kỷ vật về Bác Hồ dịp Người lên thăm Lào Cai tháng 9 năm 1958 còn lưu giữ được đến hôm nay, có một bức ảnh thật đẹp - ảnh Bác Hồ chụp với ông Trần Văn Nỏ, người dân tộc Tày, có công phát hiện mỏ Apatit. Trong ảnh, Bác Hồ hiền hậu, tươi cười, thân thiết ôm choàng vai ông Nỏ. Thuyết minh cho bức ảnh rất giá trị này, có lẽ không có lời đề từ nào hay bằng hai câu thơ Tố Hữu:

“ Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
 
Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.

Tầm cao và chiều sâu chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh

Nhớ và nghĩ về nhân dân các dân tộc Lào Cai, Bác Hồ luôn ấp ủ điều mong ước cháy bỏng: “Tỉnh nhà ngày thêm phồn thịnh và sung sướng”. Với tầm nhìn cao rộng của một nhà cách mạng lỗi lạc, nhà văn hoá kiệt xuất, am hiểu sâu sắc triết lý dựng nước, giữ nước Việt Nam: Nhà - Làng - Nước, Bác Hồ luôn gắn công cuộc xây dựng, phát triển Lào Cai với sự nghiệp cách mạng chung của cả nước; gắn vận mệnh của nhân dân các dân tộc Lào Cai với mục tiêu cao cả phấn đấu củng cố nền độc lập dân tộc, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng nền hạnh phúc tự do cho nhân dân.

Dưới thời thực dân, phong kiến, nhân dân Việt Nam nói chung, đồng bào các dân tộc Lào Cai nói riêng, bị cùm trói, chà đạp trong đói nghèo, dốt nát. Nước nhà được độc lập, tự do; tỉnh Lào Cai ngày càng phồn thịnh, vấn đề có ý nghĩa hàng đầu, phải chăm lo hàng đầu là làm cho nhân dân được no ấm, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Với Bác Hồ, nhân dân là gốc, là chủ thể sáng tạo nên lịch sử, và do vậy, phải là chủ thể thụ hưởng những thành quả cách mạng - bao nhiêu lợi ích đều thuộc nơi dân. Trong các bức thư, lời căn dặn của Người đều toát lên niềm ước vọng: nhân dân các dân tộc Lào Cai có “đời sống vật chất và đời sống văn hoá tiến bộ nhanh”; “mọi người no cơm, ấm áo hơn nữa”.


Thiếu nhi Lào Cai bên Đài thư Bác Hồ gửi nhi đồng xã Sa Pa, huyện Sa Pa (Lào Cai).          Ảnh: La Văn Tuất

Tự hào về truyền thống hiếu học, tố chất thông minh của dân tộc Việt Nam; thấu hiểu nguyên lý dân tộc dốt là dân tộc yếu, Bác Hồ đau đáu ý tưởng xây dựng dân tộc Việt Nam thành một dân tộc thông thái. Người thiết tha mong muốn đồng bào các dân tộc Lào Cai “ai cũng biết chữ quốc ngữ” để “nâng cao hơn nữa trình độ hiểu biết”, để “tiến bộ không ngừng”, để xây dựng, vun đắp “thuần phong mỹ tục”.

Trước khi giành được chính quyền cách mạng, đồng bào các dân tộc Lào Cai cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước phải chịu thân phận nô lệ, bị đoạ đầy, đau khổ trong  một xã hội bất công, chia rẽ, đầy hiềm khích dân tộc. Đồng thời và cao hơn nhu cầu thiết thân về cơm áo là khát vọng của đồng bào các dân tộc về quyền làm người. Hiểu đến tận cùng niềm khao khát chính đáng đó, trong thư gửi và lời căn dặn Đảng bộ, nhân dân Lào Cai, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến vấn đề bình đẳng dân tộc, đến quyền tự do, quyền làm chủ của đồng bào, xem đó là vấn đề cốt tử trong chính sách dân tộc của Đảng. Bác thường xuyên dặn dò: “Ngày nay, dưới chế độ dân chủ cộng hoà của chúng ta, các dân tộc bất kỳ to hay là nhỏ đều bình đẳng, đều là người chủ nước nhà Việt Nam. Tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt”.

Tầm cao và chiều sâu chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là như vậy. Rất cao và rất sâu nhưng không trìu tượng, không chung chung, mà thiết thực như mặt trời, không khí quanh ta, ai cũng có thể cảm nhận được, bởi đó là sự kết tinh và toả sáng lẽ sống của dân tộc, sự mưu cầu hạnh phúc của cộng đồng, quyền sống của mỗi con người.

Hiện thực hoá chủ nghĩa nhân văn trong đời sống

Bác Hồ là nhà tư tưởng – hành động. Ở Người có sự kết hợp nhuần nhuyễn lời nói và việc làm, ý tưởng và thực hành. Chủ nghĩa nhân văn của Người là chủ nghĩa nhân văn hiện thực, tràn đầy sức sống và tính hành động. Trong những bức thư, bài báo viết về Lào Cai và lời nói chuyện của Bác Hồ với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Lào Cai, chúng ta không chỉ thấy mênh mông tình thương yêu và những hoài bão lớn lao của Người mà còn thấy rất đậm nét những lo toan, suy tư, trăn trở tìm kiếm con đường mang hạnh phúc đến với nhân dân.

Một mặt, với tư cách người lãnh đạo cao nhất của đất nước, Bác Hồ ngày đêm cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ chăm lo xây dựng, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, phấn đấu làm sao để đồng bào các dân tộc miền núi phát triển, tiến bộ về mọi mặt. Mặt khác, Bác Hồ luôn hướng mọi suy nghĩ của mình về với nhân dân; đặt địa vị của mình vào địa vị của người dân, cùng bàn bạc, trao đổi, gợi mở, hướng dẫn mọi người xây dựng cuộc sống mới.

Trong đấu tranh giành và giữ chính quyền, Bác Hồ căn dặn cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Lào Cai “phải đấu tranh đến kỳ cùng để mưu tự do, hạnh phúc cho dân tộc”; “tuyệt đối không được vì thắng lợi mà kiêu, không được chủ quan”; “phải ra sức giúp đỡ Chính phủ, ủng hộ bộ đội, để góp phần vào công việc trường kỳ kháng chiến, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi”.


Thành phố Lào Cai hôm nay.     Ảnh: Phạm Ngọc Triển

Trong hòa bình xây dựng, Bác Hồ thường xuyên nhắc nhở, động viên, hướng dẫn đồng bào các dân tộc Lào Cai phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, học chữ quốc ngữ để ngày càng ấm no, tiến bộ. Như một lão nông dạn dày kinh nghiệm sản xuất, dịp về thăm tỉnh nhà, Bác Hồ trao đổi cặn kẽ, gợi mở những công việc rất thiết thực. Người ân cần nói: Lào Cai có hơn 17.000 mẫu ruộng và 89.000 người, ruộng đất ít, tính đổ đồng mỗi người được độ hai sào; muốn đủ lương thực phải ra sức trồng lúa, ngô, khoai; đồng bào, đặc biệt là đồng bào rẻo cao cần định canh, bảo vệ rừng, dùng phân bón, làm ruộng bậc thang, cải tiến kỹ thuật; phải tổ chức tổ đổi công cho tốt rồi tiến dần lên hợp tác xã để người đông sức đủ mà tăng gia sản xuất.

Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp xóa nạn mù chữ, học chữ quốc ngữ, chữ của dân tộc nhằm nâng cao trình độ văn hóa, trình độ hiểu biết của nhân dân Lào Cai. Người dặn dò tha thiết: Nên thi đua học bổ túc văn hóa, đẩy mạnh phong trào học chữ, cách tốt nhất là: Người biết chữ thì thi đua dạy người chưa biết; người chưa biết chữ thì thi đua học cho biết; cán bộ tỉnh, huyện thi đua giúp đỡ các xã gây thành phong trào học chữ; xã này thi đua với xã khác. Người nhắc nhở cán bộ miền xuôi công tác ở miền núi cần phải học tiếng địa phương để có thể gần gũi, hiểu biết nhân dân nhiều hơn.

Để có cuộc sống ngày càng tốt đẹp, Bác Hồ căn dặn, phải tổ chức nhân dân, dựa vào lực lượng nhân dân để giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng thuần phong mỹ tục, an cư lạc nghiệp. Người ân tình chỉ dẫn: cán bộ, đồng bào cần kiên trì thuyết phục những người lầm đường làm phỉ, khuyên họ trở về làm ăn lương thiện; phải chịu khó giải thích, tuyên truyền vận động những người còn mê tín, còn giữ những phong tục tập quán lạc hậu có hại cho vệ sinh, cho sản xuất, cho sự sống, sự phát triển của dân tộc để họ tự nguyện tự giác học theo những tập quán tốt. Người khuyến cáo: tuyệt đối không được dùng cách áp bức, mệnh lệnh.

Trong tư tưởng Bác Hồ, sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới ở Lào Cai phải là sự nghiệp của toàn dân; phải bắt đầu từ sự nỗ lực, phấn đấu của từng con người, từng gia đình gắn với sự thương yêu, đoàn kết trong từng thôn bản, từng xã, từng huyện; sự thân ái, tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau trong từng cộng đồng dân tộc, giữa các dân tộc với nhau,và rộng hơn, giữa miền xuôi với miền ngược. Người luôn căn dặn: “Tất cả nhân dân Lào Cai, không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo, lương giáo, không phân biệt Mán, Mường, Mèo, v.v., cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu…”; tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu nhau như anh em ruột thịt; phải tìm mọi cách giúp đỡ các dân tộc rất ít người như dân tộc Lô Lô…

Đi lên ấm no, hạnh phúc trong điều kiện nhiều khó khăn, thiếu thốn của một tỉnh vùng cao biên giới, trọng trách trước hết đặt trên vai Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, quân đội và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bác Hồ chỉ dẫn, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các tổ chức chính trị - xã hội phải đoàn kết nhất trí, giúp đỡ nhau trong mọi việc; cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải cần, kiệm, liêm, chính, phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, luôn luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, làm đúng chính sách của Đảng, Nhà nước, đi đúng đường lối quần chúng, phải xung phong làm gương mẫu để lôi cuốn nhân dân làm theo trong việc đoàn kết dân tộc, tăng gia sản xuất, trong mọi việc ích nước, lợi dân. Người dặn dò, phải ra sức chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc, người địa phương…

Cách viết, cách nói của Bác Hồ không đao to búa lớn, không lý luận cao siêu mà dung dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. Người vừa là lãnh tụ tối cao, hết lòng lo việc dân việc nước, vừa thân thiết, gần gũi, hiền hòa như già làng, trưởng bản quây quần cùng đồng bào, đồng chí, dân chủ luận bàn, tìm chọn đường đi nước bước, cách nghĩ, cách làm thiết thực để biến ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp sớm trở thành hiện thực sinh động trên quê hương Lào Cai. Sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là thế.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng sức sống mãnh liệt ấy - sức sống của lòng nhân ái Hồ Chí Minh, lý tưởng Hồ Chí Minh, sự soi đường dẫn lối Hồ Chí Minh vẫn là, mãi mãi là nguồn sức mạnh, là ánh sáng dẫn dắt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai vững vàng tiến bước trên con đường ấm no, hạnh phúc./.
Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai xử lý gần 600 trường hợp vi phạm giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông, trong dịp nghỉ lễ vừa qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã bố trí 347 tổ tuần tra kiểm soát, thực hiện 15.245 lượt kiểm tra, qua tuần tra phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với 591 trường hợp, ước số tiền xử phạt khoảng 1.751 triệu đồng.

Lào Cai tiếp tục nhân rộng mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”

Năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa nhằm khuyến khích, vận động người dân không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, khuyến khích thay thế túi nilon bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường.

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024

Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường hằng năm (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5) do Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 1998 và được các Ban ngành Trung ương, địa phương và Nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng giúp đạt được những kết quả đáng khích lệ về cấp nước và vệ sinh góp phần làm...

Lào Cai: Quyết liệt hoá giải các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông

Với mục tiêu kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai và các ngành chức năng đã và đang tham mưu UBND tỉnh các giải pháp quyết liệt xử lý các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Lào Cai: Giá trị xuất nhập khẩu tháng 4 tăng mạnh so với cùng kỳ

Theo thống kê, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong tháng 4 vẫn đang trên đà tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2023.

Chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký Công điện số 03/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.